Thanh Bùi: ‘Không cần con trở thành nhà khoa học, chỉ cần con sống hạnh phúc’

16/04/2018 - 14:03

PNO - “Trong 30 năm nữa, khi khoa học công nghệ, robot có thể làm thay 75% công việc của con người hiện tại thì đâu là điều khác biệt giữa người và máy móc?”, Thanh Bùi đặt câu hỏi này.

Trong nhiều cách dạy con của người nổi tiếng, nhạc sĩ Thanh Bùi được chú ý với tư duy tân tiến phương Tây nhưng chưa bao giờ anh nói đến mong muốn dạy con của mình.

Mới đây, khi xuất hiện trong chương trình nói về tầm quan trọng của âm nhạc với sự phát triển của trẻ, nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ một số thông tin khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ.

Thanh Bui: ‘Khong can con tro thanh nha khoa hoc, chi can con song hanh phuc’

Nhạc sĩ Thanh Bùi tâm huyết với nhiều dự án âm nhạc dành cho trẻ em

“Trên thế giới, theo nhiều nghiên cứu khoa học, những năm đầu đời quan trọng nhất trong sự hình thành não bộ của trẻ. Trong 1 nghiên cứu, ở lứa tuổi 3 trong vòng 6 tháng, trẻ được tiếp xúc với âm nhạc có khả năng nhận thức tốt hơn 32% so với trẻ thông thường”, Jeannie Castillo – Chuyên gia Đào tạo Cấp cao Kindermusik Quốc tế cho biết

“Tôi từng nghe rất nhiều câu hỏi từ bậc bố mẹ rằng đứa con của họ học giỏi toán thì học âm nhạc để làm gì? Vậy, tôi chỉ tò mò rằng bao nhiêu phụ huynh muốn con mình phát triển theo học thuật (logic) và bao nhiêu người cần con trở thành một người sáng tạo? EQ và IQ không thể tách rời nhau nhưng đến lúc mọi người phải quan tâm đến việc trẻ phải được phát triển một cách toàn diện, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 – 7 tuổi”, nam nhạc sĩ chia sẻ.

Với cá nhân anh, kể từ khi 2 con được sinh ra, mỗi sáng anh đều "đánh thức" con bằng một vài câu hát và theo quan sát của anh, theo thời gian, các con anh "bắt nhịp" và nhận diện, có phản xạ rất rõ ràng với âm thanh đó. 

Chia sẻ của Thanh Bùi cũng là sự quan tâm của nhiều chuyên gia theo đuổi việc dùng âm nhạc kích thích trí não và cảm thụ của trẻ sơ sinh bằng âm nhạc. 

Thanh Bui: ‘Khong can con tro thanh nha khoa hoc, chi can con song hanh phuc’

Giảng viên thanh nhạc Triệu Yên (bìa phải) mất 4 năm để tìm hiểu việc giảng dạy cho trẻ sơ sinh bằng âm nhạc theo phương pháp Kindermusik. 

“Khi trẻ chưa nói được nhưng chúng có thể nghe được nhịp tim của mẹ, nghe tiếng cười nói xung quanh. Những âm thanh này tác động lên các vùng khác nhau của não bộ, dần hình thành cảm xúc cho trẻ. Có thể hiện tại chúng ta chưa thấy nhưng tương lai đó sẽ là những kết quả đẹp. Đối với những thế hệ bố mẹ hiện đại, họ nên nghĩ đến điều này”- Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Đại sứ Chương trình Tú tài Quốc tế tại Việt Nam nhận định.

Với nhiều chuyên gia, khi con trẻ chưa có khả năng nói, âm nhạc là tiếng nói chung kết nối trẻ em và người lớn. Tuy nhiên tại Việt Nam, âm nhạc – nghệ thuật tại các trường học chưa được đề cao như các môn khoa học, văn hoá mà trẻ chỉ có thể học sau giờ học. Đó là một điều khác biệt với nền giáo dục tại các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, tại Việt nam, điều này chưa được đánh giá đúng vì nhiều phụ huynh còn mơ hồ với khái niệm dạy trẻ từ 0 – 7 tuổi, bởi hiệu quả của phương pháp ở giai đoạn rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường. 

“Trong 30 năm nữa khi khoa học công nghệ, robot có thể làm thay 75% công việc của con người hiện tại thì đâu là điều khác biệt giữa người và máy móc? Đó là tạo ra những điều mà robot không thể làm được như cảm xúc, sự sáng tạo. Ai cũng muốn con mình thành đạt nhưng với 2 đứa trẻ nhà tôi, tôi không cần con trở thành nhà khoa học, chỉ cần con sống hạnh phúc”, nhạc sĩ Thanh Bùi tâm sự.

Thanh Bui: ‘Khong can con tro thanh nha khoa hoc, chi can con song hanh phuc’

Tại Việt Nam, nhiều phụ huynh còn xa lạ với khái niệm cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc từ tuổi sơ sinh

Dĩ nhiên, không phải âm nhạc, âm thanh nào tác động đến trẻ trong độ tuổi này cũng có hiệu quả. Theo giảng viên thanh nhạc Triệu Yên, đó là những âm thanh vừa phải đi cùng với hành động, lời nói của từng chủ đề để tập cho trẻ những phản xạ cơ bản, không khí vui vẻ của mọi người xung quanh cũng tạo cho trẻ sự tiếp thu nhanh chóng.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI