Nghỉ dưỡng trên tàu: Xu hướng du lịch mới

17/01/2018 - 07:00

PNO - Theo số liệu từ Hiệp hội Các hãng du lịch tàu biển quốc tế (CLIA), nhu cầu du lịch tàu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tăng 126% trong giai đoạn 2012-2016, được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia khu vực châu Á.

Nhắm đến khách hàng trung lưu

Thống kê từ nguồn Boston Consulting Group cho thấy, trong khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh nhất. Tính đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam dự đoán sẽ tăng gấp đôi, lên 33 triệu người và chiếm khoảng 1/3 dân số, đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các nhãn hàng tiêu dùng.

Nghi duong tren tau: Xu huong du lich moi
Năm 2012, Việt Nam chỉ đón khoảng 158 hành khách thì đến năm 2016, con số này đã lên đến 4.100 hành khách.

Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu người Việt đi du lịch nghỉ dưỡng tại nước ngoài cũng sẽ tăng lên, trong đó có các chọn lựa hành trình du lịch bằng đường biển đến các điểm đến châu Âu và châu Á. Giá vé cho các tour du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền khu vực châu Á dao động từ khoảng 500 USD đến vài nghìn USD, chưa bao gồm thuế.

“Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến phổ biến với du khách từ Mỹ, Úc, châu Âu, cũng như các nước châu Á, trong đó du ngoạn bằng du thuyền được xem là một trong những cách tốt nhất để khám phá một trong những vùng đất tuyệt vời của hành tinh này”, ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Princess Cruises chia sẻ.

Được biết, năm 2017, với 22 chuyến hành trình, Princess Cruises đã đưa hơn 58.000 du khách đến các cảng biển Việt Nam gồm Phú Mỹ, Nha Trang, Đà Nẵng và Cái Lân. Năm nay, 6 du thuyền của Princess Cruises gồm: Majestic Princess, Sapphire Princess, Diamond Princess, Golden Princess, Sun Princess và Coral Princess sẽ thực hiện 31 chuyến hải trình và đưa hơn 80.000 du khách đến Việt Nam xuyên suốt cả năm.

Đại diện Princess Cruises cũng cho biết thêm, hãng sẽ bán vé các chuyến hải trình du lịch đến Đài Loan trên du thuyền Majestic Princess và Sun Princess cho thị trường Việt Nam. Majestic Princess sẽ thực hiện các chuyến hải trình từ 3 - 7 đêm, khởi hành từ Đài Bắc đến quần đảo Ryukyu (bao gồm Okinawa) và đại lục Nhật Bản từ tháng 4 - 7/2018. Ngoài ra, từ tháng 7 - 9/2018, du thuyền Sun Princess sẽ phục vụ những hành trình dài 3 & 4 đêm tham quan quần đảo Ryukyu, khởi hành từ Đài Bắc.

Đối với các hành khách châu Á nếu thích kết hợp hoạt động tham quan và mua sắm tại những thành phố quốc tế sầm uất và những địa danh có cảnh quan kỳ thú với bề dày văn hóa lịch sử, du hành đến Địa Trung Hải sẽ là một lựa chọn nghỉ dưỡng hấp dẫn để khám phá nhiều điểm đến đa dạng tại Ý, Hy Lạp, Pháp và Tây Ban Nha trong  7 ngày. Ba hải trình kéo dài 7 ngày gồm: từ Athens đến Santorini, Kotor, Sicily, Naples và Barcelona; từ Rome đến Salerno, Kotor, Corfu, Crete, Mykonos và Athens; từ Barcelona đến Gibraltar, Marseille, Genoa, Florence và Rome.

Cơ hội cho kinh tế Việt Nam

Theo số liệu từ Hiệp hội Các hãng du lịch tàu biển quốc tế (CLIA), năm 2012, Việt Nam chỉ đón khoảng 158 hành khách thì đến năm 2016, con số này đã lên đến 4.100 hành khách. Sự tăng trưởng vượt bậc này đã thể hiện tiềm năng to lớn của thị trường du lịch tàu nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Việc khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Việt Nam trên những chiếc du thuyền đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế địa phương thông qua chương trình dừng chân khám phá cảnh quan, tham quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực – văn hóa Việt Nam, cũng như nhập thêm nguồn thực phẩm địa phương tươi ngon làm phong phú thêm cho các bữa ăn sang trọng trên tàu.

“Mỗi khi tàu của chúng tôi cập bến tại bất cứ cảng nào, chúng tôi đều xem xét hai yếu tố: thứ nhất, cảng đó có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng con tàu đó hay không. Đối với yêu cầu thứ hai, thông thường các con tàu của chúng tôi thường sẽ ghé cảng vào buổi sáng và rời đi vào buổi tối, nên khách hàng sẽ có khoảng 12 tiếng để đi du lịch nội địa. Thông thường chúng tôi có khoảng 3.000 hành khách trên tàu, vì thế các hoạt động giải trí cho họ là phải được đáp ứng, ví dụ như tour du lịch nửa ngày hoặc 1 ngày, số lượng xe buýt để vận chuyển lượng lớn hành khách. Vì hành khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên chúng tôi đòi hỏi các hướng dẫn viên du lịch phải đáp ứng được nhiều ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc,… Một khi đáp ứng được đủ hai yêu cầu đó, chúng tôi mới quyết định cho tàu ghé cảng đấy hay không’, ông Farriek Tawfik chia sẻ.

Nghi duong tren tau: Xu huong du lich moi
Tầng lớp trung lưu đang được các hãng du lịch tàu nghỉ dưỡng nhắm đến. 

Hiện tại, Việt Nam đang có 4 cảng chính mà các tàu du lịch nghỉ dưỡng thường cập bến, bao gồm cảng Phú Mỹ, Đà Nẵng, Hạ Long và Cái Lân. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà các tàu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế trước nay gặp phải là đưa khách du lịch vào Việt Nam thì dễ nhưng đón lượng khách Việt Nam sử dụng các chuyến tàu này để du lịch vòng quanh thế giới lại khó do rào cản về visa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rào cản này hiện đã giảm đi đáng kể.

Để thu hút các hãng tàu, các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng phải đáp ứng được hai điều kiện: thứ nhất về hàng hải, cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ liên quan; thứ hai là các dịch vụ thương mại liên quan đến những địa điểm du lịch tại mỗi quốc gia, điều này có thể được ưu tiên hơn vấn đề cơ sở hạ tầng nếu nơi đó sở hữu những địa điểm tham quan đủ hấp dẫn khách du lịch.

Hiện tại, khu vực ASEAN đã thành lập Ủy ban Du thuyền ASEAN, trong đó Singapore là nước chủ tịch, thực hiện công tác tập hợp, điều phối giữa các quốc gia và tạo điệu kiện nhằm thu hút hơn nữa các hãng tàu cập bến không chỉ Singapore mà toàn khu vực.

Điều quan trọng nữa là các quốc gia cần tạo ra môi trường thân thiện cho khách du lịch như cấp visa, thủ tục tại cảng biển một cách đơn giản hơn và linh hoạt hơn trong công tác kiểm soát hành khách lên và xuống tàu tại những bến cảng khác nhau.

Mai Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI