Huyền Như lừa được là do VietinBank quản lý lỏng lẻo

13/01/2014 - 19:49

PNO - PNO - Các luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền Như đề nghị tòa không buộc Huyền Như bồi thường vì các đơn vị, cá nhân chỉ yêu cầu VietinBank bồi thường

edf40wrjww2tblPage:Content

 Chiều 13/1, phiên tòa xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

4 vị luật sư có lời bào chữa gồm Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Nguyễn Văn Ngoan bảo vệ quyền lợi cho Huyền Như; Phan Trung Hoài bảo vệ quyền lợi cho Võ Anh Tuấn và Phạm Thị Tuyết Anh; Trương Thị Hòa bào chữa cho Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung.

Phần lớn trong bài bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư cho rằng VietinBank quá lỏng lẻo trong quản lý, đề nghị tòa không xem xét buộc Huyền Như bồi thường vì các công ty, ngân hàng chỉ đòi tiền VietinBank, không đòi Huyền Như.

Huyen Nhu lua duoc la do VietinBank quan ly long leo

Bị cáo Như trong phiên xử chiều 13/1.

Luật sư Nguyễn Văn Ngoan xin HĐXX xem xét đến hoàn cảnh gia đình Như có công cách mạng, Như là bà mẹ đơn thân, hiện giờ mẹ của Như phải cưu mang mấy đứa con của bị cáo Hạnh (là chị gái và cũng là đồng phạm với Như) và tương lai sẽ cưu mang thêm đứa con của Như.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng để cấu thành hành vi phạm tội gồm rất nhiều yếu tố. Trong đó khâu kiểm soát tín dụng, quản lý cán bộ của ngân hàng VietinBank quá lỏng lẻo bởi bị cáo đã thực hiện hàng loạt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, chữ ký của khách hàng mà không hề bị VietinBank phát hiện.

Thậm chí việc đưa chứng từ giả, hợp đồng giả đến ngân hàng để rút tiền cũng không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Bởi vậy cần phải xem xét lại việc hoạt động của hệ thống ngân hàng VietinBank và các chi nhánh.

Luật sư Thi cũng cho rằng 15 nguyên đơn dân sự, bị hại đã bị chiếm đoạt tiền cũng đã tin tưởng Huyền Như và quá chủ quan trong việc không xem xét, kiểm tra các hợp đồng nên đã ký các hợp đồng giả. Theo luật sư Thi thì chỉ cần một cuộc điện thoại, các đơn vị này có thể kiểm tra được độ chính xác các hợp đồng này. Đồng thời luật sư Thi cũng khẳng định các đơn vị, cá nhân biết rõ việc nhận tiền cao hơn mức lãi suất áp dụng tại ngân hàng là sai nhưng vẫn chấp nhận ký với Huyền Như.

Vào buổi sáng, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, bào chữa cho Huyền Như, cũng cho rằng các cá nhân, đơn vị đã bị Huyền Như lừa đảo cũng có một phần lỗi khi ham lãi suất cao nên bị Huyền Như lừa.

Luật sư Thi cũng kiến nghị HĐXX rằng trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, cáo trạng đều xác định 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân đã bị Huyền Như chiếm đoạt tiền, nhưng tại phiên tòa này đại diện của 15 nguyên đơn dân sự, bị hại và cá nhân đều không yêu cầu Huyền Như trả lại tiền, bởi họ cho rằng VietinBank mới là đơn vị phải trả tiền.

“Trách nhiệm dân sự rất quan trọng để đánh giá hậu quả. Tuy nhiên, 15 đơn vị, cá nhân không yêu cầu Huyền Như bồi thường. Như vậy quyền lợi của các đơn vị, cá nhân này đã được xác lập và khẳng định nhiều lần tại phiên tòa. Đề nghị HĐXX ghi nhận suốt quá trình thẩm vấn và tranh tụng, nếu những yêu cầu này vẫn được giữ nguyên thì không xem xét trách nhiệm dân sự với Huyền Như” - luật sư Thi nói.

Bắt đầu bài bào chữa của mình cho Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Tuấn được coi là đồng phạm giúp sức cho Như, nhưng lại bị đề nghị mức án tương đương với Như, là chưa hợp lý. Luật sư này dẫn giải hàng loạt hành vi để chứng minh dấu ấn phạm tội của Tuấn bên cạnh Như rất mờ nhạt.

Ngày mai, phiên toà sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

Phan Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI