Tiếng gà gáy trong đêm

10/07/2016 - 07:07

PNO - Dần dà hắn trở thành một kẻ rỗng tuếch và vô nghĩa lý khi đối mặt với bản ngã của mình. Hắn tự hỏi liệu có thằng sinh viên điện tử nào mà phòng trọ lại chất đầy tiểu thuyết và tập thơ như hắn.

1. Gần nửa năm nay, cứ đến đêm, chờ khi cả nhà đi ngủ là hắn lại mò xuống phòng khách để bắt đầu cuộc sống của riêng mình.

Đầu tiên, hắn lục lọi bếp và vét cạn thức ăn còn sót lại sau một ngày. Cá kho, còn vài ba tý dính ở kẽ của mấy mẩu xương như răng lược. Rau luộc, còn đôi ba cọng dính lại trên mặt đĩa. Canh bầu nấu tôm khô, cũng còn dăm ba muỗng, lõng bõng cạn gần dưới đáy tô thủy tinh. Chén nước mắm ớt vơi nửa, đục ngầu vì cặn thức ăn. Cơm trong nồi cũng thừa một tí, bắt đầu bốc mùi chua. Thường thì tất cả thức ăn đều còn thừa lại một tí, vừa đủ để hắn cho tất vào một cái tô to, mang ra phòng khách chuẩn bị đánh chén.

Trước đây hắn thường thắc mắc vì sao cả nhà hắn không ai gắng ăn cho hết, mà lại để thừa mỗi thứ một tí như thế. Sau này quen dần, hắn cũng không thấy khó chịu vì chỗ thức ăn thừa đó nữa, nên đầu óc hắn thường trống rỗng khi nửa đêm mò xuống bếp. Cũng có thể hắn đã thỏa hiệp với chỗ thức ăn thừa đó, bằng cách tự suy diễn ra một điều rằng: Dân tộc hắn, vài chục năm sau khi bước ra khỏi chiến tranh vệ quốc, kinh tế sản xuất hộ gia đình dần dần dư dả, bữa cơm gia đình bắt đầu dư thừa thức ăn, thì cùng với thực trạng đó sẽ sinh ra tâm lý không cần ăn hết thức ăn nữa. Và như vậy, chuyện để thừa tí tí là chuyện đương nhiên. Không việc gì phải bực tức với chuyện đương nhiên cả.

Họa hoằn lắm mới có chuyện cạn nhẵn thức ăn trong bếp. Lúc đó, hắn xào mì gói và ốp trứng.

*

Thế đấy, sau khi chuẩn bị đồ ăn xong, hắn lại quay qua pha chế đồ uống. Đồ uống thì đơn giản và nhanh gọn hơn. Lấy một ít nước mơ ngâm trong keo, cho vào ca nhựa loại một lít, chế thêm ít nước sôi, quấy tan và sau cùng cho thêm đá vào là xong. Nếu lịch sự thì cho thêm cái ống hút, nhưng thường thì hắn chả làm thế bao giờ.

Hắn nghĩ, ăn uống một mình đêm hôm thế này thì lịch sự với ai. Vả lại, vẫn còn có cái cớ thuyết phục hơn. Đó là việc đưa cả ca lên miệng mà tu luôn khiến hắn thấy đã đời. Cảm giác uống nước theo kiểu tu cả ca như thế tục tĩu và sơ khai thế nào ấy. Nhưng chính chi tiết tục tĩu và hoang dã nhỏ nhặt này lại khiến hắn thỏa mãn.

Hắn cảm giác ẩn sâu bên trong con người mình vẫn có những tiếng gọi hoang dã. Tiếng gọi hoang dã thẳm sâu đó khiến cho hắn khoái trá khi chống lại được sự giáo dục về cung cách ăn uống mà một sức ép vô hình nào đó cứ buộc hắn phải vâng theo bấy nay.

Lúc này, hắn chẳng cần những quy tắc, giáo điều, kiểu như cách thưởng thức rượu vang, hay những quy tắc ăn buffet, quy tắc dùng muỗng, dao, nĩa của bọn người phương Tây… Hắn thấy mệt mỏi khi luôn phải ép mình chạy theo những chiếc khung ứng xử đó. Vậy nên giờ đây, lúc chỉ còn một mình, hắn cười mỉm vào không gian, nhìn xuống chân mình và làm động tác nhảy ra ngoài cái khung lịch thiệp vô hình đó

Hắn mang tô cơm và ca nước mơ đặt xuống bàn khách. Hắn lại lúi cúi hì hục với một mớ dây nhợ điện đóm, bắt đầu từ ổ cắm điện, nối vào ổn áp, sau đó lại cho qua một bộ lọc điện, tiếp tục cho đi qua cái biến thế hai ngõ ra 100V và 110V. Từ đây, hắn lần lượt cắm đầu đĩa vào ngõ 100V và amply đèn vào ngõ 110V. Hắn nhấn công tắc đầu đĩa và gạt công tắc mở amply đèn. Sáu bóng đèn của amply Sophia sáng nóng dần lên trong khi hắn chọn đĩa nhạc trên kệ. Thường thì hắn chọn nghe Katie Melua, Yao Siting, Susan Wong, Jinchi, Akiko...

Cho đĩa vào đầu đọc, khoảng mười lăm giây đồng hồ sau, khi các bóng đèn đủ nóng, âm nhạc đích thực bắt đầu chậm rãi chảy ra từ cặp loa DCM 500W mà hắn đã kỳ công đặt cân đố i và chính xác với chỗ hắn ngồi. Chủ yếu là để cho âm thanh hai bên phải trái đến đều với tai hắn.

Hắn tưởng tượng ra việc một gã tên là Âm Thanh lan đi trong bóng mờ mờ tối sẽ trung thực hơn là khi bị ánh sáng chiếu vào. Hắn nghĩ gã Âm Thanh sẽ đi vào tai hắn một cách mất tự nhiên và ngần ngại khi bị đem chiếu sáng, kiểu như người ta sẽ mất đi vẻ tự nhiên khi ánh đèn flash chiếu vào họ khi họ đang nói điều gì đó trên sân khấu. Thế nên hắn tắt đèn neon, mở đèn chùm và điều chỉnh dimmer cho ánh sáng vàng vọt vừa đủ để hắn cảm thấy ấm cúng.

Cũng cần nói thêm là những đêm dài lang thang vỉa hè của những năm tháng cô đơn trên ghế giảng đường đại học ở Sài Gòn nhộn nhạo khiến hắn có một sở thích không giống ai, đó là thích ánh đèn đường vàng vọt.

Có chăng, chỉ có nhân vật Cọp Trắng trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Aravind Adiga là cùng sở thích với hắn. Cọp Trắng treo đèn chùm cả trong toilet và hắn cũng thích thế.

Tieng ga gay trong dem
Ảnh mang tính minh họa: Internet

2. Sự thất bại trên ghế giảng đường đại học càng khiến hắn cảm thấy cô đơn hơn.

Thời điểm vừa rời ghế phổ thông, hắn không đủ dũng khí và nhận thức để ngay từ đầu chọn ngành văn chương - ngành học mà hắn luôn đam mê và tôn thờ từ tấm bé. Mà xét cho cùng, ở cái tuổi mười tám non nớt ấy, hắn cũng chẳng biết được bản thân muốn theo ngành học nào và tương lai sẽ theo nghề gì, cũng như sẽ trở thành ai. Thuở đó, vây quanh hắn là đầy rẫy những con người học một đàng làm một nẻo, và bằng cấp trình độ chỉ là một tấm vé thông hành, không hơn không kém.

Nhớ lại thuở ban đầu non nớt ấy, hắn chưa làm ra đồng tiền và cũng chưa có nhu cầu sử dụng đồng tiền, ấy vậy mà hắn lại bị đồng tiền chi phối trong quyết định hướng nghiệp. Cha mẹ muốn hắn học ngành điện tử, sau này dễ xin việc, lương bổng cũng khá. Và hắn nghe theo. Chỉ đơn giản thế thôi. Và để rồi mỗi ngày trôi qua trên ghế giảng đường đại học là những ngày vô nghĩa nhất đối với hắn. Hắn chẳng biết phải lắp ráp những môn học toán điều khiển, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật số, vi xử lý… vào đâu cho khớp tâm hồn mình.

Dần dà hắn trở thành một kẻ rỗng tuếch và vô nghĩa lý khi đối mặt với bản ngã của mình. Hắn tự hỏi liệu có thằng sinh viên điện tử nào mà phòng trọ lại chất đầy tiểu thuyết và tập thơ như hắn. Hắn dần trở nên lạc lõng với bạn bè. Hắn dọn ra ở trọ một mình. cà phê một mình. Đi ăn một mình. Đi nhà sách một mình… Và một mình lang thang khắp vỉa hè Sài Gòn trong ánh đèn đường vàng vọt.

Một sự ức chế nào đó đã luôn diễn ra trong hắn suốt những năm ấy. Và rồi đến cuối năm đại học thứ tư thì hắn đi đến một quyết định. Hắn nghĩ, mình không thể sống thêm một ngày nào xa lạ với bản ngã của mình được nữa. Thời điểm rời trường đại học, hắn lang thang như một trái dừa khô trôi dạt trên đại dương mênh mông, không bờ bến, không một ngọn hải đăng.

*

Bây giờ, hắn về nhà trong sự thất vọng lặng lẽ của cha mẹ. Hắn đóng cửa phòng cả ngày, một mình đọc tiểu thuyết, đọc thơ, đọc lý luận phê bình văn học, ngày này qua ngày khác. Chờ đêm khuya hắn mới mò xuống phòng khách.

3. Đêm nay, hắn đang ngồi thỏm vào trong chiếc ghế đặt giữa phòng khách, trong ánh đèn chùm vàng vọt liu riu cùng ánh đèn vàng dập dìu của chiếc amply đèn. Nàng Katie Melua như đang ngồi trước hắn và hát rung cả màn đêm. Giọng hát của nàng như vết dao sắc lẹm rạch toạc màn đêm. Đêm đen thủng lỗ chỗ. Từ vết rách của màn đêm không ló ra ánh sáng, mà chỉ một màn đêm đen hơn nữa.

Hắn nhắm nghiền mắt và nhớ về những năm tháng đại học. Nhắm. Rồi mở. Nhắm. Rồi lại mở. Những ánh sáng leo lét trong sáu bóng đèn của chiếc amply đèn vẫn múa may yếu ớt, như sáu cô gái đang ngồi than khóc, run rẩy. Hắn nghĩ về sự cô đơn run rẩy trong đêm đen. Đã bao nhiêu đêm từ ngày hắn bỏ trường đại học về nhà, đêm nào hắn cũng nghĩ về những năm tháng đại học. Nghĩ về sự vô nghĩa của chính mình. Nghĩ về sự rỗng tuếch trước bản ngã của mình.

Và đêm nay, cũng chỉ có sự cô đơn là còn thức cùng với hắn.

*

Chợt nghe tiếng gà gáy sau vườn nhà. Hắn ngồi im để nghe cho rõ hơn. Đúng là tiếng gà gáy sau vườn nhà. Nhìn lên chiếc đồng hồ chỉ gần mười hai giờ đêm, hắn im lặng. Con gà lại gáy. Hắn mỉm cười nhạt thếch tưởng tượng như đang cười lên nấm mộ của chính mình. Hắn thầm rủa con gà đang gáy sau vườn: Gà mà cũng bị mất ngủ, mày đúng là đồ điên! Mặc thế, đêm đó, con gà vẫn gáy một mạch đến sáng.

4. Suốt ngày hôm ấy hắn không tài nào nghĩ ngợi được việc gì khác. Trong đầu hắn vẫn còn vang tiếng con gà trống ấy gáy. Hắn nghĩ, đời này đã thừa khối kẻ điên khùng dở hơi. Giờ lại thêm con gà sau vườn nữa. Chả có con gà nào gáy lúc mười hai giờ đêm cả. Con gà bị điên.

*

Đêm đến. Hắn lại mò xuống bếp lấy đồ ăn như mọi khi. Nhìn vào chiếc đĩa đặt trong cái lồng bàn giữa bàn ăn, hắn bỗng nhiên đơ người như bị thôi miên. Đứng như trời trồng một lúc lâu, hắn cuống cuồng đi tìm cái đèn pin rồi chạy ra sau vườn. Hắn lục tung mọi ngóc ngách trong mảnh vườn hơn trăm mét vuông. Thấy mấy con gà mái đang nằm ấp trong ổ. Không thấy một con gà trống nào nữa. Tìm đâu cũng không thấy. Hắn há hốc mồm ngồi phịch xuống mảnh vườn khuya. Một góc vườn, luống hoa huệ chuông đang dịu dàng nở thơm trong gió thoảng. Đột nhiên hắn òa khóc. Nước mắt ràn rụa. Rồi hắn bật dậy, chạy một mạch lên phòng, đóng sầm cửa lại.

5. Buổi sáng, nắng đẹp. Những bông mai cuối xuân trên cành còn sót lại cũng nở nốt. Mẹ hắn thấy lá thư hắn để trên bàn khách. Thư viết:

Mẹ! Cả đêm hôm trước mẹ có nghe con gà trống gáy sau vườn không? Nó gáy từ lúc mười hai giờ kém cho đến sáng. Con đã nghĩ nó bị điên, mẹ ạ. Con đã cười lên cái sự điên khùng của nó, mẹ ạ. Nhưng mẹ con mình đã sai rồi ạ. Con gà không điên. Con gà rất tỉnh. Chỉ có con người mới dễ dàng bị điên thôi. Con gà biết rằng nó không sống lâu nữa, ngày mai mẹ sẽ cắt tiết nó, nên nó mới gáy như điên lên thế. Lúc cận kề cái chết, con gà trống vẫn cất cao tiếng gáy, vì đó là bản ngã của nó.

Mẹ đừng buồn vì con bỏ ngành điện giữa chừng. Mẹ hãy để con trai mẹ theo ngành văn chương. Vì văn chương là bản ngã của con, mẹ ạ. Con không sợ sau này nghèo đói. Con phải có bản ngã của mình. Con lên thành phố ôn thi, ba mẹ đừng tìm gặp con, chừng nào thi đậu con sẽ về. Con trai của mẹ.

Hoa Níp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI