Cách làm hồ cá thủy sinh vừa đẹp vừa hợp phong thủy

26/03/2019 - 09:06

PNO - Hồ cá thủy sinh là vật trang trí vừa đẹp mắt, vừa mang yếu tố phong thủy nên rất được ưa chuộng. Nhưng để có được hồ cá hoàn hảo cần đáp ứng rất nhiều yếu tố, chúng tôi sẽ mách bạn các bước cơ bản dưới đây.

Trước tiên, để có một hồ cá bạn cần nhiều thiết bị và đồ dùng khác nhau, chúng tôi giới thiệu đến các bạn 5 vật dụng cần thiết nhất.

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
 

1.  Hồ kính và chân kính

Mẫu hồ thông dụng có kích thước 60 – 40 – 40, chứa được 100 lít nước và dễ tính toán. Phần kính nên chọn kính tối thiểu 8 li. Một số người quan trọng vấn đề phong thủy thì kích thước của hồ cũng được tính toán sao cho phù hợp với phong thủy, bản mệnh của họ.

Sau khi đã có được bể kính thì tiếp theo bạn cần chọn một chân sắt để đặt hồ lên trên. Chiều cao phổ biến là 70 đến 80 cm. Nếu không thích chân sắt, bạn có thể chọn các mẫu có ốp cao su bên ngoài hay alu giả gỗ.

2. Hệ thống lọc nước

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
Sơ đồ phác thảo sơ bộ kích thước chuẩn của 1 hồ cá 

Để duy trì được môi trường trong sạch cho hồ cá bạn cần phải có 1 hệ thống lọc nước. Việc lọc nước không chỉ làm sạch mà còn loại bỏ chất độc tạo môi trường tốt cho cây và cá. Có rất nhiều loại hệ thống lọc khác nhau như: lọc ngoài dạng thùng, lọc ngoài dạng treo, lọc trong bể, lọc nguyên khối…

3. Hệ thống chiếu sáng

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
 

Đèn màu là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của hồ cá và cả sự sinh trưởng của các loài thủy sinh. Vì vậy, bạn hết sức chú tâm khi lựa chọn. Đèn thông dụng thường dùng là đèn huỳnh quang t8, t5, đèn LEB, đèn cao áp mental…

Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy các vật dụng này ở tiệm chuyên bán thiết bị hồ cá và họ sẽ tư vấn cho bạn loại đèn phù hợp.

Ngoài ra, vấn đề ánh sáng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thủy sinh còn quan trọng hơn. Nếu dùng càng nhiều đèn, càng nhiều ánh sáng thì càng khó quản lý. Ví dụ 1 hồ rêu, dương xỉ thì chỉ cần 0,5w/1 lít hoặc ít hơn. Khi đó rêu sẽ ít gặp vấn đề và không bị thiếu hụt dinh dưỡng. Nhưng nếu bạn cho một lượng ánh sáng 2w/1 lít thì cần phải có nhiều kinh nghiệm quản lý nước và rêu hại.

4. Nhiệt độ

Nhiệt độ là yếu tố cần thiết vì vậy bạn cần chú ý lắp các thiết bị điều chỉnh nhiệt độ để các loài thủy sinh có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Các thiết bị cần thiết bao gồm: nhiệt kế và máy điều chỉnh nhiệt độ nước.

5. Thiết bị CO2

Thiết bị CO2 bao gồm thiết bị sủi và thiết bị trộn khí giúp cho các loại thủy sinh xanh mướt và phát triển tốt hơn. Bạn cần chuẩn bị bình CO2, van khóa, cốc trộn, bộ đếm giọt… Cây thủy sinh cần CO2 để quang hợp, do lượng CO2 có sẵn trong nước chưa đủ nên cần các thiết bị khác để cung cấp thêm.

6. Phân nền thủy sinh

Phân nền đóng một vai trò quan trọng trong hồ thủy sinh, chúng có nhiệm vụ làm ổn định hệ vi sinh, chỉ số dinh dưỡng, pH, kH, gH… Phân nền có thể trộn từ đất, bùn, đất sét hoặc có thể dùng loại phân nền công nghiệp. Loại công nghiệp này thì có ưu điểm là dễ thực hiện nhưng có giá thành cao.

Nếu bạn có nhiều thời gian và muốn tiết kiệm chi phí thì có thể tự mua các vật liệu về trộn theo các công thức được hướng dẫn trên mạng. Loại này thường giàu dinh dưỡng nhưng lại khó làm vì nếu làm không kĩ sẽ bị xì lên gây đục hồ. Sau khi làm xong phân nền cho hồ thì phải phủ một lớp sỏi dày khoảng 3 cm trở lên.

Bài trí thế nào cho hợp phong thủy?

1. Nguyên tắc đặt bể

Nếu tin vào phong thủy, việc trước tiên bạn phải nhờ chuyên gia phong thủy xem bản mệnh của mình nên đặt hồ cá ở đâu. Một hồ cá mang lại sinh khí và tài lộc cho gia chủ phải đáp ứng được sự tương sinh với bản mệnh của gia chủ.

Trong đó, mệnh Kim, mệnh Mộc nên kê theo hướng Bắc. Mệnh Thổ kê hướng Tây Nam. Mệnh Thủy kê hướng Bắc hoặc Đông. Mệnh Hỏa không nên chơi bể cá.

Không nên đặt bể cá trong phòng ngủ vì đây là nơi nghỉ ngơi, việc bể cá luôn vận hành làm phá vỡ tính năng cũng như sự yên tĩnh của phòng ngủ. Cũng không nên đặt dưới các tượng thần vì nó mang ý nghĩa “chính thần hạ thủy” mang ý nghĩa tán gia bại sản.

Ngoài ra độ cao của bể cũng cần được chú ý, cao nhất cũng không quá ngực và thấp nhất là ở khoảng đầu gối. Kích cỡ không nên quá to và lượng nước trong bể cũng không nên quá nhiều, ở góc độ phong thủy, nước tuy vô cùng quan trọng, nhưng nếu quá nhiều cũng không tốt.

2. Số lượng cá khi nuôi

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
 

Số lượng cá trong bể cũng nên tính toán theo bản mệnh của gia chủ, mạng Thủy – từ 1 đến 6 con; mạng Mộc – từ 3 đến 8 con; mạng Thổ – từ 5 đến 10 con; mạng Hỏa – từ 2 đến 7 con; mạng Kim – từ 4 đến 9 con. Nuôi cá vàng nên nuôi 8 con vàng, 1 con màu đen, không những bảo vệ được tài lộc mà còn chống lại sự mất mát của tài lộc.

3. Hình dáng và kích thước bể cá

Có một điều không mấy thuận lợi là theo phong thủy bể cá nên có hình tròn là tốt nhất, nhưng trên thị trường hiện nay loại này không phổ biến. Vì vậy, tùy theo vị trí đặt bể có thể chọn bể hình tam giác chuyên đặt ở các góc; hình vuông, chữ nhật hay bán nguyệt đặt cạnh tường, hình tròn đặt ở vị trí giữa phòng hoặc cạnh cửa.

4.  Những loại cá nên nuôi

Thời gian gần đây, cá chép Koi (Nhật Bản) rất được ưa chuộng bởi chúng đa dạng về màu sắc, đuôi có hình xăm và nó mang biểu tượng may mắn theo văn hóa của người Nhật. Ngoài ra có nhiều loại cá khác cũng có ý nghĩa phong thủy lớn như:

Cá huyết anh vũ (nguồn gốc Đài Loan) là loại cá âm dương, có màu đỏ tươi như ngọn lửa, đứng đầu các loại cá trong khoa học phong thủy.

Cá Rồng (Kim Long) có dáng vẻ uy nghi sang trọng, màu sắc tuyệt đẹp rất có ý nghĩa tâm linh, mang lại may mắn, cá có tuổi thọ rất cao.

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
 

Cá đĩa (còn gọi là cá “ngũ sắc thần tiên”) có nguồn gốc từ Nam Mỹ là loài cá đẹp nhất trong các loài cá cảnh. Rất tốt cho thúc đẩy tài vận.

Cá La Hán đem lại sự thịnh vượng và may mắn.

Cá Nheo (có nguồn gốc từ Châu Âu) thường nuốt (ăn) các loại cá nhỏ nên là sở thích của một số thương gia (họ cho rằng có thể tấn công, cạnh tranh các đối thủ).

Cá Chọi (có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia) có nhiều màu sắc là loại cá nhỏ có tác dụng bổ sung ngũ hành.

Một số lưu ý khi chăm sóc hồ cá thủy sinh

Khi có một hồ cá hầu như bạn phải chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên nếu thay nước quá nhiều cũng gây chết và thiếu hụt hệ vi sinh, dinh dưỡng cũng mất cân bằng. Mỗi lần thay nước không nên vượt quá 50% tổng nước trong bể, không làm xáo trộn môi trường sinh thái bể cá.

Cach lam ho ca thuy sinh vua dep vua hop phong thuy
 

Trong khoảng một tháng đầu tiên sau khi lắp đặt, môi trường trong bể chưa ổn định và dinh dưỡng cũng chưa cân bằng. Rêu, tảo hại rất dễ bùng phát, cây, cá có thể chết nhiều và làm nản lòng người mới chơi bể cá.

Tuy nhiên, hoàn toàn có cách cho bạn đó là máy lọc phải hoạt động 24/24 giờ giúp vi sinh phát triển làm nền tảng cho quá trình lọc nước sau này. Bên cạnh đó, dòng nước được tạo ra nhờ máy lọc còn giúp cho một số cây thủy sinh ưa dòng chảy sẽ phát triển tốt.

Việc cung cấp ánh sáng cho bể cá cũng cần lưu ý là không nên vượt quá 12 giờ/ ngày (tối thiểu 8 giờ/ngày). Tuần đầu tiên nên giảm ánh sáng còn 50% tổng công suất chiếu sáng của cả bể. Sang tuần thứ 2, tăng dần cường độ chiếu sáng. Việc làm này giúp cho cây thủy sinh thích nghi dần với môi trường bể mới và dễ dàng bám rễ vào nền bể.

Do thức ăn của cá thường là thức ăn công nghiệp nên khi phân hủy trong bể thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường nước, làm đục nước và gây bệnh cho cá. Khi cho cá ăn không nên cho quá nhiều, tránh làm dư thừa thức ăn trong bể. Chỉ cần cho ăn 1 – 2 ngày/lần. Nếu có thức ăn thừa trong bể thì phải vớt ra ngay.

Huỳnh Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI