Trẻ ăn cắp vặt, xử lý thế nào?

08/04/2017 - 11:38

PNO - Con gái tôi ba tuổi, xinh xắn, ngoan hiền nhưng thường xuyên bị hàng xóm mắng vốn vì thích “cầm nhầm” đồ chơi của bạn.

Tre an cap vat, xu ly the nao?
 

Thấy đồ vật có màu sắc bắt mắt là cháu thản nhiên mang về nhà: búp bê, cái kẹp tóc, cây viết, khăn quàng… Nhiều khi kiểm tra cặp của con, tôi phát hoảng với đủ thứ cháu mang về từ lớp học. Hỏi lấy ở đâu, cháu thản nhiên “của bạn đấy ạ”; tôi dọa “của người khác, chưa được phép mà con lấy tức là ăn cắp”, cháu  ngây thơ bảo “nhưng con thích”.

Tôi đã giải thích cho cháu hiểu, lấy đồ của bạn là xấu, bắt cháu đem trả, xin lỗi bạn, thậm chí sau đó còn phạt, nhưng ngày sau, cháu lại “chứng nào tật ấy”. Liệu con tôi có mắc chứng bệnh tắt mắt, ăn cắp vặt không? Phải làm sao để cháu bỏ tật này?

Nguyễn Tuyết Lan (Q.5, TP.HCM)

Đó là trải nghiệm, chưa phải tật xấu

Tôi có hai đứa con sàn sàn tuổi nhau, đứa lên sáu, đứa lên bốn. Khi hai chị em chơi chung, thằng em thường giành đồ chơi của chị, nếu chị không cho thì cháu lén lấy, đem giấu. Không dừng ở đó, chơi với trẻ hàng xóm, cháu cũng lấy về, từ cái bóp đựng viết, viên phấn đến cái xe hơi đồ chơi, khẩu súng.

Đặc biệt, những món đồ có màu sắc sặc sỡ lại càng thu hút cháu “cầm nhầm”. Vợ chồng tôi thường xuyên bị hàng xóm mắng vốn vì con họ gào khóc đòi lại. “Tại sao của bạn mà con tự ý lấy”, tôi tỏ ra nghiêm khắc, cháu lý sự rằng “nó đẹp nên con thích, con lấy về chơi, đâu cần bạn cho”.

Tôi bắt cháu đem trả, giải thích rằng “lấy đồ của bạn mà bạn không đồng ý là một việc không tốt”. Tôi hỏi cháu rằng “nếu bạn đến nhà lấy cái xe lửa, quả bóng hay bàn cờ của con, hoặc ai đó lấy mất chiếc xe của bố, cái máy tính của mẹ chỉ vì họ thích, thì con sẽ thế nào”, cháu sụ mặt: “Không được, lấy xe thì làm sao bố đi làm. Không có máy, mẹ sẽ không làm việc được. Con sẽ ghét mấy người ắn cắp đó”.

Vậy là tôi bắt nhịp, ôm bé vào lòng và nói với cháu về việc vì sao không nên lấy đồ của người khác. Tôi nghĩ rằng, việc thích “cầm nhầm” chỉ là một trải nghiệm của trẻ khi chúng muốn chiếm những vật mà trẻ thích làm của riêng - một cách rất bản năng, chứ đó không phải tật xấu. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không kịp thời uốn nắn, thói quen ấy sẽ trở thành tật xấu.

Trần Thanh 
(Công ty TNHH Thanh Dũng, Q.8, TP.HCM)

Trẻ cần được yêu thương

Gia đình tôi thuộc loại khá giả, không để con cái phải thiếu thốn cái gì. Thế nên khi cô giáo phản ánh về việc đứa con gái năm tuổi của tôi thường xuyên lấy đồ của bạn, tôi không kiềm chế được, đã lôi con ra đánh giữa sân trường mầm non.

Tre an cap vat, xu ly the nao?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặc bé khóc, tôi phát liên tục vào mông cháu, phần cho hả dạ, phần xấu hổ với cô giáo, phần cho cô thấy tôi rất nghiêm khắc với con. Tưởng sau trận đòn ấy bé sẽ sợ, dè đâu những ngày sau, kiểm tra cặp của con, tôi vẫn thấy nhiều món đồ chơi cháu lấy về từ lớp học.

Chồng tôi bảo, đánh con không phải là giải pháp, vì “nó chỉ thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của em chứ không dạy con được gì”. Chồng tôi nói, có lẽ bé thiếu sự quan tâm, vỗ về của cha mẹ do chúng tôi lo làm ăn, thường để bé một mình với người giúp việc nên muốn gây sự chú ý.

Từ đó, chúng tôi thu xếp công việc để có thời gian bên con, trò chuyện, chơi đùa và nghe bé kể về bạn bè, trường lớp. Hóa ra, bé có nhu cầu được chia sẻ với bố mẹ bao nhiêu chuyện, và trên hết là được yêu thương. Từ đó, cháu cũng mất hẳn thói quen lấy đồ của người khác.

Con chị Lan mới được ba tuổi nhưng đã có tính tắt mắt, tôi nghĩ hẳn là cháu đang tạo sự chú ý với chị chứ không phải cháu tham. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ chị nên dành thời gian chơi đùa cùng con, tạo cho cháu sự yên tâm, ấm áp từ người mẹ. Chúng ta cần tránh trừng phạt trẻ, vì như thế chỉ khiến tật cắp vặt có chiều hướng gia tăng khi trẻ tìm cách phản kháng lại.

Nguyễn Vy Lan
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Với trẻ nhỏ, các bé chưa ý thức được ăn cắp vặt là một thói xấu, mà đơn giản chỉ là thích thì chiếm lấy cho mình. Do vậy, cha mẹ cần tìm hiểu xem đó là do sự tham lam nhất thời hay là thói quen lặp đi lặp lại.

Trẻ cũng chưa hiểu việc xấu ấy sẽ gây ra tác hại như thế nào, bạn cần đặt ra các tình huống mà trẻ là người bị hại (như anh Dũng đã làm với con mình), rồi đưa ra những ảnh hưởng tiêu cực đến người bị hại và việc cha mẹ sẽ xấu hổ vì con ra sao.

Khi trẻ đã hiểu được tác hại của việc ăn cắp vặt, cha mẹ cần giúp bé sửa sai: trả lại đồ cho chủ nhân của nó, yêu cầu bé xin lỗi, làm hòa với bạn; nếu lấy đồ ở lớp thì phải xin lỗi cả cô giáo và các bạn.

Với những trẻ lặp đi lặp lại thói xấu này, cha mẹ cần quan tâm đến việc trẻ đi đâu, chơi với ai, để kịp thời ngăn ngừa trẻ kết giao với đối tượng xấu có thể xúi bẩy trẻ ăn cắp. Nhắc trẻ chọn bạn tốt để chơi và khi thấy bé có những hành vi xấu, bạn cần giải thích với sự bình tĩnh, yêu thương để con phân biệt tốt - xấu mà tránh.

Cha mẹ cũng cần lưu ý, người lớn phải nghiêm túc, rõ ràng về quyền sở hữu: tuyệt đối không chiếm làm của riêng, không sử dụng tài sản, vật dụng của người khác khi chưa xin phép thì trẻ sẽ học được thói quen này, và cũng có ý thức cao khi người khác chiếm dụng những gì thuộc về mình.

Thạc sĩ tâm lý Trần Thiên Linh

Mai Lâm (thực hiên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI