“Giờ mới hiểu toàn dân chống dịch là sao nghen!”. Đó là câu nói tôi vô tình nghe từ chị phục vụ quán phở trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TPHCM). Hôm ấy, thành phố chưa ban bố những lệnh hạn chế. Từ bấy đến nay, dịch bệnh càng diễn biến phức tạp. Và dường như, càng trong cảnh khó, người ta càng có cơ hội hiểu về “sức mạnh toàn dân”…

Hễ lên mạng tra cứu về COVID-19, ngoài tin tức cập nhật liên tục về dịch bệnh, lại thấy người ta kêu gọi, hiến kế, hoặc tổ chức một hoạt động chia sớt gánh nặng xã hội. Trên “newsfeed” của tôi, Hà Phương - một “mẹ bỉm sữa” đăng một trạng thái tổng hợp tất cả các cách mà người dân có thể ủng hộ Chính phủ. Dòng thông tin có số tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số điện thoại tổng đài tin nhắn ủng hộ, kèm đầy đủ hình ảnh các bước tác giả đã thực hiện. Dòng trạng thái đăng lúc nửa đêm.

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng tại các chốt kiểm soát dọc biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng tại các chốt kiểm soát dọc biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh

Người mẹ ấy viết: “Nửa đêm con ngủ rồi mình mới viết status này. Mình biết nhiều người muốn ủng hộ chút kinh phí cho Chính phủ chống dịch nhưng không phải ai cũng đọc báo để biết cách ủng hộ”.

Hà Phương nói đúng. Hôm đó là ngày đầu tiên các cơ quan báo chí công bố địa chỉ nhận ủng hộ của người dân cho công tác chống dịch của Chính phủ. Ngay sáng hôm sau, cả cái hẻm bán đồ ăn sáng trên đường Mạc Đĩnh Chi xôn xao chỉ nhau “nhắn CV X” vào tổng đài 1407 để ủng hộ, thay X bằng một con số, mỗi đơn vị X là 20.000 đồng. Bà chủ quán phở quê gốc Nam Định nói: “Tôi nhắn hẳn CV 10, ủng hộ 200 ngàn”.

Chị phụ quán thiệt thà nói: “Lát tui nhắn xê vê 1, ủng hộ hai chục ngàn thử coi”. Nói xong chị rút điện thoại, quyết luôn: “Thôi để tui nhắn liền cái coi”. Chị vừa đi vừa nhắn. Chị vào đến bên trong quầy phở, thực khách bên ngoài còn nghe loáng thoáng giọng chị: “Giờ mới hiểu toàn dân chống dịch là sao nghen!”.

Nếu có chơi Facebook hoặc thường xuyên tham gia các hội nhóm, chị phụ quán nọ sẽ còn được chứng kiến “toàn dân chống dịch” từng giờ. Mỗi người một cách. Người làm trong ngành giáo dục thì mở lớp học trực tuyến. Những lớp học này thu học phí bằng “tin nhắn ủng hộ Chính phủ chống dịch”. Cụ thể, học viên nhắn tin vào số 1407 ủng hộ Chính phủ chống dịch, rồi chụp màn hình gửi cho thầy. Số tiền đóng góp tùy khả năng của người học. Những lớp học trực tuyến đó diễn ra, như một cách gián tiếp ủng hộ kinh phí chống dịch. 

Có thể nói, chưa bao giờ có một cuộc quyên góp trong cộng đồng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến thế. Mỗi người dân đều nhận lấy và thực hiện một vai trò trong cuộc chống dịch. Chủ cửa hàng thì đóng hàng quán để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Chủ nhà trọ, chủ mặt bằng thì giảm giá, hoặc miễn phí cho thuê. Nhiều người mới đó đăng đàn khoe tin nhắn ủng hộ Chính phủ, ngay sau đó lại trở thành một “kẻ chịu ơn”.

Trong một dòng trạng thái khác, chính người ấy lại khoe vừa được chủ mặt bằng kinh doanh miễn phí một tháng tiền thuê nhà. Nhiều người lâm cảnh khó, thất nghiệp, mất thu nhập… vẫn dang tay đóng góp giúp đỡ người nghèo, người vô gia cư. Những người lao động dành buổi tan ca để đi tìm mua khẩu trang y tế, gửi vào bệnh viện cho bác sĩ. Người ta tương tác với nhau bằng sự hỗ trợ, nâng đỡ, sớt chia…

Cũng trong thời gian này, chị Nguyễn Thúy Uyên Phương (Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục đầu đời The Caterpies) cùng một vài cộng sự sáng lập dự án H.A.T gây quỹ hỗ trợ cho giáo viên khó khăn do COVID-19. Quỹ này sẽ trợ cấp tài chính để giáo viên duy trì cuộc sống qua dịch bệnh và ở lại với nghề. Mặt khác, giáo viên sẽ cam kết dành thời gian để hỗ trợ chăm sóc; kèm cặp cho con em của những đối tượng đang đóng góp và hy sinh nhiều nhất cho cuộc chiến chống dịch như các bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ, nhân viên cứu trợ…

Dự án này sau đó nhận được sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN và Tổ chức phi lợi nhuận VietBay. 

Nhưng, sẽ khó có ai ngờ rằng chính trong những người sáng lập dự án H.A.T lại có những chủ trường tư - những người vốn được xem như “nạn nhân kinh tế” đầu tiên của dịch bệnh. Thay vì phải bỏ nghề, phá sản như kịch bản dễ hình dung nhất, họ lại trở thành một “chỗ dựa xã hội” với chính sáng kiến của người trong cuộc.

Có lẽ cảm hứng chủ đạo của những tương tác nghĩa tình ấy, là chính từ những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ của bác sĩ, những cái oằn vai nghiêng mình gánh vác của các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Miễn phí hai tháng tiền trọ cho 80 phòng với giá trị hơn 200 triệu đồng, chị Đoàn Thùy Dương (ở P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chỉ đơn giản nói: “Việc làm của tôi là rất nhỏ so với những vất vả, khó khăn, nguy hiểm của các y bác sĩ, lực lượng chống dịch ngoài kia”.

Trưa 26/3, chị đến các khu trọ nhà mình, gõ cửa từng phòng, hỏi thăm từng nhà rồi nói: “Hai tháng tới, tôi không thu tiền nhà trọ nhé. Mọi người hãy tuân thủ ai ở đâu cứ ở yên ở đó nhé”. Miễn phí chừng ấy phòng thuê trong hai tháng là một quyết định kinh tế quan trọng. Nhưng, là “chủ nhà” của 80 hộ gia đình, đó là việc thiết thực nhất mà chị Dương có thể làm cho lời kêu gọi “ai ở đâu ở yên đó” của Chính phủ. Chia sẻ gánh nặng thuê nhà cho người lao động - cũng là cách khả thi nhất một chủ trọ có thể làm, để san sẻ bớt cái khốn khó trong xã hội do dịch bệnh.

Ngày 25/3, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người bạn ở nước ngoài. Từ Thụy Điển, Phương Uyên đề nghị được gửi một chút quà đến các chiến sĩ và lực lượng dân quân. Vừa nói xong ý định đó, cô bạn chợt bật khóc trong điện thoại: “Em thấy cảnh các bạn ấy khiêng đồ đi hết sân ký túc xá, rồi leo lên cầu thang các khu nhà em thương quá. Mùa này Thủ Đức nắng lắm, em học ở làng đại học nên em biết, đi bộ từ cổng ký túc vô các dãy nhà thôi đã mệt lắm rồi”. Có lẽ, nỗi nhớ trong tâm thức càng khiến sự đồng cảm trở thành một cơn mủi lòng. Cô khóc vì thương các chiến sĩ, mà như nức nở về một người thân.

Tình cờ, chị Mỹ Lệ (TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cũng nhắc đến cái nắng khi lý giải chuyện mình ra sức kêu gọi mọi người hỗ trợ các chiến sĩ ở cửa khẩu Mộc Bài. Có nhiều người thân là bộ đội biên phòng, chị Mỹ Lệ không xa lạ với những vất vả của lực lượng ngày đêm canh giữ biên giới. Thế nhưng, trong những ngày cao điểm chống dịch, nhìn trên Facebook một người bạn những túp lều dã chiến giữa rừng núi hoang vu, chị cũng lặng người.

Cách đây vài năm, chị từng nếm trải cái nắng biên giới khi tham quan chợ Bavet - ngay bên kia cửa khẩu Mộc Bài. Cái chói chang khốc liệt trong quá khứ lồng vào những tấm hình hiện tại. Chị gọi điện cho người thân hỏi thăm, rồi sốt sắng lên kế hoạch mua mì gói, khẩu trang, nước suối gửi về biên giới.

Nhưng, trong một khắc tỉnh táo, chị nhắn tin hỏi một phóng viên hay đi biên giới những món đồ mà các chiến sĩ đang thực sự cần. Câu trả lời là: đèn pin, ghế bố, ống nhòm - những phương tiện cần kíp nhất để làm nhiệm vụ, chứ không phải thực phẩm hay những món vật dụng cá nhân. Chị Lệ quyết định ủng hộ 30 triệu đồng, đồng thời quyên góp thêm từ bạn bè để gửi về tiếp sức biên cương.

Là một người “trung chuyển”, Thiếu tá Lê Quân (Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) liên tục được chứng kiến người dân tìm cách tiếp sức biên cương. Cứ cách ngày, anh lại lên biên giới. Hôm nay đi, mai về. Bạn bè, người thân, và cả những người không quen biết mỗi ngày lại gửi anh một phần quà nào đó để anh mang đến các chiến sĩ. Ngoài đèn pin, lều, cà phê, thịt viên, nước uống… có nhóm bạn trẻ còn muốn đồng hành cùng anh, nấu một nồi cà-ri khủng đến tặng bộ đội ở từng chốt biên phòng đóng dọc tuyến.

Thiếu tá Quân kể nhanh cho tôi nghe khi đang trên hành trình đến các chốt dã chiến của bộ đội biên phòng: “Anh có nhiều hình ảnh của các chiến sĩ. Nhìn họ vui vẻ mà mình biết họ rất mệt. Có nhiều hình ảnh anh muốn chia sẻ, nhưng lại ngại ở hậu phương nhiều người còn sợ sệt thì họ lại kỳ thị vợ con chiến sĩ, tội…”. Trước khi tạm biệt, anh nói vội: “Anh bây giờ phải đi sớm, lúc về phải về muộn, tự cách ly trong phòng. Sáng ra phải đi ngay vì sợ con gái dậy. Nhớ con mà phải tránh, nhỡ mình có gì lại lây cho con, rồi làm khổ cộng đồng…”.

Chúng ta đang sống những ngày rất lạ. Mới đây, TPHCM công bố nhiều lệnh hạn chế, các công sở tiến hành làm việc tại nhà, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Đang bận bịu giữa bộn bề tin tức thì chúng tôi nhận được tin nhắn từ một bạn quản lý của thương hiệu trà sữa Gongcha: “Mọi người ở báo vẫn đi làm phải không?”. Biết chúng tôi vẫn đi làm, bạn ấy nhắn tiếp: “Mọi người có mệt không? Tụi mình muốn gửi trà sữa tặng mọi người”.

Câu hỏi “mệt không” từ một người vốn chỉ có quan hệ công việc chợt làm chúng tôi xúc động. Có lẽ, rất nhiều người đang “rất mệt” giữa những ngưng trệ, trắc trở của dịch bệnh. Nhưng, khi ai cũng bộn bề những mệt mỏi, thì sự đồng cảm và lòng tốt càng bị thách thức. Thế nhưng, những gì đang diễn ra ngoài xã hội đang cho ta thấy điều ngược lại, lòng tốt đang… lội ngược dòng.

Cuối tháng Ba, một nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chụp màn hình giao diện một ứng dụng giao hàng, chia sẻ trên Facebook. Nhân viên y tế này viết: “Xin đừng kỳ thị chúng tôi. Trực ở viện, gọi 2 cốc trà sữa mà không Grab nào giao hàng. Bị hủy 3 lần rồi và nhà hàng hủy luôn đơn”.

Có lẽ, các “shipper” ái ngại khi thấy điểm nhận hàng là một bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Sự ái ngại này thật đau lòng, nhưng không phải là quá khó hiểu. Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một vùng an toàn. Thế nhưng, ai cũng chọn an toàn đến mức ích kỷ, thì trong vùng rủi ro đó, có những người phải chịu những phần thiệt thòi không đáng có. Những thiệt thòi được mang lại bởi chính sự kỳ thị lạnh lùng của đồng loại…

Thật may, là nỗi sợ hãi đến mức ích kỷ đó không phổ biến. Ngày 20/3, xem phóng sự của VTV, chị Nguyễn Thu Trang (P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) được tận mắt thấy không khí làm việc của các y bác sĩ trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Nghe một nữ y tá trẻ chia sẻ rằng con chị ở nhà bị hàng xóm kỳ thị, chị Trang xúc động, và muốn “bù đắp”. Có nghề làm bánh, chị nghĩ ngay đến việc làm một mẻ bánh ngọt đến tặng các y bác sĩ. Nhưng, chị không biết cách nào để kết nối, lại chưa thấy ai làm điều này. Chị Trang lên một group liên quan đến COVID-19, đăng đàn hỏi mọi người.

Ngay sau đó, chị được một bạn chủ động nhắn tin, cung cấp số điện thoại Phòng Công tác xã hội của bệnh viện. Sau khi kết nối, được hướng dẫn cách tặng bánh, chị Trang thức cả đêm 20/3 để làm 26 ổ bánh ga-tô phô mai kem và chiffon. Từ bài đăng trên group, chị kết nối được với một bạn muốn gửi tặng 100 chai sữa hạt kèm bánh vào cho các y bác sĩ.

Xong phần quà tặng, đến lúc mang cho, chị Trang lại đứng trước hai lựa chọn. Hoặc, chị gửi một người giao hàng tin cậy mang đến gửi cho bảo vệ như cách mà chị nhân viên Phòng Công tác xã hội hướng dẫn. Hoặc là chị trực tiếp mang đến. Phương án một được khuyến khích hơn, vì nó loại bỏ những sợ sệt thường tình của mọi người khi nghĩ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Nhưng, “cách cho hơn của đem cho” - nghĩ vậy, chị Trang quyết định trực tiếp mang đến bệnh viện.

Kể chuyện này với chồng, chị được anh cùng một người bạn nữa đề nghị được đi cùng đến bệnh viện, vượt gần 20km từ Cầu Giấy sang Đông Anh. Vì đã hẹn trước, chị được bảo vệ bệnh viện hướng dẫn lối vào bên trong. Hẹn nhau ở “sảnh chính bệnh viện”, chị Trang cùng chồng mang bánh và sữa đi qua khoảng sân trống trải của bệnh viện. Sảnh chính cũng để trống. Lúc gặp nhau tại đó, chị giao quà, và nhận lại lời cảm ơn của nhân viên y tế. Kể lại khoảnh khắc này, chị nói: “Cả trăm con người đang tình nguyện ở đó. Mình nghĩ đến họ mà bớt đi nỗi sợ hãi vô hình. Mình chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn, chứ không nên kỳ thị hay né tránh họ. Không có họ ở đó, mình cũng chẳng thể bình yên”.

Người ta có thể vì nỗi sợ hãi mà né tránh những người đang trực tiếp chống dịch. Nhưng, người ta có hàng trăm lý do khác để tìm cách gần gũi, chia sẻ, và tỏa vào những không gian gấp gáp của cuộc chiến đó cái hơi ấm từ những vùng trú ngụ an toàn. Không ai không có trong mình những hơi ấm. Không ai không biết nói những lời động viên, những nhắn nhủ chân tình. Và ai cũng đủ “giàu có” để góp 20.000 đồng, hoặc gửi một chút hơi ấm vào “kho vũ khí chống dịch” của đất nước. Vũ khí của ta không chỉ là tài chính, mà còn là sức người, là nguồn động viên tinh thần luôn sẵn có trong mỗi người dân. Và bằng cách đó, toàn dân đang chống dịch đúng như lời kêu gọi của Thủ tướng. 

“Toàn dân chống dịch”, tức là mỗi người đều tham gia san sẻ khó khăn của cuộc chiến này. Khi không thể ra tuyến đầu, mỗi người ở hậu phương vẫn có thể gián tiếp san sẻ gánh nặng dịch bệnh theo cách của họ. Mà cách cuối cùng là đối xử tốt với nhau… 

________________

Minh Trâm 

Ảnh: Lê Quân, Internet

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: