Người giữ cho những “ngọn nến” lâu tắt

29/03/2013 - 11:13

PNO - PN - “Ở khoa này, chỉ cần trẻ có thêm thời gian nũng nịu với ba mẹ là bác sĩ như được tiếp thêm sinh lực. Các bé như những ngọn đèn trước gió…”. Những lời chân thành từ bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Ung bướu nhi,...

Mỗi ngày, khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM điều trị nội trú cho 150 ca và theo dõi sức khỏe ngoại trú cho gần 1.000 trẻ bị ung thư. Số trẻ mắc bệnh nhiều như vậy, nhưng bác sĩ Thủy nắm rõ bệnh trạng của từng bệnh nhi. “Ở khoa này, nhiều bệnh nhân điều trị thời gian dài. Không chỉ tôi mà ngay cả bệnh nhân đều biết rõ nhau như người thân trong gia đình” - bác sĩ Thủy chia sẻ.

Ba đi bộ đội, mẹ bán hàng xén, gia đình không ai theo ngành y nhưng ngay từ nhỏ, hình ảnh những thiên thần áo trắng cứu người, được xã hội nể trọng đã thôi thúc chị quyết thi vào trường y. Quay ngược thời gian, chị kể: “Thi đậu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM rất khó, không biết có thi nổi không nhưng mình thích nên cứ thi”.

Nguoi giu cho nhung “ngon nen” lau tat

Bác sĩ Thanh Thủy đang hỏi thăm gia đình bệnh nhi

Sau sáu năm học trường y, chị rải đơn xin việc nhiều nơi nhưng không nơi nào phản hồi, thậm chí xin về công tác tại trạm y tế phường cũng không được nhận. Cuối cùng chị được một người quen của ba giới thiệu vào chăm sóc sức khỏe công nhân cho một công ty may mặc. Dù công việc ở công ty này chỉ đơn giản là phát thuốc, trị những bệnh cảm cúm, nhức đầu nhưng không làm chị hụt hẫng. “Lúc đó, tôi không nghĩ chuyện lương cao hay thấp, chỉ cần có công ăn việc làm, làm đúng nghề là vui rồi”, chị Thủy nhớ lại. Thế nhưng, trong thâm tâm chị vẫn tin rằng, một ngày không xa sẽ được chăm sóc người bệnh thực sự trong môi trường bệnh viện. Thấy được niềm đam mê và tâm huyết của chị, ban lãnh đạo công ty lúc đó cho phép chị làm thêm không lương ở Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương. Một năm sau đó, nghe Bệnh viện Ung Bướu thi tuyển bác sĩ, chị nộp đơn. Sau nhiều vòng phỏng vấn, chị cùng 18 bác sĩ được nhận. Ngay lần đầu tiên đến Bệnh viện Ung Bướu, hình ảnh những em bé bị ung thư máu, ung thư hạch... bị lở loét với những khối u kỳ quái ở mặt, tay chân đã khiến chị nhiều đêm thức trắng.

Hình ảnh những bệnh nhi còi cọc cứ ám ảnh chị mãi. Có những bé chưa biết nói đã bị ung thư, có bé chỉ sống được vài tháng sau khi phát bệnh. Đã nhiều lần, chị rơi nước mắt vì bất lực không cứu được người bệnh. Chị kể, cách đây ba năm, chị tiếp nhận bé gái bốn tuổi. “Dù chúng tôi nỗ lực nhiều. Bệnh nhi là đứa con duy nhất của người phụ nữ 48 tuổi (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau hai năm phát bệnh ung thư bạch cầu, sức đề kháng của bé giảm sút nghiêm trọng. Cháu không sống thêm được bao lâu. Hình ảnh người mẹ khóc vật vã ám ảnh tôi nhiều tháng liền. Sau khi cháu mất, nhiều đêm người mẹ tội nghiệp ấy lại gọi cho tôi. Dù bận rộn nhưng tôi cố gắng an ủi bà, giảm bớt nỗi đau”.

Hơn 20 năm theo nghề, bác sĩ Thủy đã chăm sóc nhiều phận đời kém may mắn. Chị quặn thắt lòng khi có những bệnh nhi vừa chào đời đã bị cha mẹ bỏ rơi. Căng thẳng công việc khiến nữ bác sĩ phải “sống cùng” cao huyết áp, loét dạ dày, nhưng sự ân cần, thái độ vui vẻ gần gũi với bệnh nhi, gia đình của các bé không vì thế mà giảm sút. Sự mạnh mẽ và tình yêu thương trong người phụ nữ này luôn được bồi đắp theo năm tháng.

Thanh Toàn

Từ khóa nữ tri thức
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI