Tối nay, không biết chồng ở đâu….

27/01/2018 - 14:00

PNO - Tôi gặp lại chồng vào sáng hôm sau, khi chuẩn bị đồ ăn sáng cho con rồi đến chỗ làm. Anh còn đang ngủ vùi ở salon dưới phòng khách. Quần áo chưa kịp thay, còn vương vất mùi rượu bia hàng quán.

Hôm đó là kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi.

Từ sáng, tôi đã có ý đợi chồng nhắn tin nhắc nhớ như mấy năm trước đã từng. Rồi tưởng tượng về một cuộc hẹn ăn trưa, hoặc rủ rê tối nhớ về sớm, chẳng hạn. Nhưng mãi tới cuối ngày vẫn không thấy có bất kỳ một tín hiệu liên lạc. Tôi đành tự an ủi rằng, thôi thì biết đâu có bất ngờ nào đấy chờ mình ở nhà thì sao…

Nhà cửa vắng tanh. Hỏi đứa con gái lớn là em trai đâu, mới biết thằng nhóc đang coi đá banh bên hàng xóm. Sực nhớ, hôm nay đội bóng của chúng ta đá tranh vé vào chung kết đây mà. Phải rồi, hôm qua thằng bé còn hỏi, là chiều mai con coi bóng đá ở đâu hở bố? Chồng tôi đã ậm ừ trả lời rằng, ừ thì con sang nhà thằng Khang học cùng lớp ở cuối hẻm, hoặc qua mấy nhà bên cạnh xem nhờ đi. Tivi nhà mình vẫn đang nằm chung với đám đồ đạc linh tinh ở trên lầu, bố bận quá nên chưa kịp gắn lại lên tường, nối cáp dẫn điện này nọ đâu. Con chịu khó đợi thêm ít bữa nữa nhé.

Toi nay, khong biet chong o dau….
Không khi trận "bão" sau khi U23 vào chung kết 

Nhắc đến tivi, lòng tôi thật ngán ngẩm. Từ hôm sửa nhà xong tới giờ cũng đã hơn tháng rồi, chồng tôi vẫn chưa thu dọn sắp xếp lại những vật dụng còn tồn đọng. Lúc anh bảo công việc đang lu bu, khi thì viện cớ cuối năm nhiều thứ phải lo, gấp gáp gì. Sau vào lần cố nhắc anh, tôi đành bỏ cuộc.

Việc nào có thể vun vén được, tôi đều gắng hoàn tất. Còn lại, đều là chuyện của đàn ông. Chẳng lẽ tôi lại phải ra tiền thuê người về làm, khi có hẳn một người đàn ông trong nhà, thì vô lý quá. Nên thôi, chờ đợi đôi lúc cũng là một cách để luyện tính kiên nhẫn.

Tôi gọi mấy lần, thằng bé mới chịu luyến tiếc rời khỏi màn hình để về chuẩn bị đi học thêm. Mới tám tuổi đầu mà con trai tôi đã mê mệt môn thể thao vua này rồi. Nghĩ cũng thấy thương, khi cậu nhóc nằn nì mẹ cho xem thêm chút nữa, còn vài phút nữa thôi, đang gay cấn lắm. Mấy quả penalty này là quyết định đấy mẹ à!

Chẳng phải tôi vội vàng, nhưng nghĩ cảnh, lát nữa đây khi tàn cuộc đấu, nhiều người mới tản ra về, đường phố đông đúc, kẹt xe thì khổ. Chưa kể nếu đội nhà chiến thắng thì còn phải đối diện với những trận “bão” tưng bừng ngoài đường. Nên tôi hối thúc hai đứa con mình nhanh nhanh cho kịp tới nhà cô giáo.

Chúng ta thắng rồi! Việt Nam tiến lên! Những câu hô tưng bừng ấy đón mẹ con tôi ngay ở ngã tư gần nhà đầu tiên. Tiếng nẹt pô xe đủ khiến một tay lái yếu bóng vía giật mình ngã xuống. Hai đứa con tôi ngồi sau sung sướng cười phụ họa. Vui thì vui thật đấy, nhưng tôi bắt đầu thấy nơm nớp trước cảnh xe cộ hai bên vun vút qua mặt. Tôi lại thấp người, thuộc mẫu “chân ngắn thời hiện đại” nên khó lòng mà chống chọi nổi nếu gặp phải đoạn đường đông kéo dài. Thôi thì khẩn trương lên tí cho nó lành.

Đường từ nhà tới chỗ học thêm của hai đứa con tôi chỉ hơn ba cây số, nhưng buổi chập choạng tối hôm đó, tôi chạy gần một tiếng đồng hồ mới tới. Chen chúc trong biển người rừng rực khí thế. Sắc đỏ bao trùm. Không khí thân thiện đủ sức làm nức lòng tất cả những ai đang thuộc về chốn đông vui ấy.

Toi nay, khong biet chong o dau….
Niềm vui chiến thắng

Nhưng riêng ba mẹ con tôi thì vô cùng khổ sở chật vật. Buổi học chỉ có hai giờ, đến trễ thế này coi như hết nửa. Nhưng điều tôi lo nhất, chính là sự an toàn của đám con mình. Chúng cũng ham vui, gào lên phụ họa, nhoài người ra sau lẫn hai bên, bất chấp cảnh báo của mẹ. Tôi cầm lái chỉ một quãng đường ngắn thôi mà cảm thấy mệt nhoài. Lòng bỗng có chút tủi thân, lại chợt nghĩ tới chồng. Giờ này anh ở đâu?

Chắc chắn chồng tôi cũng vừa coi bóng đá ở đâu đó, và hẳn là đang xấp xải về nhà, len lỏi qua những tiếng trống tiếng vung nồi tiếng còi xe loạn xạ, trong phất phới cờ đỏ áo đỏ băng đô đỏ ngập mọi nẻo đường đây mà. Muốn nhắn tin nhắc chồng về cẩn thận, nhưng tôi đành chịu thua, không cách nào lấy điện thoại ra được. Cố lên nào, ba mẹ con sắp tới đích rồi…

Tôi ngồi lại ở một quán nước vỉa hè chờ đón con. Nhìn đường phố tấp nập, bỗng cảm thấy đói bụng kinh khủng. Một ngày dài bận rộn ở cơ quan, rồi tất tả chạy về đưa đón con, tuần ba buổi tối, nghĩ lại ta cũng mình đồng da sắt thật. Nhưng biết sao được bây giờ, cứ nhìn vô số đàn bà hàng ngày vẫn chở con ngoài đường thì biết, ta nào có đơn độc cá biệt gì…

Chồng vẫn im lìm không một hồi đáp, tôi quyết định đóng cửa, cho con đi ngủ. Đã thành thói quen, khi anh đi làm về trễ, tôi ít khi chủ động gọi hoặc hỏi han làm phiền. Hôn nhân với những bổn phận đã được phân chia rạch ròi, cứ thế mà làm, lâu dần thành một thói quen, cũng bình thường thôi.

Ngay cả việc trò chuyện chia sẻ với nhau, cũng đã dần thành xa xỉ. Cần gì thì nhắn, ví như hôm nay nhờ đón con dùm, cuối tuần này đi công tác ba hôm, ngày mai nhớ đóng tiền nước nhé… chẳng hạn. Ngay cả việc chờ cửa chờ cơm nhau cũng đã dần biến mất từ hồi nào chẳng rõ. Mỗi người một chùm chìa khóa, một bữa cơm riêng, đâu có vấn đề gì to tát giữa cuộc sống nhiều nỗi phải lo toan bây giờ, phải không nào…

Tôi gặp lại chồng vào sáng hôm sau, khi chuẩn bị đồ ăn sáng cho con rồi đến chỗ làm. Anh còn đang ngủ vùi ở salon dưới phòng khách. Quần áo chưa kịp thay, còn vương vất mùi rượu bia hàng quán. Trên cổ xe gắn máy của anh, gắn một cây cờ tổ quốc cỡ vừa, loại mà người ta chuyên dùng để đi bão ngoài đường.

Con trai tôi hú lên một tiếng vui mừng, nhào lại gỡ cây cờ đó ra, hí hửng. Thằng nhóc vô tư nói liên hồi: “Ba hồi đêm đi bão hả ba? Ba đi mà không rủ con nghen. Mẹ chở cho với chị Hai đi học về bị người ta quẹt vào xe té luôn đấy. May mà chỉ có mỗi mẹ bị chảy máu đầu gối thôi, chứ tụi con không sao…”

Người đàn ông ở tuổi bốn mươi sáu trẻ trung yêu thể thao khi ấy mới quay sang tôi, miệng nở nụ cười giả lả cầu tài. Tôi tiếp tục gói mấy miếng bánh mì chả cá cho con, lòng thầm nghĩ một câu không thốt ra lời, rằng: Người như anh lẽ ra nên sống đời độc thân để tha hồ banh bóng bay nhảy, cưới vợ sinh con làm gì cho nó vướng chân bận tay, nhỉ…

Tối nay, không biết chồng ở đâu….

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI