Tưởng con lớn cha mẹ sẽ đỡ lo

26/02/2019 - 11:54

PNO - Những ngày tháng “ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà” kia đối với chị không đáng sợ bằng lúc này, khi con gái đã trắng da dài tóc.

Đứa con gái của vợ chồng chị năm nay lên lớp Tám. Con giống cha, cao ráo, trắng trẻo, ai cũng khen xinh. Nhìn bé Hà bây giờ, không ai biết chị đã từng vất vả như thế nào để nuôi con khôn lớn.

Chị sinh Hà ở tháng thứ bảy, khi con vừa được 1,3kg. Từ khi sinh ra, Hà mắc đủ thứ bệnh, toàn là bệnh dai dẳng. Nhà có bao nhiêu của cải đều bay hết. Vợ chồng chẳng dám có thêm đứa thứ hai, sợ không lo nổi.

Vậy mà những ngày tháng “ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà” kia đối với chị không đáng sợ bằng lúc này, khi con gái đã trắng da dài tóc. Con dậy thì, bắt đầu quan tâm bạn khác giới. Vợ chồng chị sợ không quản được con nên chưa vội cho Hà xài điện thoại, máy vi tính cũng không kết nối internet.

Cứ ngỡ như thế là an toàn. Ai ngờ, một hôm dọn dẹp bộ nhớ điện thoại, chồng chị nổi cáu khi thấy những tin nhắn quái lạ của vợ với gã trai tơ nào đó. Anh tra hỏi, chị đọc rồi ngớ ra. Con gái thỉnh thoảng mượn máy chơi game. Ai ngờ con bé lại lén nhắn tin tán dóc với đứa bạn trai ở lớp học thêm. Hai đứa nhận là người yêu của nhau. Đứa bạn trai còn đề nghị Hà... chụp hình khỏa thân gửi cho nó ngắm. Thật hết nói nổi.

Tuong con lon cha me se do lo
Ảnh minh hoạ

Vợ chồng chị suy đoán, hai đứa nhỏ đã dùng điện thoại liên lạc từ lâu. Con gái xóa hết chứng cớ, lần này vô tình bỏ quên nên mới bị phát hiện. May mà nó bỏ sót, không thì chẳng biết bao giờ vợ chồng chị mới rõ chuyện động trời này.

“Cho nó nghỉ học thêm. Nếu nó hỏi lý do thì nói rõ hết, không úp mở gì cả”. Anh quyết định dứt khoát.

Chị không thẳng tính như chồng. Mấy đêm liền, chị ôm con gái vào lòng, thủ thỉ khuyên bảo. Đến lúc chị nhắc chuyện tin nhắn trong điện thoại, con bé vùng khỏi vòng tay mẹ: “Con lớn rồi. Chuyện đó không ảnh hưởng học hành. Con vẫn được học sinh giỏi, mẹ không thấy sao?”.

“Đúng là năm ngoái con vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng nhờ điểm số học kỳ I gánh phụ. Gần đây, con lo mộng mơ, lơ là chuyện học. Điểm của con càng về sau càng tuột dốc thấy rõ. Mẹ sợ năm nay con học không nổi...”. Chị nói chưa dứt, đứa con gái bịt kín hai tai “mẹ im đi”.

Con bé bước ra ngồi ở bậc cửa và khóc. Chị cũng khóc. Lần đầu tiên, con gái hỗn với mẹ. 

Bữa cơm tối, mẹ năn nỉ mãi con gái mới ngồi vào bàn ăn. Con đã biết lỗi, hứa với mẹ sẽ giữ tình cảm ở mức bạn bè, không nhắn tin riêng nữa. Chị cũng đồng ý cho con tiếp tục đến lớp học thêm nhưng anh không chịu, “ba sẽ tìm cho con chỗ học khác”. Con gái nghẹn ngào, cơm chan nước mắt.

Sáng hôm sau, hai đứa bạn gái của Hà ghé nhà chờ nhau đến lớp như mọi khi. Ba đứa to nhỏ với nhau rất lâu. Bỗng một đứa đột ngột nói lớn, đủ cho chị nghe thấy: “Cha mẹ bạn lạm quyền. Bạn nên đấu tranh giành lẽ phải, không được thua. Tại sao lại cấm con đi học thêm? Bạn đi học bằng tiền của bạn mà”.

Chị nghe mà tức ứa gan. Con bé ấy đang là khách trong nhà, sao lại hỗn như thế. Nó dám khích con gái chị chuyện hơn thua với cha mẹ. Con chơi với bạn như thế này nên gần đây tính tình thay đổi là phải. 

Chị chưa biết xử lý ra sao thì thấy anh bước thình thịch lên phòng khách. Anh vốn nóng tính, phang ngay: “Mấy đứa vừa nói gì? Nói lại cho bác nghe. Mấy con nghĩ vài trăm ngàn tiền học bổng lớn lắm sao? Học bổng đó cũng là hai bác làm đơn xin ở bệnh viện, chứ không phải tự dưng người ta tìm đến để trao”. Quay sang con, anh dịu giọng: “Hà, bây giờ con muốn gì?”. Con gái không dám nhìn ba, chỉ cúi đầu.

Con bé vừa quơ chân múa tay huênh hoang lúc nãy định cãi tay đôi với anh, nhưng đứa bạn kịp ngăn lại. Hai đứa vùng vằng ra về, không chào hỏi ai. Chị thở dài, bất lực.

Bao nhiêu rắc rối đang bày ra trước mắt. Cứ tưởng con lớn lên cha mẹ sẽ đỡ gánh nặng, nào ngờ càng âu lo hơn… 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI