Tuổi 30 theo má đi chợ tết

04/02/2018 - 16:00

PNO - Bước chân đầu tiên đi vào chợ của một đứa con 30 tuổi bên cạnh má vẫn y như đứa trẻ ngày nào, vừa đi vừa lo sợ vuột khỏi tay má nhưng tim đập nhịp vui sướng vì sắp được ăn ly chè thập cẩm...

Con thích chợ. Lý do rất đơn giản: vì luôn cảm giác mình như đứa trẻ khi bước vào sự ồn ào, náo nhiệt của tiếng rao, tiếng trả giá, thậm chí là tiếng cãi vã… đúng nghĩa của một cái chợ. Và chợ tết luôn là chợ đẹp nhất trong năm…

Tuoi 30 theo ma di cho tet
Ảnh minh họa

1. Những ngày còn bé, con từng theo má đi chợ, đơn giản chỉ là ra ngồi xem má bán hàng ở cái vỉa hè đầu chợ. Những lúc không có khách, má dắt con đi ăn chè. Cái sạp chè được bày ra với ít nhất vài chục món, khách ngồi trên một băng ghế gỗ dài, cũ kỹ. Nhưng chè thì ngon và con luôn chọn món chè thập cẩm vì cái tính tham ăn, lúc nào cũng muốn gom vào bụng tất cả các món.

Lối đi đến sạp chè xuyên qua những sạp hàng la-ghim, hàng thịt… Màu sắc của những món hàng như một bức tranh mà đến giờ con vẫn nhớ như in. Một kiểu hỗn độn nhưng lại hài hòa, xô bồ nhưng lại đâu ra đấy, chẳng thể lẫn vào đâu được.

Những năm xa nhà đi học đại học, ngày tết về với má nhưng những cuộc gọi hẹn hò cà phê của bạn bè gần như kéo con ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt. Thỉnh thoảng thấy má đi chợ về lại nói “ngày mai nhớ cho con đi với” nhưng lời nói gió bay, má đi chợ rất sớm, còn con thì ngủ nướng đến 7-8g. Những mùa tết cứ thế trôi qua, chợ vẫn họp, má vẫn đi chợ tết sắm sửa cho gia đình, con thì vẫn nghĩ thôi từ từ năm nay không đi thì năm sau lại đi. Chợ vẫn ở đó, có mất đi đâu…

2. Mãi đến cái tết của năm 30 tuổi, tự dưng những ngày trước khi về nhà, con ý thức được mình phải thực hiện lời hứa đi chợ tết với má. 

Tuoi 30 theo ma di cho tet
Ảnh minh họa

Bước chân đầu tiên đi vào chợ của một đứa con 30 tuổi bên cạnh má vẫn y như đứa trẻ ngày nào, vừa đi vừa lo sợ vuột khỏi tay má nhưng tim đập nhịp vui sướng vì sắp được ăn ly chè thập cẩm ngon nhất trần đời. Chợ Tuy Hòa những ngày cuối năm vẫn lộn xộn, nhộn nhạo như bao năm vẫn thế. Con với má đi qua hàng rau, một màu xanh mát dịu nhưng đầy sức sống mãnh liệt.

Má liên tục trả lời mấy bà bán hàng: là con của cô à? Bao nhiêu tuổi rồi? Sao nhìn trẻ thế? Nó đi làm ở Sài Gòn hả? Sao nhìn nó giống anh Cảnh (tên của ba) quá! Sao lâu quá mới thấy nó đi chợ với cô?… Giống như những người thân lâu ngày gặp lại, được hỏi han, trò chuyện về một quãng thời gian dài bặt tin nhau. 

Con theo chân má ghé hàng thịt, hàng cá, hàng đồ khô… Chợt nhận ra má đã không còn nhanh nhẹn như xưa. Lưng má cũng không còn thẳng. Dặn lòng nhớ đi chầm chậm nhưng thỉnh thoảng con vẫn quên, để rồi đứng lại chờ má đang hấp tấp phía sau. Người người chen vai, nét mặt vội vã nhưng lòng chừng như bình yên.

Thứ bình yên chưa hẳn là trọn vẹn nhưng luôn theo về vào những ngày giáp tết bởi sắp được gặp đủ mặt cháu con quanh năm mưu sinh ở xứ người, bởi sắp có cơ hội nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả, bởi sắp được dọn dẹp lòng mình cho một năm mới sung túc và bình an hơn…

Tuoi 30 theo ma di cho tet
Ảnh minh họa

Mỗi bước chân của tuổi 30 đi chợ tết với má giống như một bước ngược về quá khứ đầy hồn nhiên và vô tư thời thơ ấu. 

Người ta thường nói để hiểu văn hóa của một vùng đất, cách tốt nhất là bước vào ngôi chợ nơi ấy. Ở đó là ẩm thực đặc trưng, là nông sản được trồng lên bởi bàn tay con người địa phương, là phương cách giao tiếp bình dân đại diện cho số đông… và là một cuốn sách ghi chép gần như đầy đủ về văn hóa, con người nơi ấy.

Nhưng chợ tết thì còn hơn thế. 

Ngày xưa, nhà nghèo, món gì của ngày tết gần như má đều phải tự làm. Thứ nhất là tiết kiệm chi phí, thứ nữa là làm ra được đúng mùi vị mà mọi người trong nhà muốn ăn. Má làm từ bánh tét cho đến mứt gừng, cốm hộc, bánh thuẫn, dưa món, dưa hành, mắm… Rồi gia đình mình dần khá giả hơn, tuổi má cũng đã cao để có thể tự làm tất cả mọi thứ. Thêm nữa, khi con cái lớn dần thì nhu cầu ăn uống cũng chẳng còn nhiều. Vậy nên, tuổi 30 đi chợ tết với má, vô hình trung, con  nhận ra rất nhiều điều.

Má mua ít đồ hơn, chủ yếu là đồ tươi. Má dành thời gian trò chuyện với mấy cô bán hàng nhiều hơn, thậm chí không chỉ là câu chuyện dạo này bán buôn được không mà còn là chuyện con cái, sức khỏe… Má chậm rãi chọn lựa mua hàng. Má mỉm cười, nụ cười thường trực trên môi như kiểu một người hạnh phúc có sẵn rồi thì gian nan đến mấy cũng chẳng làm ảnh hưởng đến sự an nhiên trong tâm hồn.

Nhưng sau lần đi chợ tết năm ấy với má, lại có nhiều năm bận rộn đến mức gần sát tết con mới trở về. Rồi con lại làm cha nên tết về hầu như chỉ loay hoay chơi cùng con của con - là cháu nội của má.

3. Má vẫn đi chợ tết dù có hay không có con theo. Nhưng con biết, mỗi năm, cái giỏ đi chợ tết của má lại nhẹ đi một chút. Nhu cầu ăn trong những ngày tết càng lúc càng ít. Chỉ duy nhất một điều má luôn cảm thấy thiếu thốn là ngày tết đôi khi lại vắng một - hai người con của ba má đi làm ăn xa, vì vướng bận công việc nên không kịp sum họp cùng cả nhà.

Thiếu vắng tiếng nói cười rộn ràng nơi bảy đứa con trai cùng gia đình nhỏ của chúng trong vài ngày tết ngắn ngủi… chừng như đè nặng trong lòng má, khiến bữa cơm tất niên thảng hoặc chùng xuống theo cái nhìn xa xăm.

Tết năm nay, nỗi thiếu vắng ấy còn nhiều hơn khi ba mất vào những ngày cuối cùng của năm 2017 tại Sài Gòn - nơi mà giờ đây mấy đứa con đã chọn là nơi thờ cúng ba cho tiện việc con cháu ghé về. Mất một bờ vai từng bên mình hơn nửa cuộc đời, chông chênh, má vì thế cũng nghe lời mấy đứa con, năm nay sẽ lần đầu tiên ăn tết xa nhà. Trước tết, má sẽ vào Sài Gòn cúng kiếng cho ba, sau đó về miền Tây ăn tết ở nhà bác để thử cho biết cái tết nơi xứ khác như thế nào. Sau 70 năm ăn tết ở quê, đi chợ tết ở quê, đây là năm đầu tiên má ăn tết và đi chợ tết nơi đất khách.

Cũng như má, đây là năm đầu tiên sau 20 năm xa nhà, con ăn tết ở Sài Gòn.

Chợ tết năm nay con và má đi chắc sẽ khác chợ miền Trung quê mình nhiều lắm. Má sẽ đi chợ tết ở miền Tây mà con tin rằng cũng tấp nập người bán kẻ mua không khác gì cái chợ của tỉnh lẻ miền Trung. Cũng sẽ có những món đồ tết chẳng khác gì ở mọi cái chợ trên đất nước mình. Chỉ giọng nói con người có thể không quen thuộc như cái chợ quê bao năm nay má đi lại hằng ngày.

Má sẽ mua rất ít đồ, vì đâu còn cần sắm sửa gì nữa khi anh em con năm nay đều tự ăn tết thay vì kéo “con đàn cháu đống” về ăn chực ngày tết như nhiều năm trước ở quê nhà. Không cần vắt óc nghĩ cần mua bao nhiêu thịt, cá, rau cho từng ấy con người trong từng ấy ngày sum họp… dường như má thấy buồn nhiều hơn vui.

Còn con sẽ đi chợ tết ở siêu thị. Hàng hóa bày sẵn kệ nào ra kệ đó, lối đi rộng rãi, máy lạnh mát mẻ, không phải trả giá cũng chẳng chen lấn nhiều… Đi cho nhanh để còn về nhà vì cũng không có đủ cảm xúc mà nhìn ngắm mọi thứ như khi bước chân vào cái chợ quê ngày tết của nhiều năm trước. 

Tết năm nay con sắp bước vào ngưỡng 40. Má thì đã qua tuổi 70.

Hẹn tết sang năm con lại theo má đi chợ tết ở quê, hệt như hồi con còn là một đứa trẻ thòm thèm ăn ly chè thập cẩm. Ngày xưa má nắm tay con dắt đi nhưng giờ má để con nắm tay, má nhé! Dẫu con biết một cái nắm tay làm sao gói trọn những yêu thương…

Nguyễn Phong Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI