Tôi vẫn muốn báo hiếu dù mẹ đã bỏ rơi mình

23/01/2019 - 10:00

PNO - Dù mẹ từ chối nhận tiền nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn nhờ người quan tâm đến mẹ. Có lẽ, ngày xưa mẹ bị dồn vào bước đường cùng, mới bỏ ba con tôi để theo người khác.

Tôi có một tuổi thơ rất cực khổ, bây giờ nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Quê tôi ở một vùng thường xuyên phải gánh chịu thiên tai bão lụt, Nhà nào cũng nghèo đến mức ăn bữa nay lo bữa mai chứ ít khi nghĩ đến chuyện tích lũy.

Toi van muon bao hieu du me da bo roi minh
Không chịu được cuộc sống vất vả, mẹ đã bỏ hai cha con tôi để đi theo người khác. (Ảnh minh họa)

Năm tôi lên 10 tuổi, lũ về cuốn trôi hết tài sản, mẹ tôi không chịu nổi cực khổ đã bỏ lại hai cha con tôi để theo người khác. Người đàn ông đó về quê tôi xây cầu chống lũ, cầu xây xong thì tôi cũng không còn mẹ nữa.

Ba tôi đau đớn, hận mẹ đến tột cùng rồi lao vào rượu chè. Bốn năm sau, ông mất để lại mình tôi bơ vơ. Tôi chỉ còn một người cô họ hàng nhưng gia cảnh cũng không khấm khá hơn. Cô cưu mang được vài tuần chứ không thể nuôi tôi mãi được.

Tôi nghe người làng kháo nhau, đất Sài Gòn dễ sống, chỉ cần chăm chỉ là có cái ăn. Tôi xin làm lơ xe để theo người ta vào miền đất hứa. Ở đây, tôi đã lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm sống từ nhặt rác, bán vé số, rửa chén thuê đến phục vụ cà phê, quán ăn, phòng trà.

Năm 20 tuổi, tôi trổ mã thành một chàng thanh niên cao ráo, đẹp trai. Lúc đó, tôi đang làm phục vụ cho một phòng trà ở quận 1. Nhờ thế, tôi mới quen biết vợ tôi bây giờ.

Cô ấy là con của một gia đình giàu có, có địa vị xã hội. Còn tôi không có gì ngoài tình yêu dành cho cô ấy. Gia đình phản đối quyết liệt, vợ vẫn không chịu rời bỏ tôi. Vợ bị đuổi ra khỏi nhà, chuyển đến phòng trọ ở với tôi.

Sau đó, vợ mang thai nhưng nhà ngoại vẫn một mực không chấp nhận. Đến khi con gái 2 tuổi, bi bô biết nói gọi ông bà ngoại thì ba mẹ vợ mới mủi lòng đồng ý. Nhà vợ cho chúng tôi vốn làm ăn, cho quản lý công ty kinh doanh nhà hàng khách sạn của gia đình.

Hiện tại, tôi đã làm chủ một khách sạn riêng lớn bậc nhất thành phố. Khi cuộc sống khá giả, tôi thường nghĩ về quê hương và những ngày khốn khó. Việc đầu tiên tôi làm là trở về quê, xây cất mộ phần cho ba đàng hoàng.

Về quê sau mấy chục năm biền biệt, tôi biết được tin tức của mẹ. Mẹ đã đưa hai đứa con với người chồng sau về làng sinh sống sau khi tôi bỏ làng đi mấy năm. Cuộc sống rất cực khổ, mẹ đau yếu bệnh tật còn các em không có nghề nghiệp, nợ nần chồng chất.

Toi van muon bao hieu du me da bo roi minh
Tôi muốn gặp mẹ một lần nhưng bà luôn tìm cách né tránh. (Ảnh minh họa)

Ngày tôi xây mộ cho ba, mẹ đến nhưng chỉ đứng từ xa nhìn lại. Hàng xóm kể, thỉnh thoảng vẫn thấy mẹ ra mộ thắp hương cho cho ba. Nhìn mẹ như thế, tôi không nỡ lòng thờ ơ dù đã từng hận mẹ vô cùng.

Tôi nhờ người quen chuyển cho mẹ 500 triệu để chi trả nợ nần và ổn định cuộc sống. Nhưng mẹ không nhận mà gửi lại số tiền bởi xấu hổ vì đã bỏ rơi ba con tôi. Tôi muốn gặp mặt mẹ một lần nhưng bà luôn tìm cách né tránh. Trở về thành phố, lòng tôi vẫn canh cánh những suy nghĩ về mẹ.

Mẹ không nhận tiền của tôi nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn nhờ người quan tâm đến mẹ để cuộc sống đỡ khó khăn phần nào. Bởi khi ra đời bươn chải, tôi mới hiểu được cảm giác bị dồn vào bước đường cùng là như thế nào. Có lẽ, ngày xưa mẹ cũng thế mới bỏ ba con tôi để theo người khác. Tôi đã không còn oán trách mẹ như trước nữa.

Thái Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI