Tuổi cao sống sao cho vui?

15/11/2019 - 05:30

PNO - Người cao tuổi mong muốn có cuộc sống như thế nào trong quãng đời còn lại và bản thân chủ động ra sao để sống vui khỏe, hạnh phúc, hữu ích?

Việt Nam gọi chung người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Đến tuổi hưu, trung bình sống thêm 18,3 năm, đối với nữ là 24,7 năm (theo Điều tra biến động dân số - kế hoạch hóa gia đình 1/4/2017 của Tổng cục Thống kê).

Người cao tuổi ở nước ta số đông là nữ và nữ góa chồng, với độ tuổi càng cao thì chênh lệch giữa cụ bà so với cụ ông ngày càng lớn. Người cao tuổi mong muốn có cuộc sống như thế nào trong quãng đời còn lại và bản thân chủ động ra sao để sống vui khỏe, hạnh phúc, hữu ích?

Tuổi già gánh nặng

Tuoi cao song sao cho vui?
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đình Cử trong chương trình cung cấp nội dung về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21-NQ/TW cho các phóng viên khu vực TP.HCM do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuối tháng 10/2019

Không ít người cao tuổi (NCT) còn chật vật mưu sinh vì không có lương hưu, trợ cấp xã hội. Từ khi có sự xuất hiện của xe ôm công nghệ cạnh tranh khốc liệt, thu nhập của ông Nguyễn Văn K. (Hóc Môn, TP.HCM) bằng nghề chạy xe ôm truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Tưởng tuổi già được an nhàn, nhưng rồi ông vẫn phải chạy ăn từng bữa.

Con trai lớn của ông đi làm, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Con trai út yêu một phụ nữ lớn tuổi có một đời chồng, bị gia đình phản đối, cậu đã bỏ nhà đi theo tiếng gọi trái tim.

Đến khi cuộc tình trục trặc, cậu quay về nhà với tâm lý bất ổn. Cậu không làm việc, không tiếp xúc người lạ, suốt ngày chỉ ăn và ăn… Tuổi già, chạy xe ôm bữa đực bữa cái, ông K. phải ngăn căn nhà ra cho thuê, lấy tiền trang trải cuộc sống.

Năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (khi tỷ số phụ thuộc giảm đến 50% trở xuống, hay tỷ lệ dân số 15-64 tuổi chiếm khoảng 67% tổng dân số trở lên), dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài 36 năm.

Cơ cấu dân số vàng mới chỉ là tỷ lệ dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế cao, và số người trong độ tuổi hoạt động kinh tế lớn mang lại khả năng, cơ hội chứ chưa phải trực tiếp có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuoi cao song sao cho vui?
Ảnh minh họa

Không ít gia đình, cha mẹ già phải mưu sinh, thậm chí là trụ cột, vì dù có con trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng làm việc: bị khuyết tật nặng, đau ốm, tai nạn. Hoặc con có khả năng làm việc nhưng không có việc làm hay làm việc không thường xuyên, năng suất và thu nhập thấp. 

Từ năm 2011, tỷ lệ NCT từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam đã đạt 10%, bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, Việt Nam có dân số già khi tỷ lệ NCT vượt ngưỡng 20%.

Chính vì thế, trong nghị quyết 21-NQ/TW Hội nghị 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tháng 10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, có đưa ra giải pháp về thích ứng với già hóa dân số, bao hàm “tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT”. 

Đa dạng hóa chọn lựa cho người cao tuổi

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đình Cử (nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nhận định đời sống vật chất và tinh thần của NCT còn khó khăn, sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và NCT về tinh thần là rất lớn (có nguyên nhân sâu xa do đặc thù chiến tranh).

Nếu không có sự lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ giữa các thế hệ thì sự khác biệt không giải quyết được sẽ thành mâu thuẫn, dẫn đến tan vỡ, khiến đời sống tinh thần NCT không vui.

Tuoi cao song sao cho vui?
Ảnh minh họa

Một cuộc khảo sát tại Hà Nội cho thấy: trên 55% người về hưu muốn ở với con đã có gia đình, gần 21% cho là tùy hoàn cảnh, và 22,7% NCT muốn ở riêng. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 1/10 con số đó sống riêng. 

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, để xây dựng môi trường xã hội thân thiện với NCT cần sự nỗ lực cả gia đình, nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và không thể thiếu vai trò của NCT. Cụ thể, NCT chủ động bảo đảm tài chính, lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ.

Một câu nói đùa nhưng cũng có phần đúng rằng “NCT khả năng thấp dần nhưng tự ái cao dần”. Dù cần tiền nhưng không dễ mở lời xin con cháu. Lý tưởng nhất là NCT không xin tiền con cháu và ngược lại, cũng không bị con cháu “rút rỉa”. NCT cần nêu cao tinh thần tự phục vụ trong khả năng của mình; hoạt động đóng góp cho gia đình, cộng đồng. 

Mọi sự chăm lo, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình, cộng đồng sẽ phí hoài nếu NCT không hợp tác. NCT ở Việt Nam thường ngại bước ra xã hội, đi tham quan, du lịch... Hình ảnh NCT ngồi xe lăn đi du lịch tại sân bay quốc tế không khó tìm ở các nước, nhưng với người Việt lại hiếm, có chăng chỉ là đi… trị bệnh.

Tâm lý chung hễ già, sức yếu là không muốn đi đâu nữa, điều này cũng in hằn trong suy nghĩ của con cháu nên không động viên, khuyến khích ông bà, cha mẹ già. Vai trò của gia đình đối với việc đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho NCT là rất quan trọng, nhưng đang bị thách thức bởi con cái ngày nay ít hơn xưa, mà lại có xu hướng sống riêng, khó phụng dưỡng cha mẹ trực tiếp, thường xuyên. 

Là một NCT, giáo sư Nguyễn Đình Cử không ngại chia sẻ mình cũng đang sống riêng nhưng sống gần con: “Sống chung con cháu hay sống riêng không hẳn cái nào tốt hơn cái nào, tùy sức khỏe, điều kiện. Các cụ cũng có thể chọn sống ở trung tâm dưỡng lão phù hợp hoặc chọn “dưỡng lão bán trú”: ban ngày ở trung tâm dưỡng lão, tối con cháu rước về nhà. Đa dạng hóa sự lựa chọn giúp NCT sống vui sống khỏe, các thế hệ trong gia đình được thoải mái, cân bằng, hạnh phúc”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI