Khai mạc hội nghị bộ trưởng giáo dục Đông Nam Á lần thứ 47

20/03/2013 - 16:22

PNO - PNO - Sáng 20/3, tại Hà Nội, lễ khai mạc hội nghị lần thứ 47 Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEC) đã được tổ chức.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu là bộ trưởng 11 nước trong khu vực, 8 nước thành viên liên kết, 3 tổ chức liên kết đã tham dự hội nghị.

Trong bài phát biểu chào mừng hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh sự hợp tác khu vực trong giáo dục. Các nghị quyết của hội đồng SEAMEO (tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á) được thảo luận và thông qua mỗi kỳ hội nghị sẽ giúp cho SEAMEO và các nước thành viên giải quyết các vấn đề có tính khu vực và của từng nước thành viên trong việc đổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phát triển nguồn nhân lực.

Hội nghị SEAMEC lần thứ 46 năm 2012 đã thông qua chiến lược phát triển 10 của SEAMEO (2011- 2020) với 18 dự án nhằm đưa SEAMEO phát triển lên một tầm cao mới. SEAMEC 47 tại Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua các quyết sách, giải pháp thực hiện chiến lược này. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết SEAMEC 47 chọn chủ đề của diễn đàn chính sách với nội dung học tập suốt đời, chính sách và triển vọng. Cũng tại SEAMEC 47 năm nay sẽ chứng kiến sự ra đời của trung tâm thứ 20 của SEAMEO là trung tâm về học tập suốt đời SEAMEO CELLL đặt tại TP.HCM và sự khởi động của dự án diễn đàn SEAMEO do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ. Đồng thời, SEAMEO cũng kết nạp thành viên liên kết thứ 8 của mình là vương quốc Anh.

Phát biểu khai mạc SEAMEC 47, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định giáo dục và đào tạo có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức phát triển ngày một sâu rộng như ngày nay. Chủ tịch nước cũng tóm tắt những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong giáo dục đó là hệ thống giáo dục quốc dân đươc hoàn thiện hơn; quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là bậc đại học và đào tạo nghề; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên một cách rõ rệt; công bằng xã hội và bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục có những bước tiến đáng khích lệ. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành trước hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến tháng 12/2010 Việt Nam đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng các quốc gia thành viên hoàn thành các chương trình, nội dung hợp tác đã thống nhất vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Vĩnh Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI