Người đàn ông trên mây

20/02/2020 - 09:22

PNO - Điểm chung của các vị này là khi đã “một bước lên mây” (do ảo tưởng, ngộ nhận bản thân) là cứ mãi lửng lơ không đáp xuống “hạ giới”. Điều này đã gây bao chuyện dở khóc dở cười và hệ lụy phiền toái cho người thân của họ.

Điểm chung của các vị này là khi đã “một bước lên mây” (do ảo tưởng, ngộ nhận bản thân) là cứ mãi lửng lơ không đáp xuống “hạ giới”. Điều này đã gây bao chuyện dở khóc dở cười và hệ lụy phiền toái cho người thân của họ.

Phát là một ví dụ điển hình. Phát có vợ đẹp, con ngoan, không cờ bạc, gái gú, thuốc lá, rượu chè. Anh có một cơ ngơi khá giả cùng tay nghề thiết kế thiệp cưới vững vàng. Vốn đi lên từ miền Trung nghèo khó với hai bàn tay trắng, lập nghiệp tại TP.HCM, nên Phát có quyền tự hào về thành quả hôm nay. Mọi chuyện vẫn ngỡ sẽ mãi tốt đẹp…  

Được sự mách nước của một số bạn bè trong giới, Phát tìm đến các cuộc thi vẽ tranh cổ động, thiết kế logo, vẽ poster trên khắp cả nước. Như có cơ duyên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Phát đạt khá nhiều thành tích lớn nhỏ từ cấp phong trào cho đến địa phương. Phát hân hạnh được ban tổ chức chọn phát biểu thay cho các tác giả đạt giải, được các vị lãnh đạo bắt tay chúc mừng trước các thành tích vang dội. Mọi thứ quá dễ dàng và hoàn hảo như một giấc mơ khiến Phát choáng ngợp, lâng lâng và như bay “trên mây”.

Giờ đây, Phát thấy mình quá phi thường, mọi thứ với Phát đều nhỏ bé. Vì vậy, nếu những gì bình dân và không xứng tầm thì Phát không thèm màng đến.

Đầu tiên là chuyện tiệc tùng trong nhà. Nếu nhà vợ có tiệc mà chỉ mời thông qua vợ thì Phát không đi. Chụp hình thiệp gửi qua zalo hay messenger cũng không được, mà phải trao thiệp tận tay Phát, hoặc gửi tại nhà rồi gọi điện trực tiếp mời nhắc lại, chứ không được nhắn tin. Phát cho đó là “thiếu tôn trọng”. Mà mấy anh chị bên nhà vợ vốn dân miền Nam nên có phần xởi lởi, tiệc đơn giản đãi vài ba bàn, chủ yếu họp mặt gia đình khi có dịp.

Đôi lần họ sượng sùng, ê mặt vì bị Phát góp ý thẳng. Riết rồi sau này, nhận thức được thân phận “hạ phàm” của mình không với tới người “trên mây”, nên những buổi tiệc họ cũng tránh mời mọc cho đỡ phiền. Chỉ tội vợ Phát đứng cửa giữa nên khó xử, các buổi ăn uống họp mặt không còn sự hiện diện của Phát, tình cảm anh chị em bên nhà vợ, anh em bạn rể cũng lỏng lẻo dần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đạt cũng là một trường hợp tương tự. Vốn là thợ in tay nghề cao, chỉ vì “ngứa mắt” một thằng ranh con non tay nghề, thâm niên ít hơn, lại được đề bạt lên trưởng bộ phận, Đạt thấy mình không thể chịu nổi sự bất công (theo suy diễn cá nhân), nên đùng đùng xin nghỉ việc, không thèm màng đến gia cảnh của mình lúc ấy: vợ nội trợ, con nheo nhóc, bệnh tật liên miên, cả gia đình đang tá túc nhờ nhà đứa em gái… 

Khổ nỗi, đi tìm việc khác, việc nào anh cũng chê với đủ lý do. Bảo anh quay lại nghề in thì anh than đau khớp không còn sức đứng lâu, rồi mỏi cổ, mỏi vai gáy, trực ca đêm thì mất sức; làm tiếp thị, công nhân hay bảo vệ thì mất mặt vì vị trí của anh là phải “cao hơn mấy nghề đó một bậc”. Mấy năm gần đây, nghề xe ôm công nghệ phát triển khá sôi nổi.

Khi chị Thắm vợ anh vừa gợi ý, anh liền sừng sộ: “Bà muốn cả xóm này thấy tui mặc áo đồng phục xe ôm, rồi họ rêu rao hết đầu trên xóm dưới (!?) chắc lúc đó bà hả dạ lắm hả?”. Nói rồi anh ôm điện thoại chơi game cờ tướng - thú tiêu khiển yêu thích của anh, vì chỉ có món cờ trí tuệ mới “xứng tầm” để anh giết thời gian. 

Trở lại với Phát, do không chịu mở lòng nên chẳng ai còn muốn qua lại. Anh lúc nào cũng cau có, khó chịu. Công việc có phần bỏ bê, xao nhãng, do đầu óc lúc nào cũng tập trung vào các cuộc thi thiết kế mỹ thuật để bảo toàn vị trí “thượng tôn”. Mọi lời góp ý của người thân, anh đều bỏ ngoài tai vì “không ai hiểu được tầm và suy nghĩ của anh đâu” - anh nói với vợ như vậy. Cũng may vợ Phát cũng là dân trong nghề, nên có thể thay chồng cáng đáng mọi việc. Kinh tế không ảnh hưởng nhiều, nhưng tình cảm vợ chồng chắc chắn bị suy giảm, do đã lâu họ không còn tìm được tiếng nói chung. Những cuộc trò chuyện, trao đổi cũng ngày một thưa dần.

Với anh Đạt “vô lo”, 15 năm qua, chuyện trong nhà, chi phí học hành của hai đứa con, chỉ một tay vợ anh gánh vác với đồng lương công nhân vệ sinh ít ỏi. Anh vẫn vô tư sống “trên mây” như một quý ông nhàn hạ. Điều này cũng lỗi một phần do vợ anh quá chiều chồng, để mặc anh muốn làm gì thì làm, phần nữa là do cô em gái xót xa trước hoàn cảnh nhà anh nên vẫn gửi chu cấp thường xuyên. “Về hưu non” khi mới tầm 40 tuổi, đến giờ, ở độ tuổi 55, anh càng có cớ để nghỉ ngơi vì “gần đến tuổi hưu, ai còn nhận lao động nữa”. 

Trái ngược với dáng vẻ phương phi béo tốt, da dẻ trắng hồng, giọng nói sang sảng của anh, chị Thắm bằng tuổi anh nhưng nhìn già sọm, chỉ còn da bọc xương, người xanh xao, hai quầng mắt thâm đen do thường xuyên tăng ca, trực đêm.

Thằng lớn con anh phải vào đời kiếm việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp cấp III, do hoàn cảnh gia đình không còn kham nổi việc học hành của nó. “Chị cứ ráng cày thôi em, ráng lo cho con trong khả năng của mình, nhưng nếu không được như mình mong muốn thì cũng đành chịu”, chị nói rồi hướng ánh mắt mệt mỏi, thâm quầng vào khoảng không vô định. 

Tuyết Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI