Một phụ nữ bị vỡ túi ngực sau 5 năm phẫu thuật thẩm mỹ

02/07/2020 - 11:40

PNO - Sau 5 năm phẫu thuật nâng ngực ở thẩm mỹ viện tư, chị N.T.V., 43 tuổi, hoảng hốt vì túi ngực đã bị vỡ từ lúc nào không hay.

 

Hình ảnh túi ngực bị vỡ của bệnh nhân
Hình ảnh túi ngực bị vỡ của bệnh nhân.

Ngày 2/7, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) - cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị vỡ túi ngực sau khi nâng ngực bằng loại túi nhám tại thẩm mỹ viện tư nhân.

Bệnh nhân là chị N.T.V. (43 tuổi). Chị V. cho biết đã phẫu thuật nâng ngực cách đây 5 năm. Lúc đó, do cuộc sống bận rộn, chị không tìm hiểu kỹ thông tin nên đến một cơ sở thẩm mỹ gần công ty để thực hiện nâng ngực.

Tại đây, nhân viên tư vấn quảng cáo phẫu thuật rất nhanh chóng, không đau và không biến chứng nên chị đồng ý nâng ngực túi nhám to hình giọt nước. Nhưng sau khi mổ, chị V. bị đau nhiều, ngực bầm tím và căng cứng. Khi thắc mắc với cơ sở thẩm mỹ thì nhân viên tại đây khuyên nên chị đi mát xa nhiều tháng liền sau mổ thì ngực mới mềm ra.

Do chủ quan nên bẵng đi một thời gian, chị V. không đi kiểm tra ngực. Đầu năm 2020, nghe người em họ định cư ở Anh về kể chuyện loại túi ngực nhám to đã bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ, hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi, chị mới giật mình đi khám lại. 

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ, bệnh nhân V. đến viện trong tình trạng lo lắng, bất an. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bề mặt túi ngực nhấp nhô không đều kết hợp. Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân đã được đặt túi nhám to giọt nước. 

Nhận thấy có điều bất thường, các bác sĩ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRRI) và kết quả cho thấy hình ảnh túi ngực đã vỡ. Tuy nhiên trước đó, bệnh nhân không hề biết. 

Các bác sĩ đã phải
Các bác sĩ phải hút ra nhiều dịch silicon lỏng đã tràn ra ngoài do vỡ túi ngực

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành mổ nội soi đường nách. Vỏ túi ngực bám chắc và dính chặt vào các mô xung quanh nên ca mổ gặp khó khăn. Sau gần 2 giờ đồng hồ phẫu thuật các bác sĩ mới lấy hết được phần bao xơ dày, làm sạch hết tổ chức silicone lỏng đã tràn ra ngoài. Sau đó, bệnh nhân được thay thế túi ngực cũ đã vỡ bằng loại túi ngực thế hệ mới.

Theo PGS Nguyễn Hồng Hà, có nhiều nguyên nhân biến chứng vỡ túi. Trong trường hợp của bệnh nhân V., có thể do mổ phương pháp đường nách không nội soi. Khi đó, do bóc khoang không chính xác nên phẫu thuật viên thường chọn loại túi nhám to để túi nhanh dính vào tổ chức, tránh di lệch về sau.

Tuy nhiên, túi nhám to luôn cứng và vỏ xù xì như tờ giấy giáp nên ngực sau mổ khó mềm mại, cùng với thời gian, vỏ nhám có thể kích thích cơ thể tạo bao xơ nên túi ngực dễ vỡ; thậm chí có thể sinh ra một số tế bào lạ quanh bao. Chính vì vậy, gần đây giới chức y tế Hoa Kỳ và châu Âu đã đồng loạt yêu cầu thu hồi hết các loại túi nhám to này trên thị trường.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI