Về thôi em, năm đã hết rồi

30/12/2017 - 06:00

PNO - Chị nói với tôi vậy, từ nửa vòng trái đất - "Về chứ! Người Việt mình ra đi là cũng để cho ngày trở về. Và làm mọi thứ, chạy đua với thời gian, cũng cho ngày về".

1. Một người bạn Mỹ của chị nói với tôi về chị bằng một từ "hard-working" (chăm chỉ), cùng một câu - tạm dịch là: “Trên đầu cô ấy chỉ có tóc, những đứa con và công việc”. Đôi khi rảnh rang chat qua Facebook, tôi đùa chị bằng câu hỏi: "bạn dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì?", chị trả lời: "Để người Mỹ nhìn người Việt Nam bằng ánh mắt đẹp".

Ve thoi em, nam da het roi
Gia đình chị Ngọc Nhi

Câu nói khá thẳng nhưng đầy ẩn ý chính là nguyên nhân cho nhu cầu tiêu xài tuổi trẻ của chị. Qua nước ngoài với diện con lai, để lại quê một ký ức buồn bữa no bữa đói, đâu đó những lời nặng nhẹ của người thân, những lời bỉ bôi của người đời - lẽ ra, đó là miền quá khứ chị nên quên nhiều hơn nhớ. "Trong bất cứ góc tối nào cũng có một tình yêu thương đẹp cho ta hướng tới" - chị nhắc về dì ruột, người đã thay mẹ tặng chị ý nghĩa nhỏ nhoi còn sót lại của tuổi thơ - "chị về, với dì".

Một mình gầy dựng sự nghiệp nơi xứ người từ hai bàn tay trắng, chị - doanh nhân ngành mỹ phẩm ở Mỹ, Chung Ngọc Nhi, đã lao động nặng nhọc để mưu sinh trong quãng đời tuổi trẻ. Làm ở đâu thì học ở đó. Học cách người ta bán một sản phẩm. Học cách người ta phân phối một sản phẩm. Rồi dần dần học cách người ta kinh doanh một sản phẩm. Ngày tung những đồng tiền tiết kiệm của mình để kinh doanh riêng, là lúc chị học được kha khá ở những vị trí công việc đã kinh qua, từ thấp đến cao.

Chị nhắc về sự siêng năng của mình bằng... nước mắt: "Tôi có lỗi với con gái mình, Jennifer Chung. Thay vì được tung tăng như bao đứa trẻ xứ Mỹ, cả tuổi thơ, thậm chí là tuổi trẻ của con chỉ là đến trường, về nhà chăm em, dạy em thay mẹ". Với chị Nhi, Jenn là món quà lớn nhất, cho chị nhiều điều ý nghĩa nhất và cũng là món nợ lớn nhất đời chị, để chị được "hard-working" cả thanh xuân là vậy.

Jenn giản dị và rất đẹp. Là hoa hậu người Việt tại Mỹ, hoa hậu "đàng hoàng" chứ không phải hoa hậu nhốn nháo như giờ - được thị trưởng chúc mừng khi mới đăng quang bằng rước xe trên phố. Jenn không chọn showbiz để đặt chân, mà kinh doanh theo ngành đã học, về Việt Nam mở công ty mỹ phẩm. 

"Mẹ hay nhắc về Việt Nam bằng những suy nghĩ đẹp. Sau khi tìm hiểu, em thấy Việt Nam là một thị trường lớn và cũng đã đến lúc đưa ra quyết định", Jenn nói trong ngày chính thức kinh doanh ở Việt Nam. Chị Nhi muốn Jenn trải nghiệm thực tế theo cách con muốn, vượt qua mọi khó khăn để thành công, chứ không xưng tụng mình là hoa hậu này, người đẹp nọ.

Cứ thế, hai mẹ con cùng nhau trên con đường chạy đua với công việc. Năm nay, chị Nhi sẽ về Việt Nam sớm. "Về với quê, với dì và với Jenn. Cuộc sống của chúng ta chỉ ý nghĩa khi luôn có những người chờ ở nơi mình được sinh ra. Về thôi em, năm đã hết rồi", chị nói.

2. Một ngày tôi thấy bạn đưa hai bức hình lên Facebook, hai nhân vật, mặc cùng một cái áo len với câu caption: "Tấm áo ấy, bấy lâu nay con thường vẫn mặc". Chiếc áo len bố bạn thường mặc suốt những mùa đông xứ Bắc, để rồi khi người bố về bên kia thế giới, bạn mang theo chiếc áo, rong ruổi trên những chặng đường của một công dân thế giới.

Bạn là Nguyễn Thành Vinh, á quân đường lên đỉnh Olympia, là người chọn ra đi, không chọn trở về của một thời các cuộc tranh luận nổi sóng trên mạng rằng nhân tài ra đi hay trở về cách đây ít năm.

Trong các quán quân và á quân của cuộc thi này, Vinh là gương mặt khá thành công trên đường đời. Từng đảm nhận nhiều vị trí công việc tốt ở nhiều quốc gia, giờ Vinh định cư ở Úc cùng vợ và hai con. Ra đi là lựa chọn nơi lập nghiệp của Vinh, nhưng vài năm, Vinh lại về ăn tết cùng gia đình.

Ve thoi em, nam da het roi
Gia đình anh Nguyễn Thành Vinh

"Sắp xếp thì vẫn được. Việc làm cả đời, cha mẹ thì chỉ một, không về thì lương tâm nào đành", Vinh nói. Khi còn là sinh viên ở Úc, cộng đồng Olympia của Vinh cứ đến tết Việt là tụ tập nhau nấu bánh chưng, làm các món ăn Việt, chờ đến thời điểm quan trọng cùng nhau gọi điện về nhà, nếu năm nào không về được. 

"Giờ có vợ con, con sống ở một nền văn hóa khác, những chuyến trở về cũng là để nhắc con sống có nguồn có cội, ý thức được văn hóa nguồn cội, để nói với bạn bè quốc tế rằng, người gốc Việt tự hào ở những điểm nào", Vinh đưa thêm lý do để giải thích cho sự về của mình.

3. Giáng sinh, nó gọi điện trước: "Chú đang ở đâu, con mang quà Giáng sinh qua. Lát con lại lên sân khấu luôn". Tiếc, hôm đó tôi đang ở Hà Nội, hẹn qua Giáng sinh cũng được. Về Sài Gòn, tôi lại nhận tin nhắn: "Con nấu cơm rồi, toàn món Nghệ. Chú qua ăn trưa nhé". Lại tiếc, tôi họp đột xuất với một khách hàng quan trọng để chốt hợp đồng.

Trước khi bay tới Đà Nẵng vào chuyến khuya, trợ lý của nó gọi tôi để mang quà đến. "Tràm đang trong show cuối năm, không đến được. Bạn ấy buồn vì không gặp được chú". Một chai nước hoa, loại tôi thích. Tôi thường nói về mùi nước hoa này, và không gian tôi sử dụng nó, là mùa đông xứ Bắc.

Ve thoi em, nam da het roi
Ca sĩ Hương Tràm

Tràm là ca sĩ Hương Tràm. Cháu tôi.

Tràm thuộc 9X "đời sau", thế hệ khiến nhiều phụ huynh lo ngại về lối sống nổi loạn, ít ý thức những giá trị truyền thống, thích học đòi Tây và sống hưởng thụ. Không vơ đũa cả nắm được, nhưng có vẻ như người ta đang định kiến về thế hệ này.

Một phần cũng do những thông tin từ báo chí, rằng 9X thế nọ, 9X thế kia. Tràm một thời bị nhìn nhận như thế, nhất là thời điểm sau khi giành quán quân The Voice. Nào áo hở nào phát ngôn này nọ, cùng thời điểm là những hình ảnh không mấy đẹp của Hoa hậu Kỳ Duyên.

Duyên hay Tràm, các cháu đều có những sai lầm tuổi trẻ. Tôi im lặng vì biết cháu mình dẫu cứng đầu nhưng biết nghe đúng thời điểm, thích trải qua để lớn hơn là mọi thứ chỉ biết rút kinh nghiệm từ người khác. Khi mọi thứ đã yên ắng, tôi chỉ hỏi, giờ cháu cảm thấy thế nào. "Cháu ổn rồi. Chú cứ tin cháu là đứa có gốc có rễ".

17 tuổi, đứng trước bao thị phi khi bước chân vào showbiz. 19 tuổi, mua nhà sắm xe. 20 tuổi, ý thức rằng đừng chạy theo đồ hiệu, khoe túi khoe giày, thích gì cứ mua nhưng mua vừa đủ để tiết kiệm cho cuộc sống về sau. Và đến một tuổi nào đó thì dừng lại, ấm êm một gia đình. Đó là Tràm của tôi bao năm qua và bây giờ đang nghĩ thế.

Cuối năm, những ca sĩ "hot" của thị trường gần như không còn hơi mà thở. Mỗi năm chỉ vài mùa thế thôi, cháu tất bật vậy bao năm qua rồi. "Đến 28 tết, cháu không nhận show xa. Với cháu, tết là ngày mình trở về cảm ơn tổ tiên, sống với gia đình được trọn vẹn". Quả thật, từ ngày cháu còn nông nổi, cũng đã nghĩ về cái tết như thế. Tuổi trẻ muôn màu, nhưng ai cũng ý thức mình có gốc có rễ để mà phát triển.

Ba nhân vật tôi vừa nhắc trên, không đại diện cho ai. Họ như bao người bình thường khác trong thế giới này. Họ là những người Việt, với suy nghĩ của người Việt, với tâm hồn người Việt dù khúc xạ qua các thế hệ khác nhau, tính cách khác nhau và cuộc đời khác nhau.

Họ đang tất bật những hành trình cuối năm cho sự trở về.

Ve thoi em, nam da het roi

Khi viết những dòng này tôi sực nhớ, có hai người Việt ở Mỹ đang muốn tôi thiết kế cho nhà bố mẹ họ một cái vườn thiền ở Sài Gòn. Yêu cầu phải có tượng Quan thế âm, có hồ sen trắng vì bố mẹ họ theo đạo Phật, đã dạy họ sống biết cho cuộc đời từ hình tượng Quan thế âm. Họ cần khu vườn đó như món quà bất ngờ tặng cho ba mẹ, trước khi họ về ăn tết cùng ông bà tới đây. Mấy gia đình nữa cũng cần một khu vườn để gia đình họ đón tết, yêu cầu: có câu chuyện hay để kể với con.

Vâng, lại vẫn là chữ Nhà, vào cuối năm. Thân thương lắm, giá trị lắm để nhắc những người Việt ý nghĩa của nếp nhà. Tâm hồn người Việt dành cho Nhà phần lớn. Nơi ấy có Mẹ, có ký ức.

Vậy thì "về thôi em ơi, năm đã hết rồi".

 Hoàng Nguyên Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI