Nghịch lý

11/07/2013 - 12:50

PNO - PN - Việc quản lý “đầu ra” các phim nước ngoài được thực hiện rất chặt chẽ ở các rạp nhưng lại bị thả lỏng đối với các kênh nước ngoài phát sóng tại VN.

Phần năm bộ phim kinh dị Final Destination vừa phát sóng trên kênh HBO vào đêm 7/7 qua. Ra mắt năm 2011, đây là phần mới nhất của loạt phim nổi tiếng Final Destination. Cũng như các tập phim trước, tập năm mở đầu bằng một thảm họa tàn khốc: sập cầu. Một nhóm người đã may mắn thoát chết nhờ vào điềm báo, nhưng số nạn nhân này sẽ vẫn phải ra đi dưới tay thần chết theo đúng định mệnh dành cho họ. Suốt phim là những cảnh chết chóc, máu me xương thịt văng tứ tung, cái chết của nhân vật nào cũng rất khủng khiếp.

Việc kênh nước ngoài HBO phát sóng một bộ phim kinh dị “hạng nặng” như Final Destination 5 mà phần bốn trước đó đã bị VN cấm phát hành ở rạp, còn phần ba được chiếu nhưng bị cắt đã cho thấy sự lúng túng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong khâu quản lý của các cơ quan chức năng. Trước Final Destination 5, nhiều phim nước ngoài khác từng bị Cục Điện ảnh “thổi còi” không cấp phép phát hành nhưng sau đó vẫn thoải mái lên sóng HBO, Star Movies hay Cinemax, cụ thể như phim P2, Wedding Crashers, Tell me you love me. Một số phim khác được cho ra rạp nhưng bị cắt tan nát những cảnh “nhạy cảm” như The heartbreak kid, Sex and the city, vậy mà khi lên truyền hình các cảnh trên lại được phát gần như đầy đủ.

Nghich ly

Một cảnh kinh dị trong phim Final Destination 5 phát trên HBO hôm 7/7

Nghịch lý cấm chỗ này, thả chỗ kia tồn tại đã nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Điều này vô tình tạo nên tâm lý không tốt là cứ ung dung chờ truyền hình phát sóng các phim bị cấm, nếu không đủ kiên nhẫn thì xin mời ra thị trường băng đĩa lậu.

Nguyên nhân của nghịch lý này bắt nguồn ở chỗ việc kiểm duyệt phim chiếu rạp thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (cụ thể ở đây là Cục Điện ảnh), còn việc quản lý nhà nước về nội dung phát trên các kênh truyền hình nước ngoài ở VN lại thuộc về Bộ Thông tin - truyền thông (cụ thể là các nhà đài). Hiện nay, mỗi tỉnh thành đều có kênh truyền hình riêng, việc duyệt phim lên sóng thuộc về phòng khai thác phim nên lại càng có nhiều “đầu mối” quản lý phim ảnh. Giá như có sự kết hợp chặt giữa hai Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Thông tin truyền thông, chỉ đơn giản bằng việc Cục Điện ảnh gửi danh sách các phim bị cấm phát hành trong tháng hay trong quý cho các nhà đài biết hoặc thông báo rõ những cảnh nào, trong phim nào bị cắt, có lẽ nghịch lý trên đã không thể tồn tại.

 Hương Nhu

Từ khóa Nghịch lý
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI