Ngăn chặn “chặt chém” du khách: Không ai làm thay được chính quyền địa phương

17/05/2013 - 20:06

PNO - PN - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ về thực trạng của du lịch Việt Nam cũng như những giải pháp để ngăn chặn tình trạng làm ăn chộp giật, ảnh hưởng...

 Ngan chan “chat chem” du khach: Khong ai lam thay duoc chinh quyen dia phuong 

Ảnh chụp lúc 17g ngày 16/5/2013 trước khu vực Bưu điện TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy 

PV: Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, chỉ có khoảng 2,4 triệu lượt du khách quốc tế đến VN trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Tư, giảm 5,3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đâu là lý do của việc này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh): Chúng tôi chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng chúng ta đều biết du lịch là ngành kinh tế rất nhạy cảm, bất kỳ một yếu tố bất lợi nào xảy ra đều tác động ngay đến du lịch và làm giảm sút lượng khách, nhất là khủng hoảng kinh tế, tài chính, dịch bệnh, thiên tai... Sau sự cố đắm tàu ở Hạ Long, du khách cũng giảm đi nhiều. Ngoài ra, những thông tin về an toàn, môi trường du lịch ở Việt Nam thời gian qua cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý du khách. An toàn, vệ sinh môi trường du lịch tác động rất lớn đến tâm lý du khách trước khi đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến. Thời gian qua, thông tin về việc Việt Nam dự định dừng miễn visa đơn phương cho du khách bảy nước cũng lập tức tác động đến việc thu hút khách; việc tăng lệ phí thị thực visa từ 25 lên 45 USD mà không hề thông báo khiến các công ty du lịch trở tay không kịp. Những việc ấy đều tác động ngay lập tức tới tâm lý du khách cũng như việc tăng trưởng số lượng khách quốc tế.

Ngan chan “chat chem” du khach: Khong ai lam thay duoc chinh quyen dia phuong* Ông đánh giá thế nào về cách làm du lịch của Việt Nam hiện nay?

- Đó là một câu chuyện dài mà tôi xin trao đổi trong một dịp khác, tuy nhiên tôi có thể nói ngắn gọn, du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng rất cao. Có nhiều vấn đề tự thân ngành du lịch không thể đơn phương hay tự mình giải quyết. Du lịch phát triển trên nền tảng văn hóa, trình độ dân trí, mặt bằng xã hội, trình độ phát triển. Cơ sở hạ tầng không tốt, an ninh an toàn không tốt, du lịch không thể phát triển. Thái độ và ứng xử của cộng đồng cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hấp dẫn của điểm đến.

* Có một nghịch lý là sau khi ông, với tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đi xin lỗi du khách nước ngoài bị bắt chẹt ở Việt Nam thì tình trạng “chặt chém” du khách lại diễn ra ngang nhiên hơn, nhiều hơn. Ông lý giải thế nào về thực tế đáng buồn này?

- Việc tôi xin lỗi chỉ là hành vi cá biệt ứng xử trong một tình huống cụ thể. Việc chèo kéo, ép khách, lừa đảo, bắt chẹt du khách không phải là điều mới lạ, nó diễn ra từ lâu và rất nhiều trường hợp du khách âm thầm chấp nhận rủi ro, không trình báo. Hệ quả của việc ấy rất xấu. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc lan tỏa thông tin diễn ra với tốc độ ghê gớm, những hành vi đó tạo nên ấn tượng về hình ảnh một điểm đến không an toàn, gây nên tâm lý bất an cho một bộ phận du khách.

Tôi thấy lúc đó mình cần hành động để làm cho người bị hại cảm thấy được chia sẻ, được an ủi. Đồng thời, tôi cũng mong muốn thông qua hành động đó tạo ra sự chú ý cho mọi người, kêu gọi mọi người cùng quan tâm để ngăn chặn những hành động xấu làm tổn thương tới đất nước và hình ảnh của ngành du lịch. Tôi hiểu là hành động ấy không có khả năng ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, ép khách. Hành vi ấy ít nhiều tạo ra niềm tin, hiệu ứng tích cực. Nó cũng tạo ra sự chú ý của xã hội, công luận, báo chí, công khai một vấn nạn mà lâu nay đôi khi chúng ta còn né tránh.

Việc đảm bảo môi trường du lịch phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Không ai có thể làm thay được chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn và giải quyết tình trạng trên.

Ngan chan “chat chem” du khach: Khong ai lam thay duoc chinh quyen dia phuong

Môi trường du lịch ở Việt Nam ảnh hưởng nhiều đến tâm lý du khách - Ảnh: Phùng Huy

* Nói như ông, sự thay đổi gương mặt của du lịch Việt không thể chỉ mình ngành du lịch làm được?

- Ngành du lịch không có điều kiện và thẩm quyền để trực tiếp giải quyết những việc ấy. Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm đề xuất và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn, đôn đốc cơ quan quản lý về du lịch của địa phương và các doanh nghiệp du lịch cùng vào cuộc để tham gia giải quyết tình trạng trên. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ thành lập một tổ trực đường dây nóng để nếu không liên hệ được với đường dây nóng các địa phương, du khách có thể liên hệ với Tổng cục. Tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta nên công khai, minh bạch mọi thông tin cho du khách.

* Giải pháp như thế, liệu có đủ?

- Từ chuyện này, phải nghĩ đến đề xuất một giải pháp đồng bộ ở các cấp khác nhau nhằm chỉ đạo và tổ chức các giải pháp cụ thể, từng bước giải quyết những hạn chế, tiêu cực trong ngành du lịch. Chúng tôi đã báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch vấn đề này. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu đưa nội dung này vào nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch thời gian tới. Tổng cục Du lịch đang xây dựng dự thảo, báo cáo Bộ lấy ý kiến các bộ, ngành và nhóm đối tác liên quan. Trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị quyết trên, chúng tôi đã đề xuất Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký một văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn tình trạng trên.

* Xin cảm ơn ông.

Dung Nhi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI