Tìm đâu mâm cơm an toàn

17/03/2019 - 12:00

PNO - Cứ mỗi đợt thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm, dịch bệnh rộ lên, nỗi lo ăn gì không nhiễm độc, không sớm vào bệnh viện ung thư… lại làm đau đầu các bà nội trợ.

Sự nhiễu loạn thông tin khiến nhiều người nháo nhào đi tìm và chi tiền cho thực phẩm hữu cơ, tin rằng đó là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe.

Tim dau mam com an toan

Phiên chợ Xanh Tử Tế - nơi bán nông sản sạch vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần tại 135 và 163 Pasteur, Q.3, TP.HCM.

Thực phẩm hữu cơ (organic) tốt nhất?

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cả nước có 33/63 tỉnh, thành đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp trong nước nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận như: Tập đoàn Vingroup, Vinamit, Saigon Co.op, AEON, Big C, Satra Food... 

Tại các thành phố lớn, chuỗi những cửa hàng cung cấp sản phẩm hữu cơ cũng theo nhau ra đời như Gogreen, Organic food, Happy Trade, Hollyfruit , Organik, 5th Element… với nguồn cung cấp được giới thiệu là sản phẩm có chứng nhận quốc tế, nhập từ các nước hoặc sản phẩm thu hoạch từ các trang trại theo tiêu chuẩn trong nước; sản phẩm của các nhà vườn gia đình. Theo nhu cầu thị trường, mặt hàng thực phẩm hữu cơ (TPHC) càng lúc càng phong phú, từ các loại rau củ quả đến thịt heo, bò, gà, vịt và cả các loại tôm cá nước ngọt… So với sản phẩm thông thường hoặc sản phẩm sạch, TPHC có giá cao hơn từ 3 đến 5 lần. 

Tin vào bộ quy chuẩn xác định TPHC nghiêm ngặt, những gia đình có thu nhập từ khá trở lên đã chuyển sang mua và sử dụng sản phẩm hữu cơ. Họ chấp nhận giá thành cao vì tin đây là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe. Tuy vậy, liệu TPHC có nhiều dưỡng chất hơn sản phẩm thông thường, có an toàn tuyệt đối? Cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau từ các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia thực phẩm trên thế giới. 

Tuy nhiên, TPHC trên thị trường tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ, do được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, nên dù được phân phối bởi các siêu thị uy tín, người tiêu dùng vẫn khó truy xuất nguồn gốc, khó theo dõi quy trình sản xuất, ngay nhân viên thu mua của một số siêu thị cũng không dễ kiểm soát khâu chế biến hậu thu hoạch, nói gì các bà nội trợ… Một số đông người tiêu dùng đang mua TPHC với giá cao, nhưng lại chỉ được bảo đảm bằng… niềm tin, và cụ thể là tin vào một trang Facebook hay một người quen mở bán trên mạng. Mỗi ngày, có thể nhận vô số tin tức chào mời từ những nơi bán TPHC “tự chứng nhận”, thậm chí không nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng, với những lời giới thiệu chung chung: của nhà nuôi trồng, không dùng chất kích thích, không phun thuốc trừ sâu, heo chỉ ăn rau và nước vo gạo…

Tim dau mam com an toan
 

Bên cạnh đó, những phát biểu về giá TPHC do chính giới kinh doanh sản phẩm này công khai trên các phương tiện thông tin cũng làm người tiêu dùng hoang mang. Vì nhiều lý do, không loại trừ chi phí trung gian, TPHC đang bị đẩy lên cao gấp đôi, thậm chí hơn thế so với giá trị thực. Cộng thêm tâm lý của người mua “tiền nào của nấy, giá phải cao thì hàng mới chất lượng” đã kích thích người bán đẩy giá. Tại hội thảo “Nhận diện thực phẩm an toàn” do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tổ chức tại TP.HCM tháng 12/2018, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã bức xúc: “Người tiêu dùng Việt đang bị bao vây bởi ma trận TPHC thật giả lẫn lộn, không đúng với những gì nhà sản xuất quảng cáo”. Đồng quan điểm, một số chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm cũng bày tỏ nỗi lo người tiêu dùng bị bao vây bởi thực phẩm “an toàn dỏm”. 

Bài học nội trợ bị lãng quên

Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành khẳng định: “Thực phẩm nào tuân thủ quy định an toàn, là thực phẩm an toàn. Thực phẩm gắn mác hữu cơ, hay siêu sạch mà không tuân thủ quy định thì phải xem là thực phẩm không an toàn”. 

“Đã thử tính toán, xoay xở, nhưng TPHC cho bữa ăn gồm bốn người, trong đó có hai con đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nằm ngoài khả năng của hai vợ chồng. Tôi đành chọn sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P được bán ở những siêu thị, cửa hàng uy tín. So với thực phẩm ở chợ, giá thực phẩm sạch có nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng vẫn trong tầm chi tiêu gia đình” - chị Bích Trâm (P. Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) chia sẻ. 

Tim dau mam com an toan

Gian hàng thực phẩm hữu cơ của Co.opmart được nhiều người tin dùng
Khác với thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P, VietGAP… được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học nhưng có kiểm soát, TPHC không dùng phân bón tổng hợp, không liên quan đến biển đổi gen. Thịt động vật hữu cơ không dùng chất chống sinh học, kích thích tố tăng trưởng và được nuôi thả ngoài trời. TPHC được nuôi trồng ở khu vực đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên trong mức an toàn, không gần các nhà máy công nghiệp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không dùng nước sông.

Chị Trâm cho biết, khi mua các loại thực phẩm đóng gói, gia vị… luôn đọc kỹ thành phần, cách bảo quản, hạn sử dụng. Ban đầu có nhiều phụ gia bổ sung chị không hiểu là gì, nhưng chỉ cần rút điện thoại bấm là có thể tìm trên mạng. Việc còn lại là phải lựa chọn những kênh thông tin chính thống, có uy tín để đừng hoang mang, nhiễu loạn thông tin. 

Trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn” để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, các chuyên gia y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm đã nhiều lần khuyến cáo: cùng với việc chọn lựa thực phẩm, khâu bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm cũng giữ vai trò quan trọng. Có những “bài học” về an toàn thực phẩm cơ bản nhưng lại bị không ít bà nội trợ lãng quên. Cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình chọn giải pháp đi chợ vào ngày cuối tuần để sử dụng suốt tuần khiến một số thực phẩm biến chất. Mua hàng ở siêu thị, cửa hàng uy tín, nhưng chưa chú ý đến việc bao gói, cất trữ đúng cách. Thịt, cá, hải sản… mua về không rửa, khô

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, bảo quản thực phẩm không đúng cách vừa làm mất chất dinh dưỡng vừa hại sức khỏe. Khi đó, thực phẩm dù có chứng nhận hữu cơ, với quy trình nuôi trồng, sản xuất đúng chuẩn cũng trở thành vô nghĩa. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết: “Khoảng 60-80% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ việc sử dụng dinh dưỡng không hợp lý”. 

NSƯT Trịnh Kim Chi thú nhận từng “đau đầu” trong chọn lựa thực phẩm cho bữa cơm gia đình, nhưng khi hiểu rõ về nguy cơ từ thực phẩm và thực phẩm an toàn, chị đã bớt đi áp lực. Chị cho biết: “Khi đã có quy định về ngưỡng an toàn của chất nào đó trong thực phẩm, thì chắc chắn phải có những nghiên cứu và chứng cớ khoa học để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Những lần nghe chuyên gia nói chuyện về an toàn thực phẩm, tôi ngộ ra mình từng lo lắng không đáng: không phải hễ rau quả có dùng thuốc trừ sâu, thì ăn vào là bị ung thư, mà liều lượng bao nhiêu mới có thể tích tụ và điều kiện gì mới trở thành độc chất…”. 
* Không phủ nhận dư lượng thuốc trừ sâu ở TPHC ít hơn, nhưng Hội Ung thư Hoa Kỳ cho rằng, mức dư lượng thuốc trừ sâu cho phép ở rau củ quả trồng theo kiểu thông thường không làm gia tăng rủi ro ung thư, TPHC cũng không kéo giảm rủi ro ung thư do ung thư có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

10 nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Chọn thực phẩm an toàn

2. Nấu chín kỹ thức ăn

3. Ăn ngay sau khi nấu

4. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ

6. Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín

7. Rửa tay sạch

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và động vật

10. Sử dụng nguồn nước sạch

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI