'Thương cho roi cho vọt'?

27/03/2017 - 11:15

PNO - Gia đình tôi dạo này cứ lục đục, xào xáo về chuyện nuôi dạy đứa cháu đích tôn. Cứ ngỡ cả nhà sẽ rất hạnh phúc khi chào đón thêm một thành viên mới, là đứa trẻ bé bỏng.

Nhưng thực tế thì không phải vậy. Ông bà, cha mẹ cứ nháo nhào cả lên; mâu thuẫn trầm trọng trong việc dạy dỗ đứa bé làm mọi việc cứ "lộn tùng phèo", chẳng ra làm sao! 

'Thuong  cho roi  cho vot'?
 

Tôi thì cứ bị cha mẹ cháu trách: “Cháu hư tại bà”, vì mỗi khi cháu sắp bị trách mắng, quở phạt, tôi lại can thiệp, ôm cháu vào phòng riêng để “trú ẩn”. Con trai tôi luôn khăng khăng, nào là “thương cho roi cho vọt”, rồi thì “dạy con từ thuở còn thơ”.

Bất cứ việc gì, cha cháu cũng dùng roi đòn để trừng phạt, vì con tôi lý luận: “Trẻ nhỏ mau quên, phải có những hành động làm chúng sợ hãi, may ra mới khiến chúng nhớ lâu, không tái phạm lỗi lầm”. Còn con dâu tôi lúc nào cũng đem sách vở này, khoa học nọ để chứng minh việc phải làm sao thưởng - phạt con cho phân minh. Chỉ tội đứa trẻ, ngơ ngác chẳng biết phải làm thế nào cho đúng.

Tôi, một người đã ở tuổi cổ lai hy, bất giác thấy mọi chuyện rối tung. Một mình đã nuôi đàn con khôn lớn, trưởng thành, chẳng lẽ tôi không biết phải nuôi dạy một đứa cháu như thế nào cho đúng?

Minh Nguyên 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Khi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược...”

Mâu thuẫn trong việc nuôi dạy một đứa trẻ là mâu thuẫn thường dễ mắc phải trong nhiều gia đình. Và, xin phép được nói thẳng, mong chị đừng tự ái, nguyên nhân do ông bà nuông chiều các cháu thường chiếm đa số. Chị thử nghĩ mà xem, khi đứa trẻ đang được cha mẹ chúng dạy “không được làm thế này, không được làm thế khác” thì bỗng dưng ông bà thường xuất hiện, lao vào “giải vây” cho cháu, xuề xòa để lại vài câu: “Thôi, có gì thì cho ông/bà xin. Đừng khóc, nào, lại đây, đi chơi với ông bà…

Chị Nguyên biết không, một đứa trẻ mới lên hai cũng đã bắt đầu có ý thức, khi “gặp chuyện”, chúng biết phải cầu cứu ai. Và, nếu mọi chuyện cứ liên tục xảy ra như thế, sẽ dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Tôi không dám phân tích người lớn chúng ta ai đúng ai sai. Nhưng nếu chưa thống nhất được cách giáo dục cháu, ông bà, cha mẹ cần “họp kín”, đừng cho trẻ hay. Một khi người này đang dạy dỗ đứa bé, thì dẫu có không vừa ý, những người khác cũng đừng can thiệp ngay. Có như vậy mới không khiến đứa trẻ hoang mang, chẳng biết người lớn ai đúng ai sai, và mình phải làm thế nào cho đúng.

Minh Quân

(cán bộ hưu trí, P.9, Q.5, TP.HCM)

Trăng đến rằm lại tròn...

Chuyện này thật ra cũng không có gì trầm trọng, đáng hoang mang chị Minh Nguyên ạ. Vì suy cho cùng, mọi việc đang làm của tất cả mọi người - chị, con, dâu - đều xuất phát từ tình thương dành cho thành viên bé bỏng nhất nhà. Mục đích giống nhau, chỉ có phương tiện mỗi người mỗi khác.

Tôi cũng có cảnh ngộ tương tự chị, nên sau bao lần buồn trách, vật vã con cháu, tôi nghiệm ra rằng: dù có thương yêu, xót ruột cách mấy, thì những người làm ông, làm bà chúng ta cũng chỉ nên dừng lại ở vai trò cố vấn. Con cái chúng ta đã lớn, đã tự làm chủ cuộc đời, làm chủ một gia đình, và chúng phải tự chịu trách nhiệm trong mọi việc. Chúng ta không thể làm thay cho các con mãi được, đặc biệt là trong hành xử với dâu/rể, kẻo sa đà, dễ khiến chúng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, mất tự do.

Tôi nghĩ rằng, có thể mọi chuyện trong thời gian đầu còn khá mới mẻ, nên gia đình chị chưa thích nghi kịp, nhưng dần dần, tất cả đều sẽ đi vào quỹ đạo hợp lý. Và rồi thì “trăng đến rằm trăng tròn”, đứa cháu của chị rồi sẽ khôn lớn nên người, bởi cháu đang được sống trong một nền tảng vững chắc, đó là tình thương. Chỉ cần tình thương, mỗi người trong chúng ta sẽ tự biết bản thân cần làm gì cho đúng, cho hợp lý, chị ạ.

Viên Minh

(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Phụ huynh cần bình tĩnh, kiên nhẫn và hết sức khoa học 

Điều đầu tiên mà cũng là điều quan trọng nhất chính là việc người lớn chúng ta phải hiểu câu “thương cho roi cho vọt” sao cho thật chính xác và đúng đắn. Ở đây, chắc chắn không phải là việc cổ xúy cho hành động đánh đập trẻ, mà chính là việc phụ huynh cần có sự dạy dỗ con cháu nghiêm khắc, cẩn trọng. Chính vì hiểu không đúng vấn đề, nên nhiều gia đình đã xảy ra mâu thuẫn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, có nhiều bậc ông bà, cha mẹ luôn quan niệm: trẻ nhỏ không biết gì. Thật ra, đứa trẻ được hình thành tính cách từ rất sớm, ngay từ ba tuổi, nếu bé được gia đình chú ý đầu tư giáo dục kỹ lưỡng, công phu. Vì vậy, phụ huynh cần hết sức tránh “vấn nạn” “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, bởi nó sẽ khiến bé hoang mang, không nhận ra được cái sai của bản thân. Lúc ấy, trẻ chỉ suy nghĩ đơn giản: ai bênh chúng thoát khỏi đòn roi chính là người thương mình nhiều hơn.

Do đó, tùy vào độ tuổi và tâm sinh lý của từng đứa trẻ mà ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị… cần có giải pháp giáo dục phù hợp. Ví dụ, đối với trẻ từ ba-năm tuổi, điều quan trọng là cần dạy bé khái niệm phân biệt đúng - sai; đến khi trẻ lớn hơn, mới bắt đầu hướng dẫn chúng phân biệt thế nào là thiện - ác; việc làm đúng hay trái đạo lý…

Phụ huynh cần bình tĩnh, kiên nhẫn và hết sức khoa học, mới mong việc giáo dục trẻ được thành công tốt đẹp.

Chuyên gia tư vấn tâm lý 
Hồ Thị Tuyết Mai
 Khánh Thủy (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI