Kinh doanh trong chung cư - cấm cũng bằng không!

18/03/2017 - 08:19

PNO - Theo quy định, căn hộ chung cư không được dùng để kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng tận dụng căn hộ để buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh, làm văn phòng vẫn phổ biến.

Theo quy định, căn hộ chung cư không được dùng để kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng tận dụng căn hộ để buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh, làm văn phòng vẫn phổ biến.

Kinh doanh trong chung cu - cam cung bang khong!
Các điểm kinh doanh tại CC 42 Nguyễn Huệ chiếm dụng nơi công cộng để dán đủ loại quảng cáo

Theo Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, sau ngày 10/6/2016 các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh (KD) tại căn hộ chung cư (CC).

Mới đây UBND TP.HCM vừa có văn bản giao chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với đơn vị liên quan rà soát hoạt động kD, tổng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kD và hộ kD tại căn hộ CC ở TP. 

Trung tâm thương mại trong... chung cư

Tại CC 42 Nguyễn Huệ (Q.1), bất kỳ ai ghé lại cũng có thể nghe bảo vệ hỏi mục đích: chụp ảnh, cà phê, mua sắm hay ăn uống? Do CC nằm ngay mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ, khách ra vào rất đông nên thang máy CC cũng “tận thu”, mỗi lượt đi  phải trả 3.000đ.

Phần tường chung của mỗi tầng CC thay vì dùng để dán thông báo của ban quản trị (BQT) thì đã bị các hộ KD chiếm dụng dán, sơn, vẽ quảng cáo cửa hàng, thậm chí một số quán, công ty như 8 ieltf café, Poke Saigon, Orien Tea, Mêlee… còn treo cả tấm pano lớn ở phần tường chung, giới thiệu chi tiết đồ ăn, nước uống, giá cả; pano này chồng lấn lên pano kia rất xô bồ, nhếch nhác.

Bên trong các căn hộ cũng bị các chủ KD sửa chữa, thay đổi thiết kế theo dạng quán xá để làm ăn. Theo quy định, người cư trú không được phép sửa chữa căn hộ CC, việc phá hỏng cấu trúc khiến CC ngày càng yếu, rất nguy hiểm. Đã vậy, dù đã có luật cấm KD trong CC từ giữa năm 2016 nhưng nhiều hộ KD ở đây chỉ mới hoạt động vài tháng.

“Khách ra vào ồn ào, náo nhiệt đến tận nửa đêm. Thang máy có nhưng tôi thường xuyên phải đi thang bộ vì khách đông quá, chờ đến lượt thì đi bộ còn nhanh hơn. Chúng tôi luôn lo lắng bất an vì sợ cháy nổ, trộm cướp. CC chỉ có một cửa, nếu xảy ra cháy thì đành chịu!” - một cư dân tại CC bức xúc.

CC 158 Pasteur (Q.1) tuy có số hộ KD ít hơn so với những CC khác nhưng lại có hai nhà hàng hoạt động từ sáng đến khuya, khách ra vào còn nhốn nháo hơn. Nhà hàng Secret Garden nằm trên CC được mệnh danh là khu vườn bí mật vì chiếm dụng toàn bộ sân thượng để thiết kế thành quang cảnh một làng quê, thu hút rất đông khách nước ngoài.

Suốt ngày, tiếng động đủ loại từ nhà hàng này dội xuống các tầng dưới như tra tấn, nhưng cư dân đành chịu vì nhà hàng “chiếm” sân thượng một cách… hợp pháp, với bản hợp đồng thuê có nhiều chữ ký của các hộ dân, “đúng quy trình” nên chính quyền địa phương không can thiệp được. Chỗ để xe của CC vốn đã chật hẹp, còn bị các điểm KD chiếm dụng giữ xe cho khách nên càng khó xoay xở, lỡ xảy ra cháy nổ đúng là không biết đường đâu mà chạy. Người dân kiện cáo, cơ quan chức năng địa phương chỉ “đá” qua “đá” lại.

Không ít CC tại TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. CC 42 Tôn Thất Thiệp (Q.1) có vô số cửa hàng: Fastag, The Wallet, Thepaiin, six66 Studio, OutFix, Lookbook, Saigon Swagger, Mamavirus, Blamde play Dirty, Highcut, Hana Spa… Do khách hàng tới lui đông đúc nên hành lang CC luôn nhếch nhác, đầy rác thải. CC 26 Lý Tự Trọng (Q.1) hội tụ đủ các dạng KD như bán tranh nghệ thuật; cà phê, ăn uống, thời trang…

Tại các CC này luôn có “cò” túc trực, ai muốn liên hệ thuê căn hộ để KD sẽ được hướng dẫn tận tình. Thậm chí một “cò” tại CC 42 Nguyễn Huệ còn khẳng định: chị “bao” cho em sửa chữa thoải mái trong CC, nếu không có giấy phép KD thì nói chị, vài giờ là có ngay. Trên các trang web giao dịch, cho thuê nhà đất cũng công khai quảng cáo cho thuê căn hộ CC giá rẻ làm văn phòng, điểm KD…

Cả địa phương lẫn ban quản trị đều bất lực

Tháng 11/2016, Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM đã ra văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp (DN) không được KD tại căn hộ CC và phải nộp hồ sơ thay đổi địa chỉ trụ sở chính, địa điểm hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm KD tại căn hộ CC sang địa điểm khác không phải là căn hộ CC.

Kinh doanh trong chung cu - cam cung bang khong!
CC 42 Tôn Thất Thiệp cũng có hơn 30 điểm kinh doanh

Nếu các DN không thực hiện, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện nơi DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm KD đặt trụ sở để xử lý theo quy định. Thế nhưng, theo BQT CC và các hộ KD thì họ không hề được thông báo hoặc văn bản chính thức nào về việc cấm KD tại CC. Ông Trần Quốc Thắng - thành viên BQT CC 42 Nguyễn Huệ cho biết, hiện CC có hơn 40 hộ KD nên tình hình rất phức tạp.

Dù có lệnh cấm nhưng mọi người vẫn KD ngày càng nhiều hơn trước. Việc di dời hoặc cấm KD tại CC thuộc quyền của cơ quan chức năng nên BQT không can thiệp được. Đã vậy, từ năm 2016 đến nay, CC chưa hề nhận được bất kỳ thông báo nào. “Chúng tôi và các công ty, hộ KD tại đây chỉ nghe phong thanh sẽ không cho KD tại CC. Họ hỏi, tôi cũng chỉ biết trả lời là chưa có thông báo, khi nào có sẽ dán để mọi người xem” - ông Thắng nói.

Ông Lê Xuân Hạnh - Trưởng BQT CC 42 Tôn Thất Thiệp cho biết, tháng 12/2016 đã có một đoàn công tác của quận xuống làm việc với các cửa hàng tại CC, nhưng chỉ có 1-2 điểm nghỉ KD, trong khi cả CC có đến 30 điểm KD. Theo ông Hạnh, để dẹp bỏ tình trạng trên, phải có văn bản chính thức gửi đến từng hộ KD. Không có văn bản chính thức, ông không thể can thiệp vào việc KD của các hộ, chỉ nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh, không gây ồn ào…

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó BQT CC 26 Lý Tự Trọng, trước đây đại diện Sở Xây dựng TP có mời các hộ họp để triển khai việc cấm KD trong CC. Theo đó, nếu hộ nào đang cho thuê, còn hợp đồng (hai-ba năm) thì tiếp tục cho thuê, hết hợp đồng thì không được cho thuê nữa. Chẳng hiểu các chủ hộ phổ biến lại cho người thuê thế nào mà khi chúng tôi hỏi, các chủ KD cứ như “từ trên trời rơi xuống”.

Chị Trần Thị Thanh Tâm - cửa hàng Evie The Label (CC 26 Lý Tự Trong) nói: “Sắp tới mình không được KD trong CC nữa sao? Em đâu có nghe nói gì đâu. Cấm KD là ở CC bên kia, không phải CC này” (!)

Lách luật

Theo Sở Xây dựng TP, việc cấm KD trong căn hộ CC không phải là chuyện “đùng một cái”, mà từ năm 2009 đã có công văn của Bộ Xây dựng quy định không cấp mới đăng ký DN có trụ sở trong CC, trừ khi đặt trụ sở trong phần diện tích KD của CC. Luật Nhà ở năm 2014 có quy định nghiêm cấm sử dụng căn hộ CC vào mục đích không phải để ở, nghĩa là cấm hoàn toàn việc KD.

Hiện nhiều DN vẫn đăng ký căn hộ CC làm trụ sở là do luật không bắt buộc DN phải kê khai địa chỉ hoạt động là CC nên DN đã lách chữ “CC” thành “tòa nhà” hoặc không để chữ “CC” vào  phần đăng ký. Chỉ cần không có chữ CC là Sở KH&ĐT chấp thuận.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, thực tế lách luật vẫn xảy ra do Sở KH&ĐT không thể kiểm soát nổi, nên tình trạng KD tại các căn hộ CC vẫn chưa được xử lý triệt để. Cần có sự phối hợp của Sở KH&ĐT, UBND quận, phường, Sở Xây dựng để xác định chính xác địa điểm KD mà DN tự đăng ký, không thể dễ dãi cấp phép theo bản tự đăng ký.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định xử lý vi phạm này thế nào, cơ quan nào xử lý; chỉ mới thấy văn bản yêu cầu các DN phải di dời điểm KD ra khỏi CC của Sở KH&ĐT. Mặt khác, nếu các điểm KD không phải là DN mà là cá nhân thì ai quản, ai xử? “Để sớm giải quyết tình trạng sử dụng căn hộ CC làm nơi KD phải ngăn chặn ngay từ khi cấp giấy phép đăng ký KD.

Sở KH&ĐT phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại những địa chỉ KD do DN đăng ký xem có phải là CC không. Việc cấp phép có thể chậm nhưng đảm bảo ngăn chặn được từ đầu để tránh rắc rối pháp lý sau này. Đồng thời, phải có văn bản xử lý vi phạm việc KD trong CC, xử lý việc cấp phép sai quy định đối với hành vi này” - luật sư Nghĩa kiến nghị.

 Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI