Facebook và cái lưng trần

05/03/2018 - 12:39

PNO - Nhiều nghi vấn đang được đặt ra cho Facebook nơi có 35% nhân viên là phụ nữ, đàn ông hay đàn bà là người quyết định hình ảnh nào là gợi dục?

Có một nhà thơ trẻ nổi tiếng người Quảng Nam – một ngày nọ, cùng người yêu ra tắm sông Thu Bồn – về tâm tưởng làm 2 câu thơ:

Hôm qua ra tắm Thu Bồn
Anh về anh nhớ cái… lưng của em

Tôi hỏi sao thơ gì mà lạc vần hết trơn vậy cha nội? Nhà thơ nói sợ bị kiểm duyệt không in sách được đành phải lách thành cái lưng.

Nhưng ngày nay, cái lưng đối với Facebook cũng là điều kỵ húy. Nhà văn nữ Krista Venero, người Mỹ với bút danh K.L. Montgomery, cho tờ New York Times biết Facebook đã từ chối đăng quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết xuất bản cuối năm 2017 của mình chỉ vì hình cái lưng trần chụp từ sau gáy từ cổ đến nửa lưng. Cô Venero nói hình này còn kín đáo hơn quảng cáo của sữa tắm Olay, chụp từ cổ đến đến lưng và còn cả chân nữa.

Facebook va cai lung tran
Cái lưng gây tranh cãi

Facebook cho rằng hình ảnh đó là implied nudity – có tính gợi dục – nhưng sau khi cô Venero tranh cãi thì họ đồng ý đăng.

Hàng tuần Facebook xử lý hàng triệu mẫu quảng cáo bằng cả hệ thống AI và con người để phân loại cái nào được, cái nào không. Vậy ai là người đưa ra quyết định cuối cùng? Điều lý thú là cô nhà văn này đã từng đăng một quảng cáo tương tự cách đây vài năm, nhưng là cái lưng trần của một gã đàn ông, thì mọi việc OK!

Facebook có sự phân biệt nam nữ rõ ràng. Bà April Ray, người quản lý trang blog Reading After Dark, cho biết năm ngoái một quảng cáo của bà có hình một cô gái mặc áo sơ mi mỏng không coọc-xê ngồi đọc sách trong ánh đèn mờ thì bị cấm, còn trang quảng cáo tiểu thuyết ngôn tình Beyond 50 Shades, đăng hình bụng 6 múi với lưng quần qua khỏi “rún” hơn một gang tay vẫn được chấp nhận.

Facebook va cai lung tran
Quảng cáo tiểu thuyết ngôn tình "Beyond 50 Shades" trên Facebook

Theo chính sách của Facebook – “cấm những quảng cáo diễn tả tư thế gợi tình, khiêu khích tình dục rõ ràng hoặc ẩn ý” – tất cả gói gọn trong 2 từ implied nudity. Tuy nhiên, bà Jillian York, giám đốc Electronic Frontier Foundation – tổ chức cổ xúy tự do diễn đạt quốc tế - cho biết Facebook cấm hình ảnh ngực trần của phụ nữ, còn của đàn ông thì không.

Ngực đàn ông và ngực đàn bà

Joel Jones, phó chủ tịch Facebook phụ trách giải pháp marketing toàn cầu nhanh chóng đính chính tuyệt nhiên không có sự phân biệt giữa “ngực đàn ông hay ngực đàn bà” gì ở đây cả. Chỉ có điều, theo số liệu, ngực đàn bà xuất hiện nhiều hơn gần gấp đôi ngực đàn ông trong bộ lấy mẫu cách đó 30 ngày.

Trong khi đó, các đại lý quảng cáo là khách hàng của Facebook tỏ ra nghi ngờ Facebook sử dụng kiểm duyệt bằng AI (trí tuệ nhân tạo) vì có quá nhiều quảng cáo hằng ngày, con người khó mà kham nổi. Nhưng làm sao thuật toán AI phân biệt được ngực đàn ông hay ngực đàn bà?

Facebook va cai lung tran
Chiếc áo da beo làm dấy lên tranh cãi chuyện kỳ thị giữa đàn ông và đàn bà

Ngoài ra, Facebook dường như kỳ thị phụ nữ hơn đàn ông. Trang bán hàng thời trang cho thiếu nữ Goodbye Bread, tranh cãi với Facebook hồi tháng 12/2017 về quảng cáo chiếc áo thun bó sát người da beo. Lý do Facebook đưa ra là “quá khêu gợi vì để lộ nhiều da quá!” – mặc dù đã có 2 ngôi sao gắn lên chỗ cần che nhất rồi – nhưng vẫn bị xếp vào implied nudity.

Nhiều nghi vấn đang được đặt ra cho Facebook nơi có 35% nhân viên là phụ nữ, đàn ông hay đàn bà là người quyết định hình ảnh nào là gợi dục?

Facebook thì chính thức từ chối cung cấp có bao nhiêu người làm ở bộ phận kiểm duyệt quảng cáo. Hồi tháng 10/2017, Facebook tuyển thêm 1.000 nhân viên cho công việc này sau vụ điều trần tại quốc hội về vai trò và trách nhiệm của Facebook trong vụ lan truyền thông tin sai lệch trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016, bao gồm cả những quảng cáo của những người Nga mua trên Facebook.

Nhớ lại năm 2008, làn sóng phản đối Facebook cấm đưa hình phụ nữ cho con bú trong các trang hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Những người phản đối cho rằng chính sách của Facebook đi ngược lại với khuyến cáo của WHO. Và năm 2016, Facebook cũng bị phản đối dữ dội sau khi lột bỏ hình ảnh “cô bé Napalm” trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Vũ Lương
(Nguồn: New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI