Lớp trưởng hay 'đại bàng'?

21/07/2015 - 11:23

PNO - PN - Trong hệ thống giáo dục nhiều quốc gia, lớp trưởng là người được các bạn tín nhiệm hoặc thầy cô chỉ định, nhằm kết nối giữa nhà trường, giáo viên và học sinh. Nhiều lớp trưởng “nhí” sớm tự ý thức trách nhiệm và...

Tháng Năm vừa qua, người dân tỉnh An Huy (Trung Quốc) chấn động trước thông tin lớp trưởng 12 tuổi của một trường tiểu học buộc bạn học ăn phân và nước tiểu vì không nộp tiền và quà bánh cho lớp trưởng, hoặc nhẹ nhất là các em bị xé nát tập sách. “Ngài” lớp trưởng lộng hành này quy định cái gọi là giờ kiểm tra bài tập về nhà nhưng thực chất, đây là lúc khái niệm “tham nhũng”, “đút lót”, “bảo kê” được manh nha hình thành trong suy nghĩ của những đứa trẻ lẽ ra cần sống hồn nhiên.

Lop truong hay 'dai bang'?

Bên ngoài trường học ở tỉnh An Huy, nơi có lớp trưởng bắt nạt bạn học - Ảnh: SCMP

Sở dĩ, học sinh này có thể thản nhiên cư xử “bá đạo” như vậy là vì được chính giáo viên trao quyền kiểm tra bài về nhà của bạn học mà không hề giám sát. Lợi dụng lòng tin của giáo viên, lớp trưởng “hung thần” luôn bắt nạt, trấn lột bạn học. Vụ việc bị phanh phui khi gia đình các em bị chèn ép tố cáo lên chính quyền. Nhiều phụ huynh bất ngờ phát hiện con mình ăn cắp khoản tiền lớn để… cung phụng cho lớp trưởng. Hiệu trưởng nhà trường và giáo viên có liên quan bị đình chức ngay lập tức. Riêng lớp trưởng bị chuyển trường.

Được trao quyền nhưng không có sự hướng dẫn và giám sát kịp thời, nhiều học sinh mơ hồ nghĩ rằng “ta là tất cả”, ta có thể cai quản “vương quốc” riêng - lớp học cũng như bạn cùng trang lứa. Nhiều trường hợp dẫn đến bi kịch, thậm chí thảm kịch như sự việc hồi tháng 10/2014, tại thị trấn Sinazongwe, phía Nam Zambia. Lớp trưởng Conastia Mweebo (14 tuổi) đánh đến chết bạn học Hazel Hamanyama (13 tuổi), học sinh lớp 7 tại trường Malima. Biết rằng mình bị ghi tên trong danh sách những học sinh làm ồn, nói chuyện trong lớp, Hazel đến tìm Conastia hỏi cho ra lẽ. Không giải thích, không cần lý lẽ, Conastia lao vào đánh bạn. Yếu thế nên Hazel không thể kháng cự, em bị đánh tơi bời, bị xô ngã xuống sàn, bất tỉnh rồi tử vong.

Nhiều nhà giáo dục và học sinh từng làm lớp trưởng nói rằng, được làm thủ lĩnh giúp học sinh sau này có nhiều kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo. Điều này chỉ đúng nếu lớp trưởng ấy nhận thức đúng về quyền và trách nhiệm của mình.

Lop truong hay 'dai bang'?

Cô bé Lisa gây ấn tượng mạnh bằng bài phát biểu của mình - ẢNH: YOUTUBE

Trong khi đó, tại trường tiểu học Nairobi ở Kenya, cứ đến mùa khai giảng, học sinh lại háo hức chờ đến “tuần bầu cử”. Các em tự chọn người đứng đầu mỗi lớp, người đại diện học sinh toàn trường và người đại diện riêng cho nam sinh, nữ sinh, nhóm văn thể mỹ… Trong suốt một tuần ấy, học sinh thỏa sức tranh luận, bàn tán về những ứng cử viên và tự do gửi gắm mong muốn đến những thủ lĩnh tương lai do mình chọn. Nereah Odhiambo (14 tuổi), ứng cử vị trí trưởng nhóm nữ sinh, cho biết khẩu hiệu “tranh cử” của em là: “Hãy chọn người bạn tin tưởng”. Nereah cho rằng, đây là cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo và em muốn thắt chặt các mối quan hệ với bạn đồng trang lứa thông qua những hoạt động bổ ích mà mình lập kế hoạch thực hiện.

Thái độ tích cực của các ứng cử viên cũng như học sinh trong “tuần bầu cử” được đánh giá là thành công của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Từ năm 2008, UNICEF đã hợp tác cùng Bộ Giáo dục Kenya đưa khái niệm "hội đồng trường học" và sáng kiến “Trường học thân thiện với trẻ em” đến với học sinh nước này, giúp các em hoàn thiện bản thân, tạo môi trường học tập sinh động cho chính mình. Tinh thần của sáng kiến là không cạnh tranh gay gắt, thay vào đó là sự cộng hưởng trách nhiệm và tinh thần tập thể.

Theo Assumpta Umutoni (15 tuổi), một trong những ứng cử viên của hội đồng trường học, nhìn thấy bạn bè biết sử dụng quyền thông qua những lá phiếu, em rất vui vì có rất nhiều học sinh muốn góp sức tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho mình, cũng như người khác. Thầy giáo Michael Oduor, tham gia việc tổ chức bầu cử hội đồng trường học tại trường tiểu học Nairobi chia sẻ: “Thế hệ trẻ cần được trao quyền từ hôm nay, qua đó các em có thể tự quyết định đúng đắn và thiết thực cho cuộc sống của chính mình mai sau”.

Ở các trường học tại Hoa Kỳ và Israel, học sinh biết đến khái niệm chủ tịch lớp học, vị trí tương đương với lớp trưởng ở nhiều nước khác. Các em là cầu nối chuyển tải thông điệp, nguyện vọng của lớp đến hội đồng trường học. Các em cũng là trung gian, giải quyết những vấn đề phát sinh trong lớp nhưng các em không có quyền kiểm soát bạn bè. Muốn vào vị trí trên, mỗi em phải có bài nói chuyện thuyết phục, kêu gọi bạn bè tín nhiệm mình.

Lisa, học sinh lớp 4 ở Mỹ nổi tiếng trên mạng xã hội vì bài phát biểu vô cùng súc tích. Em ghi hình trước ống kính, chuyển thông điệp đến các bạn: “Mình tự tin có thể đảm nhiệm vị trí này vì mình là người bạn tốt và lắng nghe các bạn. Mình muốn mỗi bạn đều phát huy tối đa năng lực bản thân và mình sẽ nỗ lực kết nối với nhà trường, giúp phát triển năng khiếu, sở trường của từng người. Mình là người có trách nhiệm, nhiệt huyết và sáng tạo, mình muốn dùng những điều đó để thay đổi, cùng các bạn tạo ra môi trường chúng ta mơ ước. Mình tôn trọng mục tiêu và nguyện vọng của các bạn. Mình quan sát, lắng nghe và hành động”. Bài phát biểu ấn tượng của Lisa giúp em giành chiến thắng ở vị trí mà em tranh cử: phó chủ tịch khối lớp bốn của trường tiểu học SCA.

Theo nghiên cứu của UNICEF, những học sinh tham gia “quản lý” việc trường lớp có khuynh hướng tự giác học tập và củng cố những giá trị sống tính cực. Lạm quyền ở ghế nhà trường là mặt tiêu cực mà nhiều thủ lĩnh học đường mắc phải do thiếu sự hướng dẫn, chia sẻ, đồng hành từ chính giáo viên - những người lẽ ra phải vun đắp, uốn nắn lớp trưởng, thay vì ỷ lại vào những mầm non, tuy đầy nhiệt huyết nhưng chưa hoàn thiện kỹ năng sống.

 THIÊN NHƯ

(Theo SCMP, unicef.org, NY Times, YouTube)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI