Thấp thỏm không yên khi vợ chồng em trai bòn rút tiền của ba mẹ

17/12/2018 - 21:55

PNO - Vợ chồng em trai cứ ỷ vào tài sản của ba mẹ, liên tục bòn rút tiền với lý do làm ăn. Tôi thấy lo lắng nên can thiệp, em trai liền tỏ thái độ thù ghét.

Ba mẹ tôi chỉ có hai đứa con và đều đã có gia đình riêng. Tôi lấy chồng cách đây 10 năm, cuộc sống tương đối ổn định. Còn em trai cưới vợ hơn 5 năm và hiện tại đang sống cùng ba mẹ.

Ba mẹ tôi là cán bộ nhà nước nghỉ hưu nhưng ngoài khoản lương hưu, ba mẹ có hai căn nhà cho thuê nên thu nhập cũng dư dả. Khi tôi lấy chồng, ba mẹ đã cho 5 cây vàng làm của hồi môn. Đến lúc vợ chồng tôi xây nhà, ba mẹ cũng phụ thêm mấy trăm triệu.

Thap thom khong yen khi vo chong em trai bon rut tien cua ba me
Ba mẹ tôi có một số tài sản để dành khi về hưu. (Ảnh minh họa)

Còn em trai tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã được ba mẹ cho đi du học tự túc để lấy bằng thạc sĩ. Nhưng khi về nước, em không chịu khó làm việc. Cứ làm chỗ này một thời gian lại nhảy sang chỗ kia nên thu nhập không ổn định. Mọi khoản chi tiêu đều xin tiền ba mẹ.

Tôi khuyên em nên chú tâm xây dựng sự nghiệp để lập gia đình nhưng em rất ỷ lại. Em bảo, giờ em có nhà có xe, tiền bạc của ba mẹ dư dả, không việc gì phải lo. Đến năm 28 tuổi, em trai cưới vợ.

Ba mẹ hy vọng khi có gia đình em sẽ thay đổi. Nhưng em dâu tôi thuộc dạng lười làm, thích chưng diện. Em dâu đi làm cho có chứ lương bổng không bao nhiêu. Tuy vậy, em rất biết chiều lòng ba mẹ.

Hầu hết các chi phí sinh hoạt trong nhà đều do ba mẹ chi trả. Vợ chồng em trai không phụ thêm đồng nào, hàng tháng còn xin thêm tiền. Hai đứa cháu ra đời, ông bà phải gánh thêm tiền ăn uống và học phí.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì tôi không lo lắng. Nhưng gần đây, vợ chồng em trai đều xin nghỉ việc rồi đòi ba mẹ đầu tư vốn mở nhà hàng làm ăn. Ba mẹ phải bán đi một căn nhà cho thuê để lấy tiền cho em.

Làm ăn chưa thấy thu lại vốn, em trai lại tiếp tục xin tiền ba mẹ để mua xe, đổi mặt bằng. Ba mẹ không rõ việc làm ăn của con ra sao nhưng thấy con đòi tiền lại tiếp tục rao bán căn nhà còn lại.

Tôi thấy vậy mới khuyên ba mẹ tự thương lấy thân mình, phải giữ tiền mà an dưỡng tuổi già. Nếu như cứ đáp ứng yêu cầu của vợ chồng em trai thì đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt về sức khỏe lẫn tinh thần.

Em trai đã hơn 30 tuổi phải biết tự làm nuôi thân và cáng đáng gia đình. Ở tuổi đó, không phụ giúp ba mẹ thì thôi chứ sao cứ bòn rút tiền mãi. Ba mẹ đã già, lương bổng có hạn, tài sản tích lũy cả đời đem ra bán hết đến lúc trắng tay thì làm thế nào.

Thap thom khong yen khi vo chong em trai bon rut tien cua ba me
Em trai to tiếng khi biết tôi can ngăn ba mẹ tiếp tục bán nhà. (Ảnh minh họa)

Nghe tôi nói vậy, ba mẹ đắn đo, không muốn bán nhà nữa. Em trai biết chuyện tôi ngăn cản ba mẹ liền tỏ thái độ thù ghét. Từ nhỏ đến lớn, chị em tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau nhưng lần này, em trai chỉ thẳng vào mặt tôi quát: “Chị đã đi lấy chồng rồi thì lo yên phận đi, đừng có can thiệp vào chuyện của tôi. Hay chị sốt ruột vì mình không được chia phần”.

Tôi đau đớn vô cùng khi nghe những lời lẽ như thế. Vốn dĩ tôi không hề có ý định đụng chạm gì đến tài sản của ba mẹ vì mặc định nó thuộc về em trai. Vả lại, ba mẹ đã cho tôi quá nhiều, kinh tế của tôi không phải quá khó khăn.

Tôi khuyên ba mẹ vì tôi thấy lo lắng cách làm ăn phiêu lưu của em trai. Tôi không muốn ba mẹ rơi vào tình cảnh không một xu dính túi khi tuổi càng cao. Lúc ấy, liệu vợ chồng em trai có đối xử tử tế với ba mẹ nữa không ?. Biết bao nhiêu gia đình đã xảy ra bi kịch vì những chuyện tương tự như thế.

Hải Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI