Một chữ “nhầm”, thiệt hại “toàn tập”

10/03/2017 - 10:41

PNO - Cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM đã thi hành án không đúng đối tượng, kê biên, bán tài sản trái pháp luật, ép doanh nghiệp phải di dời khỏi nơi sản xuất, kinh doanh hợp pháp.

Vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam (gọi tắt Công ty Đông Nam) - doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài (Hàn Quốc), chuyên kinh doanh gia công may mặc, tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động. Năm 2007, công ty ký hợp đồng thuê nhà xưởng từ Công ty CP Trung Nam (số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, TP.HCM). Giao dịch này được Phòng Công chứng số 4 TP.HCM chứng nhận và đến nay hợp đồng vẫn còn giá trị.

Mot chu  “nham”, thiet hai  “toan tap”
 

Sai chồng sai

Vào đầu tháng 4/2015, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu Công ty Đông Nam bàn giao nhà xưởng và sẽ tiến hành cưỡng chế, trục xuất toàn bộ tài sản của DN này ra khỏi nơi sản xuất tại địa chỉ trên với lý do “Thi hành bản án số 42/KTPT ngày 6/9/2001 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao và bản án số 976/DSPT ngày 18/6/2003 của TAND TP.HCM”. Nhưng, cả hai Công ty Đông Nam và Công ty CP Trung Nam đều không phải là các đối tượng có nghĩa vụ thi hành án (!?). Họ đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn bị cơ quan thi hành án “âm thầm” kê biên, bán đấu giá đất và tài sản trên đất của mình.

Theo Công ty CP Trung Nam, nhà xưởng và quyền sử dụng đất thuê tại số 7/6 Xuân Thới Đông 1 là tài sản hợp pháp của công ty. Khu đất rộng hơn 4.700m2 này đã được công ty mua lại của Công ty TNHH TMDV Trung Nam I (gọi tắt Công ty Trung Nam I) từ năm 2005. Và Công ty Trung Nam I mới là đối tượng có nghĩa vụ phải thi hành hai bản án nói trên, chứ không phải Công ty CP Trung Nam hay Công ty Đông Nam.

Qua trực tiếp kiểm sát hồ sơ thi hành án, cuối năm 2016, Viện KSND tối cao đã có hai công văn vạch rõ các sai phạm của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM liên quan đến vụ việc.

Cụ thể, chấp hành viên đã không xác minh đầy đủ điều kiện thi thành án của Công ty Trung Nam I dẫn đến việc kê biên kéo dài. Trước đây, đã có một lần kê biên nhầm đối tượng là căn nhà 129 Lê Hồng Phong, P.3, Q.5 vào năm 2006. Sau đó, phải giải tỏa kê biên vì xác định đây là tài sản riêng của cá nhân, không phải tài sản công ty nên không thể kê biên xử lý.

Đến tháng 6/2007, sau gần sáu năm kể từ khi ra quyết định thi hành án, chấp hành viên lại tiến hành xác minh các tài sản khác của Công ty Trung Nam I và xác định có lô đất 4.721m2 tại số 7/6 Xuân Thới Đông 1, chấp hành viên đề xuất và lãnh đạo cơ quan thi hành án đồng ý kê biên diện tích đất nêu trên.

Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan này ban hành quyết định cưỡng chế kê biên số 457 ngày 8/1/2008 thì nhà xưởng và diện tích đất đã được chuyển nhượng hợp pháp giữa Công ty Trung Nam I với Công ty Thuận An (sau đổi tên thành Công ty CP Trung Nam) và công ty này đã cho Công ty Đông Nam thuê lại. Số tiền bán nhà xưởng đã được Công ty Trung Nam I nộp cho Cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai hiện hành, việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất giữa các bên là hợp pháp. Theo Viện KSND tối cao, vì những lý do nêu trên, dẫn đến việc kê biên của cơ quan thi hành án bị các bên khiếu nại. Đây cũng là quan điểm của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường và đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Mot chu  “nham”, thiet hai  “toan tap”
Các cán bộ thi hành án dân sự TP.HCM xuống "ép" doanh nghiệp di dời - Ảnh: Quốc Ngọc.

50% trách nhiệm thuộc cơ quan tư pháp Trung ương

Đánh giá nguyên nhân của việc thi hành án bị khiếu nại kéo dài, Viện KSND tối cao cho rằng có nguyên nhân khách quan từ sự thiếu thống nhất của các quy định pháp luật. Nhưng nguyên nhân chủ quan mới là cơ bản.

Như đã nêu, chấp hành viên đã không tiến hành xác minh đầy đủ, toàn diện, chính xác tài sản của người phải thi hành án, dẫn đến việc kê biên tài sản ban đầu không chính xác, để việc thi hành án bị kéo dài. Khi không thể xử lý được nữa, chấp hành viên mới tiến hành xác minh và kê biên tài sản khác, nhưng khi đó tài sản đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Chấp hành viên tiếp tục kê biên khi chưa có xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với giao dịch chuyển nhượng đó thì đã tổ chức định giá, bán đấu giá, làm thay công việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tức thay mặt cả tòa án). Tiếp đó, chấp hành viên cũng không cho bên thứ ba (Công ty Đông Nam) đang thuê tài sản được tiếp tục thuê tài sản theo hợp đồng, dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình.

Viện KSND tối cao cho rằng, vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài khiến cho cả Văn phòng Chính phủ, Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Thanh tra Chính phủ…. phải vào cuộc, là do nhận thức của chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đối với quy định của pháp luật còn hạn chế. Từ đó dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Chưa hết, chấp hành viên cũng nhận thức chưa đầy đủ quy định của pháp luật về thi hành án và các quy định có liên quan…

Với những vi phạm nêu trên của Cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM, lẽ ra phải được các cơ quan tư pháp trung ương phát hiện, báo cáo một cách đầy đủ với cấp có thẩm quyền để xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, những chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và đơn vị nghiệp vụ của Viện KSND tối cao lại không phát hiện được vi phạm. Do vậy, nội dung chỉ đạo chủ yếu nghiêng về việc phải tiếp tục kê biên, xử lý tài sản sai đối tượng để thi hành án. Vì thế, theo Viện KSND tối cao, các cơ quan tư pháp trung ương cũng có ít nhất 50% trách nhiệm trong vụ việc này. Với những vi phạm nêu trên, về nguyên tắc thì việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất trong vụ việc này phải được hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Thiệt hại niềm tin đầu tư

Cuối tháng 8/2016, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì kiểm tra, xem xét khiếu nại của Công ty Đông Nam và có biện pháp giải quyết đúng quy định pháp luật. Ngày 8/9/2016, UBND TP.HCM có công văn khẩn số 4939/UBND-NCPC giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra thành phố, UBND H.Hóc Môn và các đơn vị liên quan tạm dừng thi hành các quyết định có liên quan đến Công ty Đông Nam cho đến khi có chỉ đạo xử lý vụ việc của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, bất chấp các chỉ đạo trên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn “thi hành án” như thông báo tại công văn số 11079/TB-CTHADS trước đó rằng sẽ cưỡng chế, trục xuất toàn bộ người và tài sản của Công ty Đông Nam ra khỏi địa chỉ 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1. Thời gian cưỡng chế thực hiện vào lúc 8g30 ngày 12/9/2016. Chấp hành viên Hồ Quân Chính đã yêu cầu Điện lực Hóc Môn cắt điện sản xuất của Công ty Đông Nam vào 14g ngày 6/9/2016 trong lúc công ty đang phải hoàn thành gấp hợp đồng xuất khẩu và chuẩn bị trả lương cho công nhân. Trong các ngày 7, 8 và 9/9/2016, ông Chính cho người cản trở tại cổng không cho xe container ra vào công ty.

Đại diện công ty cho biết, trong thời gian tiến hành “cưỡng chế trục xuất”, ông Chính nhiều lần xuống xưởng may để “làm việc”. Đồng thời, ông Chính còn yêu cầu Phòng LĐ-TB-XH H.Hóc Môn cử người xuống yêu cầu công ty cam kết trả lương và chế độ BHXH đầy đủ cho công nhân, trong khi đơn vị không nợ lương hay tranh chấp với người
lao động (?).

“Chúng tôi đã có ý kiến xin thời hạn để tiếp tục sản xuất trong thời gian chuẩn bị di dời nhưng chấp hành viên không đồng ý mà đặt điều kiện, nếu chúng tôi không tự nguyện di dời thì ngày 12/9/2016 sẽ cho lực lượng bốc toàn bộ máy móc, tài sản của chúng tôi đi nơi khác. Còn nếu tự nguyện thì sẽ cho cấp điện và ra thời hạn di dời đến ngày 16/9/2016. Đứng trước sức ép và bị dồn đến đường cùng, đối mặt với việc hàng hóa bị tồn đọng khi bị cắt điện, nên ngày 8/9/2016, chúng tôi buộc phải ký biên bản đồng ý tự nguyện di dời máy móc và tài sản”, người đại diện viết trong đơn khiếu nại.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Thu Hạnh (công nhân) nhớ lại những ngày kinh hoàng phải “cưỡng chế, di dời”. “Cả quản đốc và công nhân ôm nhau khóc. Ai cũng đang có chỗ làm việc ổn định, lương khá, ông chủ Hàn Quốc tốt bụng. Vậy mà đùng một cái tan biến hết. Gần 500 con người cù bất cù bơ”, chị nghẹn ngào.

Bà Văn Thị Nhịp (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) có con gái và con rể cùng làm việc tại Công ty Đông Nam, xót xa: “Hai vợ chồng đi làm nuôi hai đứa con nên dẹp một cái là tụi nó chới với. Cả tháng trời nằm nhà. Trời thương sao ông chủ tốt quá chú ơi, vẫn trả lương. Rồi chừng hơn tháng sau là tụi nó kéo qua làm việc trở lại với ổng khi ổng tìm được chỗ thuê xưởng mới”.

Theo Công ty Đông Nam, ước tính thiệt hại ban đầu của công ty qua vụ việc đã lên đến 2 triệu USD. Nhưng thiệt hại lớn nhất, chính là nỗi khiếp sợ và sự mất niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật của chủ DN người Hàn Quốc. “Chúng tôi là đơn vị sản xuất, bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại ngoài dự tính. Hiện chúng tôi đang khẩn trương thực hiện gia công hàng may mặc với đối tác nước ngoài theo các hợp đồng đã ký kết đến cuối năm 2017. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại rất lớn cho họ và sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN. Hơn nữa, hàng trăm lao động sẽ bị mất việc làm, họ sẽ rất khó khăn nếu DN bị ngưng hoạt động. Do đặc thù của ngành nghề gia công may mặc, máy móc thiết bị sản xuất có nhiều chi tiết và sử dụng lượng lao động lớn, nên việc di dời cần phải có thời gian, không thể muốn là dời đi ngay lập tức được”, đại diện công ty trình bày.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ ngày 9/3, Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, vụ việc chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư. Trước tiên, đó là làm xáo trộn đời sống của gần 500 con người, đồng nghĩa với 500 gia đình rơi vào cảnh lao đao.

Thứ hai, theo ông Hải, đây là DN nước ngoài. Khi đầu tư ở đây họ có đại sứ quán, lãnh sự quán, có hiệp hội DN Hàn Quốc ở đây với hàng ngàn hội viên và sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của DN họ. Trong Luật Đầu tư của Việt Nam cũng ghi rõ bảo đảm tài sản và quyền lợi của nhà đầu tư. “Thiệt hại về tài sản có thể lớn nhưng có những thiệt hại không ai gánh nổi. Vấn đề không phải cho họ nơi sản xuất, kinh doanh mới, mà vấn đề lớn là cơ hội làm ăn của họ bị mất khi lở dở hợp đồng sản xuất phải bồi thường. Quan trọng nhất là niềm tin của họ vào môi trường đầu tư của chúng ta”, ông Hải nhận định.

Phía Công ty Đông Nam cho biết, khi quyền lợi hợp pháp của DN bị xâm hại bởi hành vi trái pháp luật của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, công ty sẽ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam can thiệp về vấn đề này với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức kinh tế quốc tế, cơ quan báo chí trong nước và thế giới sẽ vào cuộc để làm rõ đúng sai, trả lại sự thật, công bằng cho công ty.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI