Vợ mang tài sản đi chơi chứng khoán, chồng bó tay

23/06/2019 - 06:00

PNO - Vợ tôi đã lấy một phần tiền gửi ngân hàng để đi mua chứng khoán. Điều này là không thể chấp nhận được. Tôi có thể yêu cầu công ty chứng khoán hủy giao dịch này được không?

Sau khi kết hôn, bố mẹ tôi cho vợ chồng tôi một căn nhà để sinh sống. Ở được vài năm thì khu nhà tôi lên giá nên chúng tôi quyết định bán nhà này, mua một căn nhỏ hơn ở nơi khác. Số tiền dư ra, chúng tôi đem gửi ngân hàng và vợ đứng tên nhằm chi tiêu cho việc ăn học của các con.

Tuy nhiên, tôi vừa mới biết vợ đã lấy một phần tiền trong ngân hàng để đi chơi chứng khoán. Tôi nghĩ số tiền ấy là tài sản chung của vợ chồng và tôi phải đồng ý thì cô ấy mới được dùng, nhưng tôi không hề biết gì.

Cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi có thể yêu cầu công ty chứng khoán hủy giao dịch giữa họ và vợ tôi hay không?

Nguyễn Văn Lộc (Đà Nẵng)

Vo mang tai san di choi chung khoan, chong bo tay
Ảnh minh họa

Xin chào anh, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Tôi xin được tư vấn cho trường hợp này như sau:

Luật Hôn nhân và Gia đình tại điều 32 khoản 1 có quy định: “Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.” Điều này được hiểu là vợ hoặc chồng được xem là có quyền xác lập giao dịch chứng khoán với bên thứ ba nếu bên thứ ba ngay tình.

Điều 8 nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hôn nhân và Gia đình: “Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.” 

Vo mang tai san di choi chung khoan, chong bo tay
Ảnh minh họa

Như vậy, trong trường hợp của anh, bên thứ ba giao dịch với vợ anh được xem là người thứ ba ngay tình vì không rơi vào hai trường hợp nêu trên. Vì thế, vợ anh được xem là có quyền thực hiện giao dịch mua chứng khoán trên và anh không thể yêu cầu hủy giao dịch này.

Luật sư Trần Đăng Sĩ

(Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI