Nhà bị bán, thế chấp ngân hàng nhiều lần, chủ nhà vẫn không hay biết

26/05/2017 - 15:39

PNO - Giấy chủ quyền vẫn còn giữ, chủ nhà không hề hay biết căn nhà đã bị bán đến ba lần. Chuyện thật như đùa này xảy ra tại P.6, Q.5, TP.HCM.

Trong đơn gửi đến báo Phụ Nữ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ở số F51 cư xá Phú Lâm, P.13, Q.6, TP.HCM) phản ánh, cách nay khoảng 25 năm, vợ chồng bà được Nhà nước bán hóa giá căn nhà số 1030/8 đường Võ Văn Kiệt, P.6, Q.5. Cuối năm 2015, bà rao cho thuê hoặc bán nhà. Nhiều người đến hỏi mua, sao y giấy chủ quyền căn nhà. 

Nha bi ban, the chap ngan hang nhieu lan, chu nha van khong hay biet
Nhà bị bán qua ba đời chủ, bà Thủy mới phát hiện

Tháng 3/2016, một khách hàng đồng ý thuê. Khi bà công chứng hợp đồng cho thuê thì tá hỏa khi nghe công chứng viên từ chối chứng nhận với lý do... nhà đã bị bán. Bà Thủy đến các cơ quan chức năng trích lục hồ sơ, tìm hiểu vụ việc thì phát hiện căn nhà của bà đã bị sang tay qua đến hai đời chủ. Lúc này, xuất hiện bà Phạm Thị Hiên (tự xưng là chủ nhà) tranh chấp nhà với bà. Bà Thủy gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng Q.5. UBND P.6, Q.5 tạm thời làm trung gian hòa giải bằng cách lập biên bản, giữ chìa khóa, không cho ai vào nhà trong thời gian chờ các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.  

Tuy nhiên, trong lúc bà Thủy cung cấp thêm chứng cứ cho Công an Q.5 điều tra thì bất ngờ nhận tiếp “hung tin”: căn nhà đã bị bà Hiên sang tay tiếp qua đời chủ thứ ba. Người chủ mới tranh chấp với bà là ông T. ở cùng phường. Bà tìm hiểu thì phát hiện, trước đó UBND P.6 đã giao chìa khóa nhà cho bà Hiên. Và, bà Hiên bán nhà cho người khác.

Bức xúc, bà khiếu nại UBND P.6 tiếp tay cho sai phạm, nhưng phường vẫn khẳng định mình làm đúng. “Nhà của tôi bị bán nhiều lần, trong khi giấy chủ quyền tôi vẫn còn giữ đầy đủ. Phải chăng có cán bộ tiếp tay cho kẻ lừa đảo?”, bà Thủy đặt vấn đề. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà của bà Thủy không chỉ bị bán qua nhiều người mà việc giao dịch mua bán còn được thực hiện đầy đủ giấy tờ pháp lý. Giao dịch đầu tiên được thực hiện vào ngày 15/12/2015 với hợp đồng mua bán nhà có đầy đủ chữ ký của bà Thủy. Người mua là ông Sái Văn Suất (ở số 287/17 đường Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh) với giá một tỷ đồng. Công chứng viên Lê Văn Tuấn thuộc Văn phòng công chứng Đồng Tâm (số 967 đường Lũy Bán Bích, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã công chứng hợp đồng mua bán này. 

Nha bi ban, the chap ngan hang nhieu lan, chu nha van khong hay biet
Hợp đồng công chứng giải lừa bán nhà của bà Thủy

Hơn một tháng sau, ông Suất bán nhà cho bà Phạm Thị Hiên (số 67 khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) với giá 1.050.000.000 đồng. Công chứng viên Nguyễn Thị Lý thuộc Văn phòng công chứng Tân Bình (ở số 526 - 528 đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình) đã công chứng hợp đồng này. 

Bà Hiên mang giấy chủ quyền nhà thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (chi nhánh TP.HCM) vay ba tỷ đồng. Sau đó bà Hiên bán lại cho ông T. với giá khoảng 3,2 tỷ đồng, cũng thông qua các trình tự thủ tục trên. Hiện nay ông T. đã trả khoảng 70% giá trị căn nhà. 

Vì sao có chuyện trái khoáy như trên? Theo nguồn tin từ Công an Q.5, để chiếm đoạt, bán nhà của người khác, các đối tượng đã sắp xếp cực kỳ tinh vi. Bằng các thủ đoạn trong giao dịch thuê, mua nhà, các đối tượng đã đánh tráo giấy chủ quyền căn nhà của bà Thủy. Hiện giấy chủ quyền bà Thủy đang giữ thực tế là giấy giả. 

Theo một cán bộ điều tra Công an Q.5, có thể sau khi chiếm đoạt được giấy chủ quyền nhà của bà Thủy, các đối tượng đã làm một số giấy tờ tùy thân phù hợp với các thông tin của người đứng tên trong giấy chủ quyền. Sau đó tiến hành công chứng bán theo đúng thủ tục pháp lý. 

Bên cạnh đó, theo điều tra của phóng viên báo Phụ Nữ, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có kết quả giám định chữ ký và dấu vân tay được cho là của bà Thủy trong hợp đồng mua bán với ông Suất, thực tế là chữ ký và dấu vân tay giả. Vụ việc đang được cơ quan Công an Q.5 điều tra làm rõ. 

Luật sư Nguyễn Quang Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho biết: "theo quy định về thủ tục công chứng mua bán nhà đất, bên bán phải cung cấp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Bên mua và bên bán phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân. Đặc biệt, phải có mặt người đứng tên trong hợp đồng mua bán.

Trong trường hợp nêu trên, giấy chủ quyền là thật nhưng bà Thủy khẳng định không ký tên bán nhà, có thể đối tượng lừa đảo làm cả giấy chứng minh, hộ khẩu giả… và đưa người giả bà Thủy đến phòng công chứng ký tên”.

Nhiều vụ giả chữ ký chủ nhà, lừa đảo

Hành vi giả mạo chữ ký chủ nhà trong giao dịch mua bán nhà đất diễn ra khá nhiều. Tôi từng tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự. Sau khi dùng thủ đoạn tráo đổi giấy chủ quyền giả và lấy được giấy chủ quyền thật, kẻ gian sẽ làm luôn giấy chứng minh giả, hộ khẩu giả và người ký giả mạo chữ ký của chủ nhà. Nếu công chứng viên thiếu cảnh giác, không kiểm tra kỹ thông tin nhân thân, dấu vân tay, đối tượng lừa đảo sẽ qua mặt công chứng viên.

Nếu bà Thủy không ký bán, nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu của bà. Theo tôi, bà Thủy nên khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy các hợp đồng mua bán do giả mạo chữ ký; hủy các giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã cấp cho các bên thứ ba, trả lại nhà đất cho bà theo quy định.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI