Hướng dẫn mới về tố tụng dân sự

02/07/2013 - 07:33

PNO - PN - Ngày 3/12/2012 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013. Nhân dịp này báo...

Thẩm quyền giải quyết ly hôn:

Trong vụ án về ly hôn, về nguyên tắc nguyên đơn phải nộp đơn tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, kể cả có tranh chấp về bất động sản tọa lạc tại nhiều địa phương khác nhau. Nơi cư trú, làm việc được xác định tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy, đối với trường hợp đơn phương ly hôn, chỉ cần tại thời điểm nộp đơn kiện, bị đơn có nơi cư trú, làm việc nhưng sau đó họ cố tình vắng mặt, đi khỏi nơi cư trú không để lại địa chỉ thì tòa án vẫn có thể giải quyết theo thủ tục chung.

Trong trường hợp nếu không biết nơi bị đơn cư trú, làm việc thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

Trường hợp không biết được địa chỉ cư trú, làm việc hiện tại (kể cả nơi cư trú, làm việc cuối cùng) của bị đơn, thì nguyên đơn phải tiến hành thủ tục yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Sau đó sẽ làm đơn ly hôn vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Huong dan moi ve to tung dan su

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quyết định của tòa án trong một số trường hợp cụ thể:

Trường hợp đơn phương ly hôn, nếu sau khi tòa án thụ lý vụ án và trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, thì tòa án phải lập biên bản về sự thỏa thuận đó và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trường hợp các bên yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, nhưng sau khi tòa án thụ lý và trong quá trình giải quyết việc dân sự các bên có sự thay đổi về thỏa thuận, thì cần phân biệt như sau:

- Nếu các bên thay đổi thỏa thuận (một phần hoặc toàn bộ) bằng một thỏa thuận mới thì tòa án tiếp tục giải quyết việc dân sự theo thủ tục chung.

- Nếu một hoặc các bên thay đổi thỏa thuận (một phần hoặc toàn bộ), nhưng không thỏa thuận được về vấn đề đã được thỏa thuận trước đó và có tranh chấp, thì được coi như đương sự rút đơn yêu cầu. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Ví dụ: Tại đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, các bên thỏa thuận: về con, có một con chung và người vợ được nuôi con; về tài sản chung, có một căn nhà và một thửa đất, người vợ nhận căn nhà còn người chồng nhận thửa đất. Trong quá trình tòa án giải quyết các bên có sự thay đổi về tài sản: người chồng lấy căn nhà, người vợ lấy thửa đất, thì tòa án vẫn tiếp tục giải quyết và công nhận theo yêu cầu của các bên.

Tuy nhiên, nếu các bên đã đồng ý thay đổi về phần tài sản, nhưng về con chung người chồng lại xin nuôi, trong khi người vợ không đồng ý, tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự và hướng dẫn cho đương sự, nếu họ vẫn có yêu cầu tòa án giải quyết, thì phải khởi kiện vụ án dân sự theo thủ tục chung (dạng một bên đơn phương xin ly hôn).

Về năng lực hành vi tố tụng dân sự (NLHVTTDS) của vợ/ chồng:

Theo quy định điều 57 của BLTTDS thì: “Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ NLHVTTDS, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy người chưa đủ 18 tuổi vẫn có thể có đầy đủ NLHVTTDS hoặc ngược lại người từ đủ 18 tuổi trở lên vẫn có thể không có đầy đủ NLHVTTDS, nếu như pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp người chưa đủ 18 tuổi nhưng có đầy đủ NLHVTTDS: Theo điều 9 của Luật HN&GĐ, thì nữ từ 18 tuổi trở lên (tức chỉ cần 17 tuổi một ngày) là được kết hôn, không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn; do đó, khi có yêu cầu tòa án giải quyết các vụ việc về HN&GĐ thì họ có quyền tự mình tham gia tố tụng dân sự.

- Trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không có đầy đủ NLHVTTDS: Theo điều 41 của Luật HN&GĐ thì cha, mẹ có thể bị tòa án ra quyết định không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật của con; do đó, trong thời hạn bị tòa án cấm làm người đại diện theo pháp luật của con, thì cha mẹ không được tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho con trong vụ việc dân sự.

Như vậy, hướng dẫn trên đã phần nào khắc phục được tình trạng bất cập, đó là người phụ nữ đủ tuổi kết hôn hợp pháp, nhưng lại không đủ NLHVTTDS để tự mình tham gia trong các vụ việc về HN&GĐ.

 Luật sư HUỲNH MINH VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI