Nguy cơ dân số 'già: Tăng mức sinh, không dễ

07/07/2017 - 12:19

PNO - Đã qua thời kỳ “dân số vàng” - tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đạt mức cao, nước ta đang đối diện nguy cơ già hóa dân số, đặc biệt tại TP.HCM, tỷ suất sinh giảm rõ rệt.

Không dễ để tăng mức sinh thay thế, bởi thiên chức làm mẹ cũng đồng thời là một gánh nặng không ai có thể chia sẻ, gánh vác thay thế được người phụ nữ, trong khi họ còn lắm lo toan…

Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX vừa qua, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) tại thành phố là 1,45 con, rất thấp so với mức sinh thay thế cả nước là 2,10 con. Căn cứ các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai. Tỷ lệ người trẻ, người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng sẽ làm gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Nguy co dan só 'già: Tang múc sinh, khong dẽ
Sự tiến bộ của phụ nữ không bao giờ mâu thuẫn hay loại trừ việc sinh con, nuôi con

Mức sinh thấp, nhưng tỷ lệ tăng dân số luôn cao

Trao đổi với báo Phụ Nữ ngày 6/7, bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - cho biết, thống kê trên đã tính bao gồm tất cả người dân thường trú thực tế tại thành phố từ sáu tháng trở lên, tức không phân biệt có hộ khẩu hay không.

Theo bà Lệ, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục giảm. Do áp lực cuộc sống và công việc, tỷ lệ phụ nữ kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và tỷ lệ phụ nữ không sinh con ngày càng gia tăng. “Chi phí nuôi dạy trẻ ngày càng cao so với thu nhập, áp lực nhà ở, công việc, học tập, vui chơi giải trí ngày càng lớn đã khiến nhu cầu sinh con có xu hướng giảm nhanh. Tỷ lệ phá thai, vô sinh nguyên phát, thứ phát gia tăng cũng do nhu cầu giảm sinh và môi trường độc hại”, bà nói.

Những nguyên nhân nêu trên đều xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra với tốc độ nhanh ở thành phố và vấn đề vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng nâng cao. “Hậu quả sẽ diễn ra trong 15-20 năm tới. Điều này sẽ gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai bởi già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Xảy ra sự suy giảm về quy mô dân số, giống nòi dân tộc và nguồn nhân lực lao động, đặc biệt là lao động trẻ”, bà Lệ cảnh báo.

Sinh đủ chất và lượng

Thực ra nếu xét trên quy mô cả nước, thì vấn đề giảm sinh, dân số già là vấn đề lớn cần quan tâm chung. Bài toán giảm sinh ở Singapore có thể giải được vì họ có thể lấy người Trung Quốc và Mã Lai sang. Nhưng với Việt Nam mình thì không thể lấy như thế được, vì thế sinh đủ là cần thiết. 

Nhưng còn phải lưu ý vấn đề lượng và chất luôn luôn là hai mặt của vấn đề giống nòi, phát triển kinh tế. Ở quy mô thành phố, có thể lưu ý lực lượng di dân. Phần lớn di dân ở các tỉnh thành khác đến có thể đáp ứng nhu cầu về trình độ, tri thức, công nghệ, vốn liếng cho thành phố.

- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Tuy nhiên, bà Lệ đánh giá, tổng tỷ suất sinh thấp, thế nhưng tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm của TP.HCM vẫn còn rất cao. Thành phố phải chịu áp lực tỷ lệ tăng cơ học trên 2% (tăng tự nhiên dưới 1%). “Mối lo của chúng ta là phải đối đầu với việc tăng dân số bình quân hằng năm. Điều này là một áp lực lớn trong quản lý, điều hành của thành phố", bà Lệ nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề đã đến lúc áp dụng chính sách khuyến sinh? Bà Lệ cho biết, trung ương chưa có văn bản nào cho phép TP.HCM khuyến sinh. “Kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp như Nhật, Hàn Quốc, Pháp… cho thấy, một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh, dù có chi phí rất lớn, nhưng hầu như không có tác động để có thể làm mức sinh tăng trở lại. Bởi nguyên nhân như đã nói, phụ nữ không chịu sinh nữa, vì nhu cầu cuộc sống, điều kiện học tập, làm việc, vui chơi, giải trí… việc lập gia đình sinh con không phải là mục đích của phụ nữ hiện đại”, bà Lệ chia sẻ.

Theo bà Lệ, để giải quyết thực trạng dân số, thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục tập trung vận động người dân thực hiện thông điệp mỗi gia đình nên sinh đủ hai con, không sinh con thứ 3, nhằm duy trì mức sinh hợp lý. Việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Sinh đẻ phù hợp sẽ kéo dài thời kỳ “dân số vàng”, làm chậm lại quá trình “già hóa dân số”.

Tại sao phải hạn chế người có điều kiện nuôi con tốt?

Nếu như chính sách khuyến sinh không “ăn thua”, thì hiện đang tồn tại một nghịch lý. Bác sĩ Bùi Chí Thương - Bệnh viện Từ Dũ, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nêu, Pháp lệnh dân số năm 2003, kêu gọi mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con. Tuy nhiên, việc “khống chế” hiện chỉ “nhè vào” viên chức, công chức, người lao động bị ràng buộc tại những cơ quan, đơn vị… đa số là người có điều kiện nuôi con tốt.

“Tại sao người có điều kiện nuôi dạy con tốt thì lại bị hạn chế, còn người khó khăn, điều kiện kinh tế eo hẹp, không bảo đảm cho sự phát triển của trẻ thì lại đẻ thả cửa? Phải có chính sách khuyến khích trí thức sinh con thứ 3; phải cho người chồng thời gian nhất định để chăm sóc hậu sản. Ưu tiên tìm việc làm cho phụ nữ sinh con thứ 3. BHYT nên hỗ trợ tiền khám, điều trị cho những cặp vô sinh”, bác sĩ Thương đặt vấn đề.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, dù mức sinh thấp, nhưng hiện có đến 15% khu phố tại TP.HCM có trường hợp sinh con thứ 3. Theo lý giải của bà Lệ, tỷ lệ sinh con thứ 3 của TP chỉ khoảng 4-5% và rơi vào số ít trường hợp là những gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế, hoặc có hai con gái muốn sinh thêm con trai.

Điều này cho thấy, ý kiến của bác sĩ Thương rất đáng quan tâm. Tương tự, bà Phan Thị Hồng Xuân - Phó trưởng khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - nêu: “Khi đi tìm hiểu, quan sát thực tế tại các nước ASEAN, tôi thấy như Indonesia, dù là nước đông dân nhất ở ASEAN, áp lực dân số rất lớn, nhưng họ vẫn đang đề xuất ý kiến không kềm hãm dừng ở hai con đối với những gia đình trí thức, thành phần ưu tú trong xã hội, mà khuyến khích sinh nhiều con hơn nữa, vì họ có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Và đó cũng là nguồn gen quan trọng cho giống nòi. Thời Lý Quang Diệu, cho đến Lý Hiển Long, ở Singapore vẫn khuyến khích đàn ông nên kết hôn với phụ nữ có học thức và khuyến khích những cặp này sinh nhiều con”. 

Chính sách dân số tốt đưa đến an sinh xã hội tốt

Để khuyến khích sinh con, mỗi trẻ sinh ra ở Singapore được nhà nước cấp sẵn một tài khoản ngân hàng để mẹ có thể trang trải tiền sữa, tã… trong thời gian nuôi trẻ. Chúng ta cũng có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi sinh được nghỉ hộ sản sáu tháng để nuôi con hoặc hỗ trợ cho người chồng được nghỉ một tuần sau khi vợ sinh để ở nhà chăm sóc vợ con, hoặc trong thời gian cho bú năm đầu tiên, người mẹ có thể đi sớm hoặc về sớm một tiếng để thực thi nhiệm vụ làm mẹ. Tất cả cho thấy các chính sách liên quan đến dân số đều hết sức nhân bản, nhằm hỗ trợ người phụ nữ khi sinh.

Nhưng theo tôi, rất khó để kéo mức sinh tăng khi xã hội phát triển. Cứ nhìn vào các nước phát triển trên thế giới, hiện vẫn chưa thể cải thiện được mức sinh, cơ cấu dân số vẫn là dân số già. Dù chính sách thuận tiện cho phụ nữ, nhưng rõ ràng việc đẻ ra một đứa con, sau đó nuôi đứa con đó sao cho có chất lượng là cả một vấn đề. Đẻ ra rồi phải gửi con để mà đi làm là cả một bài toán với phụ nữ ở đô thị lớn như TP.HCM. Tôi đã từng trải qua hoàn cảnh nên rất thấu hiểu. Do đó cần những chính sách hỗ trợ và nhờ vậy, vô hình trung, khi quan tâm đến chính sách dân số, sẽ kéo theo những chính sách an sinh tốt hơn cho đời sống xã hội.

 - Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương

Hôm nay, ngày 7/7, Chi cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chú trọng các mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh”…

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI