Vợ vay tiền, chồng không hề biết, bỗng dưng bị đòi nợ

27/08/2019 - 11:30

PNO - Nợ vợ mượn mình không biết, không ký nhận, không tiêu xài, sao tòa án xác định “nợ vay phục vụ nhu cầu thiết yêu gia đình”, buộc mình phải liên đới trả vậy trời?”.

Mấy ngày nay, anh Hoàng ngồi tựa cửa lẩm bẩm: “Mình cưới vợ có con thì là con chung, tiền cất nhà - công sức hai vợ chồng đúng là tiền chung, nhưng nợ vợ mượn mình không biết, không ký nhận, không tiêu xài, sao tòa án xác định “nợ vay phục vụ nhu cầu thiết yêu gia đình”, buộc mình phải liên đới trả vậy trời?”.

Mười bảy năm trước, anh Hoàng và chị Hồng đến với nhau bằng mối tình đầu chân thành, giản dị nhưng đầy trắc trở bởi sự ngăn cấm của hai gia đình vì tin theo lời gã thầy bói miệt vườn: “Tuổi Hợi cưới vợ tuổi Dần thuộc tứ hành xung: dần - thân - tỵ - hợi là đại kỵ, cưới nhau là thảm họa. Với tình yêu chân thành, hai người đã vượt qua cấm kỵ để đến với nhau. Hạnh phúc nhân đôi khi cu Bin cầm tinh con khỉ ra đời. Anh Hoàng vẫn hay đùa: “Nhà mình tam kỵ Hợi - Dần - Thân trùm tứ hành xung”. 

Vợ chồng chí thú làm ăn, chị Hồng chung thủy, đảm đang nhưng không khéo léo trong quản lý tài chính, lại nặng lòng với chị em ruột, cho mượn tiền theo cảm tính trong khi gia đình mình chỉ đủ ăn. Bất hạnh xảy ra vào mười năm trước, trong lần đi phụ đám ma, anh Hoàng bị ngã, xuất huyết não phải cấp cứu trong tình trạng “chín phần chết, một phần sống”. “Thần chết” đã từ chối anh, nhưng bắt anh bị liệt nửa người và mất gần ba năm để phục hồi trí nhớ. Anh trở thành gánh nặng của gia đình, còn chị Hồng là lao động chính. 

Vo vay tien, chong khong he biet, bong dung bi doi no
Ảnh minh họa

Tuy bị tai biến, bệnh tật, nhưng anh Hoàng may mắn được anh em ruột chu cấp ba triệu đồng hằng tháng để thuốc thang. Tiền huê lợi năm công vườn đủ để vợ chồng chi tiêu. Còn thằng Bin thì được vợ chồng bác ruột đem về thị trấn nuôi dưỡng, cho ăn học.

Phần chị Hồng vừa làm vườn, nội trợ, vừa chơi hụi phát triển kinh tế gia đình. Nhưng chị không biết tính toán nên nợ nần ngày càng phát sinh. Cho đến ngày anh Hoàng nhận được tống đạt tòa án mời làm việc, vì chị Hồng bị chị Lan xóm trên kiện ra tòa, đòi phải trả 600 triệu tiền hụi hè. Anh Hoàng lăn tay ký nhận biên bản của tòa, nhưng không buồn quan tâm sự việc với suy nghĩ rất đơn giản: mình đâu có ký mượn nợ, đâu xài tiền hụi của vợ, còn năm công đất vườn vợ chồng đang canh tác là tài sản trước hôn nhân, lo gì...

Nhưng không như anh Hoàng nghĩ, do nhận được văn bản triệu tập của tòa mà anh không có ý kiến, không tham dự nên tòa xử vắng mặt. Tòa án nhận định trong bản án: do chị Hồng thừa nhận có khoản vay 600 triệu đồng, một phần tiền vay “đáp ứng nhu cầu thiết yếu gia đình”, nên tòa buộc anh có trách nhiệm liên đới trả nợ cho chị Lan. Giờ đổ bể thì sự việc đã đến cơ quan thi hành án, họ đề nghị anh có trách nhiệm trả nợ, nếu không sẽ kê biên, phát mãi tài sản. Anh Hoàng đang rối, tự hỏi lòng: “Thế nào là nhu cầu thiết yếu”, và “liên đới trả nợ là trả bao nhiêu?”. 

Vo vay tien, chong khong he biet, bong dung bi doi no
Hình minh họa

Buộc “đối tác” trả phụ nợ không dễ

Tình huống của anh Hoàng, tòa án không xác định và thật sự cũng rất khó xác định mức liên đới trả nợ cho vợ của anh Hoàng là bao nhiêu, nhưng nếu áp dụng theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 2, điều 3) là “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”, thì anh Hoàng có thể thương lượng với chị Lan về phần nợ “phụ vợ” nếu muốn chia sẻ và có thiện chí. Mặt khác, theo quy định tại khoản 20, điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. 

Tương tự tình huống trên, trong một vụ án khác (người chồng tự ý vay 819 triệu đồng, người vợ - bà H. - bị buộc liên đới trả nợ) tại kỳ họp tháng 4/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (HĐTP TAND) tối cao đã có ý kiến rút kinh nghiệm về việc tránh nhầm lẫn quy định về nghĩa vụ riêng, nghĩa vụ chung với xác định tài sản chung và vấn đề “nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Theo đó, HĐTP TAND tối cao đã hủy một quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, bản án phúc thẩm và giao cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Bến Tre) xử lại theo hướng xác định bà H. không ký vay tiền, không có trách nhiệm liên đới trả khoản tiền 819 triệu đồng nêu trên nếu không có căn cứ gì mới, kèm một số nhận định sau:

Đây là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật, tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung (khoản 1, điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung, (nếu vợ hoặc chồng tự ý vay tiền), đây không thuộc trường hợp “nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.

Các đương sự đều thừa nhận bà H. không tham gia ký kết hợp đồng vay tiền. Nguyên đơn cho rằng, bà H. biết việc vay tiền nên yêu cầu bà H. liên đới trả nợ thì nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh bà H. biết và đồng tình để chồng vay tiền. Tòa án cấp sơ thẩm lại đòi hỏi bà H. phải chứng minh việc mình không tham gia, không biết là không đúng với quy định về nghĩa vụ chứng minh và những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh quy định tại các điều 91, 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Như vậy, thông qua các nội dung tại cuộc họp tháng 4/2019 của HĐTP TAND tối cao sẽ là bài học kinh nghiệm cho ngành tòa án nước ta và các thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết các vụ án vay tiền của vợ hoặc chồng có tình huống như trên. Riêng giới luật sư cũng có thêm “bửu bối” trang bị cho mình trong quá trình hành nghề, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Cuối cùng, tôi cho rằng đời sống vợ chồng rất cần sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, nhưng không có nghĩa là phó mặc hoàn toàn cho “đối tác” quyết định toàn bộ vấn đề tài chính, đặc biệt là vay tiền người khác và khi phát sinh hậu quả thì phát biểu: “Tôi không biết, không có trách nhiệm”. Điều này chưa chắc đúng bởi nếu khoản vay nhỏ, có phục vụ cho chi tiêu gia đình thật sự, thì “đối tác” không ký vay tiền vẫn có thể bị truy trách nhiệm liên đới trả nợ. Ở góc nhìn ngược lại, nếu vợ/chồng có suy nghĩ ỷ lại, âm thầm vay tiền người khác với hy vọng đặt “đối tác” vào sự đã rồi để mong chia sẻ nghĩa vụ trả nợ, thì cũng nên cân nhắc, bởi buộc người phối ngẫu phải chịu trách nhiệm với hành vi không đúng của mình, đó chính là thái độ không tôn trọng, pháp lý chưa chắc đã thắng, có khi dẫn đến ly hôn.

Thạc sĩ - luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Hoàng Sâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI