Người “vẽ” Hạnh phúc

30/01/2017 - 19:00

PNO - Có những từ nói ra chỉ mất vài giây, nhưng để trải nghiệm và hiểu trọn vẹn về nó, người ta lại phải đi hết tới nửa đời người. Với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, điều ấy đúng trong khái niệm của anh về hạnh phúc.

1.

Nhìn bên ngoài, chẳng ai nói Hào không hạnh phúc với những gì đang có trong tay: giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội, kiến trúc sư (KTS) trưởng và là người sáng lập của một văn phòng kiến trúc lớn. Và đặc biệt, được sự thừa nhận gần như tuyệt đối trong nghề.

Gần nhất, cuối 2016, Hào nhận giải SIA - Getz, giải thưởng mà báo giới gọi bằng cụm từ “Nobel kiến trúc châu Á”, để thêm vào bộ sưu tập cả chục giải quốc tế của mình. Dự lễ vinh danh ở Singapore, anh lại “tiện đường” bay tiếp sang châu Âu, để giám khảo cho một cuộc thi kiến trúc khác.

Nguoi “ve” Hanh phuc
 

Một hành trình trong vài tuần như vậy đã đủ minh chứng cho khái niệm hạnh phúc, nhất là từ cặp mắt của các KTS trẻ.Người viết từng hỏi đi, hỏi lại Hào về suy nghĩ của anh, khi khởi dựng nhà văn hóa cộng đồng tại Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình). Công trình này là cột mốc quan trọng trong lộ trình của Hào, để có những kiến trúc mà anh tự định danh bằng khái niệm “kiến trúc hạnh phúc”.

Khái niệm ấy gồm có hạnh phúc của người sáng tạo, người sử dụng, cũng như giá trị tự thân của công trình. Và, hỏi vặn Hào, vì sao anh tự bỏ ra gần một tỷ đồng tiền túi, để bà con người Mường tại Suối Rè được thụ hưởng “miễn phí” hạnh phúc từ ngôi nhà văn hóa cộng đồng này?

“Tôi hiểu rõ mình không thể xin tài trợ từ Nhà nước. Và các nguồn lực xã hội cũng không nốt, ngoại trừ khoảng hơn trăm triệu từ một người bạn” - Hào trả lời. “Trong khi, mình đã có gần chục năm nghĩ và mong về một kiến trúc theo mô hình cộng đồng - xã hội như vậy”.

Mua đất, tự thiết kế, và dùng tiền “bỏ ống” để hiện thực hóa ý tưởng của mình, cái mà Hào đổi lại được là sự tự do sáng tạo mà không… chủ đầu tư nào can thiệp. Nhà cộng đồng Suối Rè mọc lên vào đầu 2010, ở một xã nghèo và tất nhiên, nơi đó chưa có dấu ấn của một kiến trúc “nghiêm chỉnh” nào.

Báo chí và giới kiến trúc khi ấy đã nhắc nhiều tới công trình ở Suối Rè. Về sự đan xen linh hoạt giữa các chức năng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, thư viện, phòng họp thôn. Về không gian hiện đại và phong phú, có vóc dáng và hồn cốt một ngôi nhà của người Mường cộng cùng yếu tố hiện đại từ những pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, gió địa hình, đèn LED tiết kiệm điện. Về chất liệu gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa, với tầng trệt xếp bằng đá gồ ghề, tầng trên đắp đất nâu, với những cửa tre, trần trúc, kèo tre lợp lá…

Tất nhiên, cách mà Hào lựa chọn để thỏa mãn khát vọng nghề nghiệp của mình cũng không thể khiến báo chí bỏ qua. Họ gọi anh là một KTS lãng mạn, là hiệp sĩ của những công trình xanh. Ít ai biết, phía sau sự “lãng mạn” được tặng về ấy là những mệt mỏi thường trực của Hào trong hai năm, trước khi nhà cộng đồng Suối Rè hoàn thành. Giá thi công vọt lên gấp ba lần so với dự kiến. Đến lúc, anh có thể “dốc túi” tiếp thì lại hết nguyên liệu, lớp nhà đất theo kiểu trình tường hỏng toàn bộ sau bốn tháng ngừng thi công. Rồi, những sự cố nối tiếp nhau về nhân công, về quá trình giám sát…

2 .  

Sau trường hợp Suối Rè, chuỗi công trình kiến trúc theo ý tưởng ấy đã được nối dài đáng kể. Đó là nhà cộng đồng ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), ở Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), là nhà cộng đồng kết hợp homestay ở Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang)  Rồi,  trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) nữa.

Tất cả diễn ra dồn dập trong sáu năm.Tất cả đều được thiết kế miễn phí. Chỉ có khác trước một chút, Hào không còn lâm vào cảnh phải “bỏ ống” một mình. Sau ngôi nhà văn hóa cộng đồng Suối Rè, các quỹ văn hóa, cũng như một số cá nhân và tổ chức, đã phần nào tìm thấy ở anh sự tương đồng về ý tưởng.

Họ là Viviana, một phụ nữ Bồ Đào Nha từng tới Sa Pa. Gặp những trẻ em lang thang bán thổ cẩm ở Sa Pa, cô nảy ra ý tưởng xây một ngôi nhà cộng đồng để làm nơi phát triển du lịch, cũng như học nghề thổ cẩm. Họ là Nguyễn Sự, ông bí thư nổi tiếng của Hội An, với quyết định hiến toàn bộ số tiền của giải thưởng Phan Châu Trinh vừa nhận để xây một nhà văn hóa ở khu đất ngập Cẩm Thanh. Là ca sĩ Thanh Lam, người sẵn lòng tham gia một đêm nhạc từ thiện do Hào và bạn bè tổ chức, khi dự án tại Tả Phìn gặp một “bi kịch cũ” : hết tiền…

Giữa các ngôi nhà của Hào với những nhà văn hóa địa phương -  loại công trình mà có lẽ, sau một thời gian, người ta đã bắt đầu nhìn ra sự tốn kém và thiếu khả dụng khi được xây nên, sự khác biệt dễ nhận ra nhất là tư duy về cách tiếp cận của KTS với những người sử dụng: cộng đồng bản địa.

Thiết kế tiện dụng, vừa hiện đại vừa kết hợp những yếu tố văn hóa của cộng  đồng bản địa là điều bất cứ KTS nào cũng có thể nhìn thấy ở những công trình này. Nhưng xa hơn, ngay từ góc độ vật liệu, tất cả những gì được Hào lựa chọn đều rất quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây - thay vì những khuôn nhà bê tông từ miền xuôi. Bởi, Hào hiểu rõ, những vật liệu “mộc” như vậy vừa giúp người dân không cảm thấy xa lạ trong nơi sinh hoạt của mình, vừa hạn chế được mức giá “trên trời” nếu được vận chuyển từ miền xuôi.

Dù là đá, gạch mộc, khung tre, là gỗ tái chế, gỗ thông, gỗ kiền kiền hay là những tấm lá dừa nước có sẵn của địa phương, tất cả những chất liệu ấy được anh cùng cộng sự nghiên cứu và tính toán cẩn thận, để phát huy hết tác dụng của mình mà vẫn có sự bền vững tương đối trước thời gian và thời tiết.

Nguoi “ve” Hanh phuc
 

Đơn cử, khi chọn chất liệu gạch không nung cho nhà văn hóa Tả Phìn, Hào mất ba tháng thuê kỹ sư thiết kế, chế thử, rồi lại nhờ Viện Khoa học vật liệu kiểm nghiệm các thông số về độ bền, cách âm, cách nhiệt hay khả năng đọng nước nếu gặp tiết trời ẩm mùa xuân.

3.

Hào điềm đạm và kiệm lời. Nhưng, khi nói về kiến trúc nông thôn, anh sôi nổi và hoạt bát hơn. Như lời Hào, phần lớn trữ lượng văn hóa của Việt Nam vẫn nằm ở nông thôn - khi mà các đô thị hiện đại mới chỉ hình thành ngót nghét hơn trăm năm trước.

Nhìn lại, những “kiến trúc hạnh phúc” của anh đều hướng tới những cộng đồng nghèo ở nông thôn hay miền núi -  mà Hào gọi là “cộng đồng yếm thế”. Và, đều không phải là những công trình đồ sộ về quy mô. Nhưng, với nghề kiến trúc, một công trình dù lớn nhưng vẫn có thể không bằng một nhà dân bé - nếu như ẩn sau ngôi nhà ấy là một triết lý đủ mở ra một trào lưu mới, đóng góp cho xã hội hoặc có tính phổ quát cao.

Triết lý ấy nằm trong thuyết trình của Hào gửi tới Hội đồng giám khảo của giải SIA - Getz, giải thưởng mà anh cũng thừa nhận là lớn nhất trong sự nghiệp từ trước tới giờ. Vắn tắt, xu thế toàn cầu hóa đang có xu hướng xóa nhòa bản sắc của nhiều cộng đồng - đặc biệt là ở các cộng đồng yếm thế không có nguồn lực tự “đề kháng”. Trong khi đó, họ lại là đối tượng nắm giữ một phần rất lớn bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, để đóng góp vào sự đa dạng của cả loài người.

Và, việc của KTS không chỉ là tạo ra sự bền vững văn hóa ở các công trình của cộng đồng ấy, mà còn tìm cơ hội để những người dân “yếm thế” cất lên tiếng nói của mình. Những suy nghĩ ấy, như lời Hào, manh nha đến từ khi anh còn là cậu sinh viên mới ra trường và thực hiện một đồ án về quy hoạch làng gốm Bát Tràng. Để rồi, 15 năm sau, ở độ tuổi 40, mọi thứ mới ở độ chín, anh bắt đầu hiện thực hóa “kiến trúc hạnh phúc”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI