Nguy cơ đột quỵ khi trời trở lạnh

19/12/2018 - 17:00

PNO - Thời tiết Hà Nội trở lạnh, rét đậm từ cuối tuần qua là nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh tim mạch, đột quỵ có xu hướng gia tăng.

Thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ và các bệnh lý liên quan tới tim mạch tăng từ 10-15% trong những ngày rét. Chỉ riêng tại đơn vị Can thiệp tim mạch của bệnh viện đã tiếp nhận năm ca nhồi máu cơ tim, trong đó có hai ca nhồi máu cơ tim cấp, đe dọa tính mạng được các bác sĩ can thiệp kịp thời. 

Nguy co dot quy khi troi tro lanh
Bệnh nhân được ủ chăn kín mít khi di chuyển trong thời tiết lạnh

Cụ thể, bệnh nhân N.V.T. (68 tuổi, TP.Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở. Kết quả xét nghiệm, điện tâm đồ phát hiện, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, men tim tăng. Bệnh nhân được can thiệp động mạch vành, đặt stent cấp cứu và đã qua cơn nguy kịch.

Trường hợp thứ hai là bà N.T.A. (60 tuổi, TP.Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đã liệt nửa người và huyết áp cao ở mức 180/100 mmhg. Kết quả thăm khám cho thấy, bà N.T.A. bị tắc động mạch não giữa, tình trạng vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân này cũng có tiền sử cao huyết áp nhiều năm.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, nếu đưa vào bệnh viện muộn vài giờ, bệnh nhân đã phải đối mặt với tình trạng liệt vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục. Với bệnh nhân này, các bác sĩ phải sử dụng thuốc tiêu huyết khối và tiếp tục điều trị phục hồi chức năng sau khi bệnh nhân có dấu hiệu dần hồi phục, cử động được tay, chân. 

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, dù chưa có thống kê cụ thể song bác sĩ Mai Duy Tôn - khoa Cấp cứu A9 - cũng cảnh báo, nếu thời tiết rét đậm tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng nhóm bệnh này. Bác sĩ Mai Duy Tôn dẫn chứng, trong đợt lạnh vào mùa đông năm ngoái, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân, tăng từ 5-10% so với ngày thường.

Theo bác sĩ Tôn, thời tiết là nguyên nhân làm co mạch, máu dễ bị đông hơn nên dễ gây tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ. Với người cao tuổi, các chức năng cơ thể trở nên suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, dễ nhiễm khuẩn khiến bệnh nhân có nền bệnh trước đó dễ đột quỵ. Bác sĩ Tôn khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện như nói ngọng, méo miệng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột… thì cần nghĩ ngay tới bệnh đột quỵ, nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

“Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị, làm mất đi thời gian vàng (trong vòng sáu giờ) để cấp cứu”, chuyên gia đột quỵ Mai Duy Tôn nhấn mạnh. 

Nguy co dot quy khi troi tro lanh
 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân phân tích, thời tiết lạnh giá sẽ gây ra tình trạng mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch dẫn tới các hiện tượng tắc mạch máu, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ, nguy cơ tử vong cao. 

Không chỉ người cao tuổi mà trong thời tiết này, những người có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Do vậy, những người có bệnh này cần đặc biệt lưu ý trong thời tiết lạnh như hiện nay phải tuân thủ điều trị, có lối sống tích cực để tránh mất ngủ và stress. Ngoài ra, cần duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, vận động thường xuyên 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI