Lập đơn vị cấp cứu nam khoa chuyên sâu

11/06/2016 - 01:21

PNO - Sáng 28/12, Bệnh viện (BV) Bình Dân ra mắt đơn vị cấp cứu nam khoa. Đây cũng là đơn vị cấp cứu chuyên sâu nam khoa đầu tiên tại TP. HCM.

Vì sao BV Bình Dân phải sớm thành lập đơn vị chưa có tiền lệ này? ThS - BS Mai Bá Tiến Dũng, trưgng khoa Nam học - BV Bình Dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ.

PV: Thưa bác sĩ (BS), thành lập hẳn một đơn vị chuyên cấp cứu cho bệnh nhân (BN) nam khoa là chưa từng có, tại sao Khoa Nam học - BV Bình Dân thực hiện điều này?

ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng: Nếu như năm 2014, số BN nam khoa đến BV Bình Dân để cấp cứu chỉ khoảng 300, thì năm 2015 tăng đột biến lên hơn 900 người. Đặc biệt, diễn tiến bệnh thay đổi nhiều, có chiều hướng trầm trọng hơn.

Cụ thể, các vụ phải cấp cứu do áp-xe vùng bìu hay tinh hoàn đều tăng mạnh (từ 5% trong năm 2014 lên 38% trong năm 2015); các bệnh lý về chấn thương cũng tăng mạnh trong năm 2015 (12%), trong khi đó năm 2014 là không đáng kể.

Các trường hợp bị xoắn tinh hoàn cũng tìm đến BV Bình Dân nhiều hơn; năm nay, trường hợp bị gãy “súng” và phải đến BV Bình Dân cấp cứu khá nhiều, gần 200 trường hợp, trong đó có hơn 100 trường hợp là tự bẻ gãy; các vụ bị cắt dương vật vẫn bằng ở mức năm 2014 (10-12 ca mỗi năm), nhưng nếu được cấp cứu sớm sẽ đạt được thành công cao hơn khi điều trị.

Có thể trong năm 2015, nhiều người đã biết đến Khoa Nam học của BV Bình Dân nên họ tìm đến đây đông hơn, cộng thêm việc họ nhận thức tốt hơn, biết rõ về bệnh của mình nên mạnh dạn đến BV.

Dù thế nào, trong một năm mà có lượng BN tăng đột biến như vậy, Khoa Nam học nhất thiết phải thành lập đơn vị cấp cứu chuyên sâu để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu chữa trị của BN.

Lap don vi cap cuu nam khoa chuyen sau

* Đơn vị cấp cứu Nam khoa sẽ hỗ trợ cho BN thế nào?

- Trước đây, BN nam khoa đến BV phải chờ hội chẩn và phân loại bệnh. Nay có đơn vị cấp cứu chuyên sâu, BN vừa đến BV đã được các BS chuyên khoa tiếp nhận và xử lý ngay.

Với những trường hợp đặc biệt, BN sẽ được hội chẩn sớm với trưởng khoa hoặc cố vấn chuyên môn của BV và tiến hành phẫu thuật luôn. Với những trường hợp “chạy đua với thời gian” như bị cắt đứt dương vật, việc rút ngắn được thời gian chờ đợi sẽ giúp BN có cơ hội hồi phục cao hơn. Với trường hợp thời gian vàng là 6g, nếu sau 6g vẫn chưa được xử lý, khả năng phục hồi thấp dần.

Hiện đơn vị đã lập đường dây nóng (08 62867272), khi xảy ra tai nạn hoặc gặp triệu chứng nặng, người nhà BN có thể gọi điện thoại để được hướng dẫn sơ cấp cứu khi đang trên đường đến BV. Ví dụ, khi bị cắt đứt dương vật, người nhà có thể gọi điện thoại để biết cách bảo quản khoa học cho phần bị cắt. Chúng tôi cử các BS nam khoa trực đường dây 24/24 để sẵn sàng trả lời cho BN.

* Đường dây nóng của đơn vị cấp cứu nam khoa đã phát huy thế nào sau một ngày hoạt động, thưa BS?

- Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã nhận được khá nhiều cuộc gọi. Đáng ngạc nhiên là có những cuộc gọi ở các tỉnh, kể cả tỉnh xa. Có một người ở Thái Bình vừa gọi vào đường dây nóng để hỏi về việc con của mình bị hẹp da quy đầu và viêm nhiễm nặng, nên làm thế nào. Tôi đã tư vấn cặn kẽ qua điện thoại. Dù đường dây nóng được ưu tiên cho những trường hợp cần kíp, nhưng với những câu hỏi nam khoa thông thường, các BS ở đây vẫn trả lời cặn kẽ.

Tôi dự đoán, số người gọi vào đường dây nóng sẽ tăng lên dần, khi ấy chúng tôi sẽ mở thêm nhiều đường dây nóng khác để phục vụ người dân.

* BS kỳ vọng thế nào về đơn vị cấp cứu nam khoa đầu tiên này?

- Tôi rất hy vọng đơn vị cấp cứu này sẽ được… “ế”, bởi những BN nam khoa mà phải cấp cứu là nặng lắm.

Vấn đề đáng nói là rất nhiều trường hợp cấp cứu nam khoa là do BN tự gây ra hoặc người thân gây nên. Ví dụ như chuyện bẻ “súng”, nhiều người nghịch dại, tự bẻ “súng” tạo ra tiếng cắc cắc như bẻ ngón tay và đâm ghiền mà không biết hành động đó rất nguy hiểm. Hay như chuyện các bà vợ nổi cơn ghen, cắt “của quý” của chồng. Khi cắt thì hùng hổ lắm, nhưng khi đưa chồng đến đây cấp cứu lại hoảng loạn và ân hận.

Xét cho cùng, vấn đề nhận thức là quan trọng nhất. Nếu mọi người, đặc biệt là các bà vợ có “máu Hoạn Thư” đều có nhận thức đúng đắn về việc tự sát thương và sát thương “của quý” người khác, sẽ hạn chế được rất nhiều ca cấp cứu nam khoa.

* Xin cảm ơn BS.

Trần Triều (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI