Ngư dân Đà Nẵng bền lòng bám biển

14/05/2014 - 20:57

PNO - PNO - Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cùng hàng chục tàu chiến Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam, án ngữ lối ra vào các ngư trường truyền thống nhưng ngư dân Đà Nẵng vẫn quyết bám biển vươn khơi, góp phần bảo vệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngu dan Da Nang ben long bam bien
Tàu hậu cần công suất 850 CV của ngư dân Trần Toàn vừa được hạ thủy sáng 14/5

Những ngày này, âu thuyền Thọ Quang tấp nập thuyền ra vào bến. Nhiều ngư dân cũng cho hạ thủy thêm các tàu có công suất lớn thẳng tiến Hoàng Sa.

Hạ thủy tàu công suất 850 CV

Sáng 14/5, hàng chục ngư dân có mặt tại âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) để cùng chung vui và chứng kiến ngư dân Trần Toàn (SN 1959, trú quận Hải Châu) cho hạ thủy con tàu dịch vụ hậu cần có công suất 850 CV. Con tàu mang số hiệu ĐNa 90611 TS được đóng mới hoàn toàn với số tiền đầu tư lên đến 3,2 tỉ đồng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng hỗ trợ 800 triệu đồng. Ông Toàn cho biết bắt đầu đóng tàu từ tháng 3, dự kiến đến đầu tháng 6 mới hạ thủy. Vậy nhưng thông tin về những hoạt động trái phép của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam khiến ông vô cùng bức xúc, đứng ngồi không yên. Ông quyết định đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành con tàu mới của mình để kịp vươn khơi, hỗ trợ các bạn tàu đánh cá bám biển dài ngày.

Con tàu lớn có chiều dài 24m, rộng 5,4m, cao 3,2m có sức chứa tối đa 70 tấn gồm dầu, đá, nhu yếu phẩm, thu mua khoảng 20 đến 70 tấn thuỷ hải sản mỗi chuyến đi là mơ ước nhiều năm qua của ông Toàn. Ông Toàn cho biết đây là con tàu thứ 3 của gia đình. Trước đây, ông cùng hai con trai là Trần Ty, Trần Thuận thay nhau điều khiển hai tàu đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi chỉ kéo dài khoảng 1 tháng thì phải về bờ vì thiếu nhiên liệu. Do vậy, 3 cha con ông quyết dốc vốn đóng tàu hậu cần công suất lớn, vừa phục vụ gia đình vừa phục vụ các tàu bạn.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra tàu lần cuối. Hai ngày nữa sẽ thẳng tiến Hoàng Sa, vào khu vực có giàn khoan và tàu quân sự Trung Quốc đánh bắt. Ngư dân ta bao đời nay vẫn vươn khơi, bám biển, dù có nguy hiểm, khó khăn đến chừng nào. Tôi hy vọng có thêm một tàu hậu cần nghề cá sẽ góp phần giúp ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, có thêm niềm tin và nghị lực để bám ngư trường, bám biển”, ông Toàn nói.

Ngu dan Da Nang ben long bam bien
Gia cố, sửa chữa tàu, chuẩn bị cho chuyến đi biển mới

Tại buổi hạ thủy, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết các tàu đóng mới có công suất từ 400 CV trở lên đều được hỗ trợ từ 500 - 800 triệu đồng. Đây sẽ là đội tàu mới, công suất lớn nhằm nâng cao chất lượng đánh bắt thủy hải sản và công tác hậu cần tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Phải giữ biển của mình

Tại cảng cá Thọ Quang, ông Lê Văn Lễ, chủ tàu cá ĐNa 90352 TS đang tất bật cùng các bạn thuyền chuyển lưới cụ, lương thực, thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác lên khoang. Tàu của ông Lễ vừa về bờ tối 12/5, bội thu đầy tôm cá. Sau một ngày nghỉ ngơi, tối 14/5, tàu ông lại ra biển. “Biển đang vào vụ, đi thì chỉ có trúng. Cả năm làm ăn được nhất là vào mùa này, nghỉ nằm bờ có mà đói”, ông Lễ nói. “Mà nằm bờ nghỉ là mình sợ bọn tàu Trung Quốc. Đọc báo, coi đài thấy tụi nó đâm tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển mình, tụi tui tức ói máu. Trước đây, chúng tôi hay gặp tàu Trung Quốc, nó cũng dọa nạt nhưng chưa dám manh động. Nay tụi nó manh động, xâm lấn vô biển của mình thì tụi tui phải ra đó cùng mấy anh Cảnh sát biển, Kiểm ngư giữ biển của mình”, ông Lễ tiếp lời, giọng dứt khoát.

30 năm đi biển, kinh nghiệm đầy mình nhưng ông Trần Văn Mười, chủ tàu đánh cá ĐNa 90567 TS cho biết, chưa bao giờ bị khuất phục bởi bất kì khó khăn nào. Năm 2010, tàu của ông Mười bị tàu Trung Quốc húc hư hỏng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Về bờ, ông lại vay mượn tiền của bà con, bạn bè đóng lại tàu mới, to hơn để bám biển. “Thiên tai, bão to sóng lớn mới sợ. Mấy tàu Trung Quốc vô biển mình làm việc phi pháp thì tui không sợ. Tàu tui lại ra Hoàng Sa, gặp tàu Trung Quốc gây hấn, tui báo ngay với Cảnh sát biển, kiểm ngư. Biển mình, mình cứ đi”, ông Mười khảng khái nói.

Ngu dan Da Nang ben long bam bien
Ngư dân Đà Nẵng tất bật chuẩn bị ra khơi

Để tránh bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tàu cá của ông Mười, ông Lễ liên kết với nhau đi thành đoàn, thành tổ đội từ 7 - 10 chiếc. Theo ông Lễ, trong đội có một tàu hậu cần chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và thu mua hải sản. Tàu hậu cần này về bờ thì tàu khác ra thế chỗ. Với cách làm này các tàu cá có thể bám biển hàng tháng trời. “Đi thành tổ đội nhiều tàu cá có thể giúp đỡ nhau khi có sự cố. Tàu Trung Quốc cũng không dám quấy phá”, ông Lễ nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng, hiện có 87 tổ khai thác hải sản với 567 tàu hoạt động tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thành phố đã có 4 nghiệp đoàn nghề cá với 461 thành viên là chủ tàu, thuyền viên tham gia tại các quận Sơn Trà, Thanh Khê. Đến hết ngày 13/5, quận Sơn Trà có trên 350 tàu cùng hơn 2.300 lao động đang hoạt động trên biển. So với những tháng trước, số phương tiện ra khơi tăng hơn. Quận Thanh Khê cũng có nhiều phương tiện đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

ĐÌNH THỨC 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI