Người mua nhà cảnh giác với “chiêu” lách luật để huy động vốn của chủ đầu tư

19/07/2016 - 13:12

PNO - Nhiều chủ đầu tư lập lờ giữa hai khái niệm “góp vốn” và “tiền mua” để đạt mục đích huy động vốn của mình.

Dự án CT Plaza Nguyên Hồng (địa chỉ số 18, đường Nguyễn Hồng, quận Gò Vấp, TP HCM) do công ty Nguyên Hồng làm chủ đầu tư, chưa đủ điều kiện để mua, bán nhà trong tương lai nhưng đã được các sàn giao dịch giao bán 28 triệu đồng/m2.

Trong hợp đồng một nhân viên môi giới đưa ra, ghi là “Hợp tác đầu tư quyền mua căn hộ”, nêu rõ giá trị đầu tư là khoản tiền tương đương với 30% giá trị căn hộ, quy định lịch trình thanh toán như một hợp đồng mua bán nhà ở. Trong khi đó, theo quan sát của PV, dự án này mới đang triển khai phần móng.

Nguòi mua nhà cảnh giác vói “chieu” lách luạt dẻ huy dọng vón của chủ dàu tu
Nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng chủ đầu tư hứa bán để huy động vốn

Tại quận 6, có dự án cũng xảy ra tình trạng như đã nói ở trên nhưng đại diện chủ đầu tư lại nói rằng đó chỉ là một “phép thử” để họ xem ý kiến, phản hồi của khách hàng ra sao.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hành động trên là hành vi lách luật để chủ đầu tư lợi dụng, trục lợi cho mình.

Phổ biến có hai dạng lách luật mà các doanh nghiệp đang thực hiện. Một là thỏa thuận “đặt cọc đăng ký chỗ” để đảm bảo thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán khi xây dựng dự án. Hai là thỏa thuận hứa bán.

Tại Điều 358, Bộ luật Dân sự quy định, đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Như vậy, các chủ đầu tư dự án bất động sản không đủ điều kiện được phép bán sẽ quay ra lách luật làm hợp đồng cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ căn hộ tại dự án.

Với hình thức thứ hai (thỏa thuận hứa bán), thực chất là một dạng đặt cọc của giao dịch có điều kiện để cam kết “khi có đủ điều kiện” sẽ tiến hành ký hợp đồng mua bán (Điều 125, Bộ luật Dân sự “Giao dịch dân sự có điều kiện”), bên cạnh đó, có thể kèm theo hình thức “đặt cọc”, có nghĩa giao dịch có điều kiện kèm theo đặt cọc.

Ngoài ra, còn một dạng lách luật nữa. Đó là ký hợp đồng huy động vốn phát triển dự án và được nhận sản phẩm.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết, nhiều khách hàng hiểu chưa chính xác khái niệm “huy động vốn” với “tiền mua trả trước”, nên dẫn đến tình trạng mập mờ trong giao dịch mua bán nhà hình thành trong tương lai.

Mặc dù Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 đã có sự phân biệt giữa “vốn góp” và “tiền mua”, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn lập lờ giữa 2 khái niệm này để đạt mục đích huy động vốn của mình.

Cũng theo luật sư Phượng, Điều 68, Luật Nhà ở 2014 quy định, các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, thì không có giá trị pháp lý.

Do đó, khi ký hợp đồng về vốn (người góp vốn) hay hợp đồng mua bán (đối với người mua nhà), các chủ thể hợp đồng vừa phải tuân theo pháp luật dân sự, vừa phải chấp hành pháp luật về nhà ở. Hợp đồng phải đúng về hình thức thì mới không bị tuyên là giao dịch vô hiệu.

“Người mua nhà cần hết sức cảnh giác với các loại hợp đồng hợp tác đầu tư quyền mua căn hộ kể trên, bởi nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, tòa án có thể tuyên là hợp đồng vô hiệu, khi đó người mua sẽ tiền mất tật mang”, luật sư Phượng khuyến cáo.

Theo Gia Huy (Đầu Tư Bất Động Sản)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI