Tránh cho con khỏi 'sốc' tâm lý khi có em

04/11/2018 - 09:59

PNO - Tôi nghĩ, bố mẹ không nên xem thường tâm trạng của trẻ khi có thêm em. Vì nhiều trẻ đã bị rơi vào cú sốc tâm lý mà người lớn không để ý.

Thời điểm vợ chồng tôi lên kế hoạch có em bé thứ hai khi con trai đầu gần 5 tuổi, điều tôi lo lắng nhất là việc chuẩn bị tâm lý cho con trở thành anh trai. Bởi tôi từng nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện, đứa con đầu phản ứng rất mạnh mẽ khi mẹ sinh thêm em bé.

Tranh cho con khoi 'soc' tam ly khi co em
Chuẩn bị tâm lý cho con trước khi sinh thêm em bé là điều cần thiết. (Ảnh minh họa)

Trước khi mang thai, tôi đã tìm cách giải thích cho con hiểu về sự có mặt của em bé sẽ không làm ảnh hưởng gì đến tình cảm mẹ dành cho con. Tôi thường xuyên dẫn con đến chơi những gia đình đã có hai con, chỉ cho con thấy những bạn kia đã có em, đã thành anh chị và thành người lớn rồi. Khi có em, con sẽ có thêm người chơi rất vui. Đồng thời, kể cho con nghe những câu chuyện về tình cảm anh em trong gia đình.

Đến khi mang thai, tôi cho con nói chuyện với em bé trong bụng. Cùng con đi mua sắm vật dụng cho em, cùng lựa chọn tên cho em. Những lần đó, bao giờ tôi cũng mua thêm cho con áo quần đồ chơi để con thấy mình được đối xử công bằng.

Ngay từ những tháng đầu của thai kì, vợ chồng tôi đã tập dần cho con thói quen ngủ với bố để con quen với việc xa mẹ. Thỉnh thoảng hai mẹ con cùng tưởng tượng, khi em bé chào đời sẽ chăm sóc như thế nào và con sẽ giúp mẹ những việc gì.

Dù mang thai mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng giữ thói quen chăm sóc con thường ngày. Tôi đều đặn đưa đón con đi học, tắm rửa và cho con ăn để con biết việc có em bé không làm giảm đi sự quan tâm của mẹ.

Đến khi sinh, bố luôn đưa con vào viện thăm mẹ và em để con thấy mình có vai trò quan trọng trong gia đình. Bên cạnh đó, mỗi lần có khách đến chơi, tôi đều tế nhị đáp lời trước những câu đùa kiểu như: “Sam bị ra rìa rồi nhé”, “Ba mẹ không yêu Sam nữa đâu”...Trước mặt con, tôi bảo: “Bác nói sai rồi, mẹ yêu thương cả hai anh em như nhau mà” đồng thời kể chuyện con rất thương và phụ mẹ chăm em bé.

Dù đang ở cữ, bận bịu con nhỏ nhưng tôi nhất quyết không gửi con về ở với ông bà. Bởi nếu làm thế, con sẽ rất dễ tủi thân và tin những lời trêu đùa của người lớn là sự thật. Hàng ngày, tôi vẫn thơm vào má con trước khi đi học, để cho con chơi với em bé trước khi đi ngủ.

Dần dần, con cảm thấy mình phải có trách nhiệm chăm sóc em cùng mẹ. Những ngày nghỉ, con thường lẩn quẩn bên mẹ và em. Con rất hào hứng khi mẹ nhờ lấy đồ dùng cho em.

Tranh cho con khoi 'soc' tam ly khi co em
Đừng để cho trẻ có cảm giác mình bị ra rìa. (Ảnh minh họa)

 Khi em bé ngủ, tôi thường ôm con vuốt ve, âu yếm, hỏi han chuyện trường lớp để con không cảm thấy cô đơn. Những khi con muốn ngủ với mẹ, tôi vẫn vui vẻ đồng ý để con nằm một bên nhưng tìm cách giải thích bố sẽ buồn nếu không có con ngủ cùng. Những lần sau, con chỉ nằm cạnh mẹ một lúc rồi tự giác về phòng cùng bố. Nhờ vậy, con vẫn vui vẻ khi mẹ sinh em, không có dấu hiệu bực tức hay cáu gắt với em. Đến bây giờ, em bé đã lên 2 tuổi và con đã lớn hơn vẫn quấn quýt không rời. Đi đâu con cũng khoe nhà mình có em rất vui.

Tôi nghĩ, bố mẹ không nên xem thường tâm trạng của trẻ khi có thêm em. Vì nhiều trẻ đã bị rơi vào cú sốc tâm lý mà người lớn không  để ý. Có thể thấy biểu hiện qua sự thay đổi tính cách, trẻ trở nên lầm lì ít nói hay cáu gắt, thậm chí nghịch ngợm hơn mức bình thường để gây sự chú ý.

Nếu không có sự điều tiết kịp thời từ bố mẹ, trẻ sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, tìm mọi cách để làm em bé đau đớn vì trẻ nghĩ, chính em là nguyên nhân bố mẹ không quan tâm mình.

Bởi thế, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi có em. Đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để sinh thêm con. Không nên sinh với khoảng cách quá gần vì trẻ còn quá nhỏ để hiểu và không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ ba mẹ.

Lan Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI