Nghe người xưa bệnh…

26/07/2018 - 06:00

PNO - Ly hôn 10 năm rồi, anh đã có gia đình riêng nhưng sao khi nghe “người ta” bệnh, tôi lại nhiều chới với.

Hai con tôi thì đi ra đi vô cầm hai chiếc điện thoại “sợt” về căn bệnh suy tim và thoái hóa cột sống. Đứa lớn hét lên “Trong vòng 0,44 giây có 19.700.000 kết quả cho bệnh suy tim đó mẹ ơi!”. Thằng kế trầm tư “Trong 0,59 giây cũng có 5.130.00 kết quả cho chứng thoái hóa cột sống. Sao dữ vậy trời?”.

Vậy là bữa cơm tối hôm đó mẹ con tôi chỉ nói chuyện quanh hai chứng bệnh của “người ta”.

Nghe nguoi xua benh…
Dù thế nào thị họ vẫn là cha con. Ảnh minh họa

Cuộc hôn nhân chóng vánh 8 năm cho ra đời hai đứa trẻ, rồi tôi phải ly hôn vì người không có ý chí cầu tiến, chỉ biết ngày hai buổi bên bàn giấy, lương tháng mang về đưa vợ hai phần ba là xem như đủ tiêu chuẩn người chồng. Thế nhưng nhậu nhẹt thì “không thể bỏ anh em”, bài bạc, hút sách thì “ai sao mình vậy cho khỏi lạc bầy”. Lâu lâu làm vài độ đá gà, bóng đá hay cá mưa cá nắng… cũng “phải nể anh em chứ”.

Con mỗi ngày một lớn, tôi đi sớm về tối với công việc của một công nhân và bán buôn các món nhu yếu phẩm của bạn bè công ty từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép đến thực phẩm chức năng…

Bộn bề và mệt mỏi nhưng chồng không bao giờ phụ một tay, còn bảo là “Em ôm đồm chi quá vậy? Làm ít hay nhiều thì ngày cũng ba bữa cơm thôi mà?”. Tư tưởng không trùng khớp, chi dùng gia đình ngày càng cao nên chúng tôi từ từ xa nhau và cụm từ “không hợp nhau” đã làm hôn nhân rạn nứt.

Anh lập gia đình khác với một cô gái lỡ thời nhưng dư tiền nuôi sống gia đình. Tôi chưa tìm được người vừa ý nên cứ “ở vậy” nuôi con. May nhờ trời nên hai con ngoan, công việc của mẹ vì thế mà phát triển.

Các con chịu học hành, về nhà thì cơm nước, nhà cửa còn giỏi hơn cả con gái. Vì vậy nên xưởng may của mẹ con tôi phát triển dần.

Nghe nguoi xua benh…
Chúng tôi đã không còn bên nhau vì quan niệm sống quá khác biệt. Ảnh minh họa

Cha con anh tự tìm nhau qua điện thoại, chúng bảo với tôi rằng ba và dì cũng sinh được hai con, nhưng cuộc sống không bằng chúng ta vì ba làm ít, dì bận chăm con nhỏ…

Tôi ơ hờ cho qua chuyện, vì ám ảnh mãi câu “Em ôm đồm chi quá vậy? Làm ít hay nhiều thì ngày cũng ba bữa cơm thôi mà?”. Những người có tư tưởng dậm chân tại chỗ như thế, thì sẽ không bao giờ khá được.

Thi thoảng con bảo tôi là các em của chúng bệnh tật phải đi viện, ba đăng “tút” than thở. Mẹ… có thể cho tụi con “ứng” ít lương không? Thiện tâm của con làm tôi không thể nào từ chối dù nghe trong lòng bất nhẫn.

Rồi chính vì tính “lục bình trôi” của anh nên anh mất việc làm. Gánh nặng trút lên vai người vợ khiến sạp hàng khô mắm của cô càng oằn nặng hơn. Rồi anh ra chợ phụ vợ dọn hàng, khuân vác…

Chứng suy tim và thoái hóa cột sống từ đó mà ra.

Con trai lớn khẽ khàng: “Số tiền tiết kệm của con nay được bao nhiêu rồi ạ?”. Chả là ngoài giờ học, việc ở xưởng may gia đình, nếu con phụ thì tôi sẽ tính lương theo giờ, số tiền đó ghi sổ, mỗi tháng cộng lại và gửi vào tiết kiệm.

“Cũng vài chục. Con cần gì?”. “Con muốn giúp ba mổ cho hết chứng cột sống. Mẹ có đồng ý không?”. “Mẹ cộng sổ coi con được bao nhiêu? Con muốn giúp ba trị dứt bệnh suy tim”. Thằng kế tiếp lời.

Ba mẹ con tôi ôm nhau mà nước mắt lưng tròng. Trời ơi… tấm lòng con tôi đáng quý biết bao nhiêu. Có khi nào “người ta” thấu hiểu điều này?

Giá như cách nghĩ người ta không phải là “nước tới đâu, nhảy tới đó” thì gia đình tôi có tan vỡ không? Nếu con tôi cũng có cách nghĩ như ba nó, thì ngày nay, chúng có khoản tiết kiệm này để giúp ba không?

Ba mái đầu bên nhau, bóng con đã cao khuất cả bóng mẹ, tôi nói với con rằng, hai con cứ đi thăm ba, nếu cần phải giúp đỡ, mẹ sẽ dùng tiền gia đình chứ không dùng khoản tiết kiệm của hai con.

Các chàng trai tuổi 17 của tôi nhảy cẫng “ồ dze” và ôm mẹ xoay vòng vòng trong màu nước mắt tinh khôi.

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI