Con hay ốm, mẹ (phải) thành chuyên gia

12/11/2019 - 13:43

Để ‘đối phó” với việc con hay ốm, mẹ (phải) thành chuyên gia.

Đi ăn tiệc tân gia, bàn rôm rả nhất là bàn các ông nhậu và bàn các em bé. Các ông chốc chốc lại hô vang “Dzô!” như ra nghị quyết. Bên bàn em bé, các mẹ kể vanh vách bệnh con mình của mùa này. Nghe hết 5 trường hợp ra được mẫu số chung: đầu tiên là xổ mũi, rồi ho, rồi ói, rồi ra đàm, rồi khó khè, rồi “may quá em đến nơi bác sĩ bảo chậm một tí là cấp cứu rồi!”.

Các mẹ xót nhất là trước đó, con đang tăng cân vù vù kiểu lợn con, thế rồi ho hen một đợt là mặt “tóp tép ngay” (như lời một mẹ). Lại lao vào nhồi nhét, xong vừa có má có nọng một tí lại bế đi chơi, ăn đám ăn tiệc, gặp phải hai ba bác xổ mũi đến vui đùa cùng là chiều về đã thấy con xổ mũi theo.

“Nói thế chẳng lẽ không bế trẻ con đi đâu chơi à? Mà đi đâu chẳng có mầm bệnh!...”.

Đi chứ, thích nhất là bế bọn búp bê ấy đi các nơi cho chúng nó xem đèn, xem thú bông, xem người ta - một mẹ có vẻ có kinh nghiệm nhất trong nuôi con ốm lên tiếng. Cứ nhìn con gái chị thì biết: nó hom hem và mặt mũi đanh đanh dù mới có 4 tuổi, đúng kiểu trẻ con từng ốm đau nhiều.

Chị bảo, thường các mẹ khi nuôi trẻ nhỏ chỉ cho bú, cho ăn no, lại ủ quá kỹ, con không biết thời tiết là gì, lúc nào cũng có điều hòa bao quanh. Đến khi con có bệnh thì mẹ chỉ biết cho uống thuốc. Con khỏi rồi cũng không biết phòng bệnh, tức là chuẩn bị sẵn cho con một “đội quân miễn dịch” trong người... Chị nói vanh vách, nghe là biết đã bị bác sĩ mắng cho rất nhiều lần mỗi khi ôm con tới bệnh viện.

Theo chị, sai lầm nữa là con mới ốm một tí đã bê tới bệnh viện, phòng khám. Đó là những nơi toàn vi khuẩn, đủ loại. Trong lúc chờ đợi, con mình đang nhẹ cũng thành nặng.

“Thế phải làm sao?”, các mẹ nhao nhao…

“Thì phải tập như mình là người miền núi, ở xa bệnh viện, phải tự chữa”, chị nói. “Phải làm một cuốn sổ, ghi nhật ký uống thuốc của con”. Thuốc nào bác sĩ từng cho mà hiệu nghiệm thì tô xanh, thuốc nào uống vào dị ứng tô đỏ, thuốc nào gây tiêu chảy tô vàng.

Các mẹ cần ghi lại diễn biến của con, lần sau có triệu chứng tương tự thì cứ áp dụng cái gì hiệu nghiệm nhất từng làm, đừng lạm dụng đi bệnh viện. “Và Google vào”, chị bảo. “Mình phải biết đang cho con mình uống thuốc gì. Cái gì cũng biết mà con uống gì không biết là rất dở.”

Đến đấy các mẹ đều hơi ngượng ngùng nhìn lảng đi. Quả thật là suốt ngày online rất rành công thức son dưỡng, collagen nào đẹp da, nhưng thuốc con mình uống thì trăm lần như một, đều không biết cái nào kháng sinh, cái nào thuốc bổ!

Mạch Nha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI