Năm 2017 đi lại thế nào với hơn 80 'đại công trường'?

13/02/2017 - 15:45

PNO - Nhiều câu hỏi được đặt ra khi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM thông tin: năm 2017, sẽ triển khai 83 dự án trên địa bàn TP, trong đó nhiều dự án giảm ùn tắc giao thông đã được triển khai từ tết Nguyên đán đến nay.

Các dự án này sẽ mang lại điều gì và ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân trong thời gian thi công?

Công trình nối tiếp công trình

Nét mặt căng thẳng, ông Nguyễn Văn Đô (60 tuổi) chạy xe ôm trên đường Cộng Hòa nói: “Ngày nào tui cũng bị kẹt xe, cũng hít khói bụi. Ước gì ngày nào đường sá cũng thông thoáng như mấy ngày tết”. Không riêng gì ông Đô mà hàng triệu người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM phải gánh chịu sự mệt mỏi, căng thẳng vì kẹt xe, ô nhiễm nhiều năm nay.

Theo Sở GTVT TP.HCM, do chưa có tiêu chí xây dựng các khái niệm về ùn tắc, ùn ứ giao thông nên trong năm 2016, sở chưa thống kê cụ thể số vụ ùn tắc giao thông. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc, ùn ứ xảy ra nhiều hơn và phức tạp hơn, tập trung vào các tuyến đường hướng vào trung tâm TP, các trục ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, các cảng biển và ngay trong khu vực trung tâm TP.

Để giải quyết bài toán kẹt xe, Sở GTVT sẽ triển khai loạt 83 dự án lớn, nhỏ với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được ưu tiên triển khai với sáu dự án cấp bách như xây dựng cầu vượt Trường Sơn nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài và cầu vượt thép tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, đồng thời mở rộng các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào sân bay gồm Cộng Hòa (đoạn nút giao Lăng Cha Cả), Hoàng Minh Giám gần Phổ Quang, đường Hoàng Hoa Thám từ Cộng Hòa vào sân bay, Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình).

Nam 2017 di lai the nao voi hon 80 'dai cong truong'?
Các tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng dịp tết Nguyên Đán. Ảnh: Thu Hồng

48 dự án khác tập trung tại các cửa ngõ của TP và các tuyến đường trung tâm TP sẽ được khởi công với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng gồm: xây dựng hầm chui An Sương (Q.12), cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp), cầu Nhị Thiên Đường 1 (Q.8), tiếp tục hoàn thiện đường Vành Đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức)...

Ngân sách cũng dành 5.000 tỷ đồng triển khai 15 dự án tại khu vực cảng Cát Lái (Q.2) như: xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp, hoàn thiện đường vành đai phía Đông (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc), đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành Đai 2... Ngoài ra, còn có ba dự án giao thông thủy và 11 dự án xây dựng các công trình cấp bách khác.

Làm cuốn chiếu, tăng ca

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, chương trình giảm ùn tắc giao thông nằm trong bảy chương trình đột phá của TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020; Sở GTVT tập trung bảy nhóm giải pháp với 160 nhiệm vụ cụ thể và thực hiện với quyết tâm cao, để phấn đấu đạt mục tiêu: giảm 5% số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông mỗi năm, giảm tối đa số vụ ùn tắc giao thông và tăng thêm chiều dài đường lên 25km, diện tích đường tăng thêm 440.000m2, tăng thêm 10 cây cầu và tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 9,02% trên đất đô thị toàn TP. Nếu đạt được mục tiêu này thì giao thông của TP sẽ được cải thiện rõ rệt.

“Tuy nhiên với hàng loạt dự án lớn triển khai trong một năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, do đó Sở GTVT rất mong người dân thông cảm. Để giảm thiểu tối đa các bất tiện, các dự án sẽ thi công cuốn chiếu, một số dự án ảnh hưởng nhiều đến giao thông sẽ được thi công cả ba ca, chủ đầu tư phải tăng thêm nhân công, linh hoạt chuyển sang làm ban đêm... để rút ngắn thời gian thi công mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Ngoài ra, tại các dự án đang triển khai đều có lắp đặt camera giám sát kết nối với chủ đầu tư, Sở GTVT, cổng thông tin giao thông để các đơn vị xử lý kịp thời các bất cập, sự cố” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông của Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm.

Ngược lại, một số dự án phải kéo dài thời gian thi công do điều kiện mặt bằng, như dự án xây dựng hầm chui An Sương, khởi công từ ngày 19/1/2017. Theo ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, chủ đầu tư dự án này, do không đủ mặt bằng thi công cũng như để đảm bảo điều tiết giao thông, dự án sẽ chia hai giai đoạn. Nhánh N1 từ TP.HCM đi Tây Ninh sẽ thi công trước, hoàn thành trong 10 tháng, sau đó mới thi công nhánh N2 theo chiều ngược lại. Tổng thời gian thi công 20 tháng, thay vì có thể hoàn tất trong 12 tháng nếu triển khai cùng lúc.

 THU HỒNG

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Trước tết Đinh Dậu, chúng tôi đã đưa vào sử dụng cổng thông tin giao thông của TP.HCM tại website giaothong.hochiminhcity.gov.vn; chỉ cần ngồi ở nhà, truy cập phần mềm, người dân có thể biết được các tuyến đường nào đang kẹt xe để chọn lộ trình lưu thông thích hợp hoặc dễ dàng tìm các bãi đổ xe, nhà vệ sinh công cộng.

Ứng dụng này được Sở GTVT cập nhật, bổ sung và hoàn thiện liên tục trong năm 2017 trên cơ sở góp ý của người dân, hứa hẹn mang lại sự thuận tiện, thoải mái hơn cho người dân khi lưu thông vào nội đô TP, đồng thời góp phần giảm ùn tắc tại các khu vực nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, các cửa ngõ, các cảng…

Ngoài cổng thông tin, năm 2017 là năm tất bật của Sở GTVT khi triển khai hàng loạt ứng dụng thông minh trong nhiều lĩnh vực, trước mắt chúng tôi sẽ kết nối 300 đèn tín hiệu giao thông tại trung tâm TP về Trung tâm Hầm Sài Gòn quản lý độc lập, không cần điều khiển thủ công. Ngoài ra, dự án thẻ xe buýt thông minh đang được đốc thúc để thông qua, kêu gọi đấu thầu, riêng các trạm xe buýt sẽ giảm dần số nhân viên điều hành để chuyển sang quản lý trên phần mềm máy tính.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông: Phải có tầm nhìn, không nên “say”

dự án

Hàng loạt dự án triển khai năm 2017, trong đó có nhiều dự án khủng với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thì không phải là chuyện nhỏ, nên khi triển khai phải thận trọng, có tầm nhìn chiến lược gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông trong tương lai. Tuyệt đối không nên “say” dự án vì đó là tiền của người dân
đóng góp.

Ai cũng biết, kẹt xe là do nhu cầu đi lại tăng cao trong khi quỹ đường sá và phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do đô thị phát triển lộn xộn, quy hoạch thì lạc hậu, không có tầm nhìn chiến lược.

Do đó, việc mở đường, xây cầu, theo tôi chỉ là giải pháp tạm thời và phát huy hiệu quả trong vài năm nhưng đến lúc nào đó, tình hình lại phức tạp ở những điểm khác, kiểu khác. Ví dụ đường Phạm Văn Đồng khi mở rộng rất thông thoáng, nhưng hiện nay các phương tiện đổ dồn về lại gây ùn ứ các tuyến đường xung quanh.

Để giải quyết bài toán kẹt xe, bên cạnh những giải pháp tạm thời như xây cầu, mở đường, việc cần làm ngay là giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè; nghiêm cấm đào xới; tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý sai phạm giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng bên cạnh nâng cao các ứng dụng thông minh trong điều tiết giao thông.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI