Người phụ nữ đi ngược “truyền thống”

03/04/2013 - 15:05

PNO - PN - Badam Zari đã đi vào lịch sử khi bà là người phụ nữ đầu tiên tự ứng cử vào Quốc hội Pakistan. Lớn lên trong một đất nước còn nặng truyền thống “chồng chúa vợ tôi”, mọi quyền lực đều thuộc về đàn ông, bà nội trợ...

Bà Zari đã nộp đơn ứng cử tại một đơn vị bầu cử ở Khar, thành phố quan trọng nhất của tỉnh Bajur, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa gia trưởng. Đó là nơi mà phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà, làm việc nội trợ và nhiệm vụ chủ yếu là sinh con đẻ cái. Hạnh phúc lớn nhất của Zari là bà được chồng mình hết lòng ủng hộ. Chính ông đã cùng bà đến địa điểm bầu cử để nộp đơn ứng cử.

“Tôi muốn vào Quốc hội để cất lên tiếng nói của giới nữ, đặc biệt là ở những nơi phụ nữ còn chịu cảnh bất công vì ảnh hưởng của nền văn hóa bộ tộc”. “Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng tôi tin mình sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng” - bà Zari nói.

Đại đa số trong số 180 triệu người dân Pakistan vẫn còn quan niệm rất hẹp hòi về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đối với những khu vực còn chịu ảnh hưởng của các bộ tộc như Bajur, điều này còn nặng nề hơn khi các quyết định và chủ trương của chính quyền trung ương không phải lúc nào cũng được lãnh đạo các bộ tộc tuân thủ.

Nguoi phu nu di nguoc “truyen thong”

Bà Badam Zari rời văn phòng bầu cử sau khi nộp đơn tự ứng cử
vào Quốc hội Pakistan - ảnh: AP

Với nhiều người đàn ông Pakistan, phụ nữ chỉ là “vật” thuộc quyền sở hữu của các ông chồng. Do vậy, nhiều phụ nữ không được đến trường, hiếm khi có cơ hội tiếp xúc với xã hội bên ngoài và luôn phải mặc những bộ y phục trùm kín mít từ đầu đến chân mỗi khi ra khỏi nhà. Đó là lý do khiến Pakistan bị xếp áp chót trong danh sách các nước còn sự phân biệt giới tính trầm trọng nhất thế giới, theo đánh giá tại Diễn đàn Kinh tế toàn cầu năm 2012. Nước xếp dưới Pakistan là Yemen.

Là một phụ nữ hiếm hoi đã hoàn tất bậc trung học, bà Badam Zari cho biết: “Quyết định tranh cử của tôi không chỉ nhằm mang đến sự can đảm cho giới nữ và khiến họ phải quan tâm đến công việc ngoài xã hội hơn, mà còn nói lên một thông điệp: phụ nữ xứng đáng được tôn trọng hơn!”. Bà Zari thừa nhận, tấm gương của Malala Yousafzai là một trong những lý do khiến bà đi đến quyết định ra ứng cử. Năm rồi, Malala Yousafzai bị phiến quân Taliban bắn vào đầu gây trọng thương nhằm ngăn cản việc cô bé quyết tâm đến trường. Từ đó, cô bé 15 tuổi này trở thành biểu tượng của sự can đảm và lòng quyết tâm vươn đến tương lai của mọi phụ nữ Pakistan.

Khoảng 17% số ghế ở Quốc hội Pakistan là dành cho phụ nữ nhưng thường thì số ghế đại biểu này được các đảng phái dành cho các thành viên thuộc đảng của mình. Đó là trường hợp của bà Benazhir Bhutto trước đây. Bà Badam Zari ra tranh cử với tư cách độc lập, do vậy khả năng chiến thắng của bà là rất thấp. Tuy nhiên, bà vẫn rất tự tin: “Tôi tin mình sẽ nhận được sự ủng hộ của những phụ nữ từng rất thấm thía với thân phận “tôi đòi” và muốn sớm đến ngày có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình”.

THIỆN NGA
(Theo Wall Street Journal)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI