Tại sao chúng ta mất hứng thú?

26/10/2019 - 04:54

PNO - Tại sao chúng ta lại có thể dễ dàng trì trệ và thường xuyên mất hứng thú và động lực? Bạn có tàn phá gì bên trong mình để làm mới hoặc tái tạo cho một số lĩnh vực của đời sống?

Dẫu trái đất đang mang trên mình nhiều vết sẹo khó lành do nền công nghiệp tân tiến và chiến tranh, nhưng vẻ đẹp hùng vĩ của tự nhiên vẫn khiến chúng ta trầm trồ, tán thưởng, nhưng không tôn thờ.

Tại sao ư? Bởi tuy cái ngây thơ và thanh khiết như trẻ nhỏ trong tâm hồn mỗi người vẫn còn, nhưng dường như đã mờ nhạt để chúng ta hiểu ra vì sao thiên nhiên đang nổi giận. Con người đã bó tay trong việc khống chế sự tàn phá.

Họ đã mất nhiều thời gian và năng lượng chỉ để hiểu cách vận hành không trật tự trong tự nhiên, và họ đã bỏ qua một quy định, đó là sự biến đổi không ngừng, từ huy hoàng sang tàn phá, và từ tàn phá sang huy hoàng. 

Tai sao chung ta mat hung thu?
Ảnh minh hoạ

Đổi mới sáng tạo không ngừng có trong mỗi ngọn núi, mỗi phân tử, trong từng ngọn cỏ, ở đáy đại dương, và con người. Sự phân rã và tàn phá là không thể thiếu cho sự đổi mới và tái tạo. Bạn hãy thử dừng lại, nhìn vào mọi thứ xung quanh bạn, ngay cả bản thân bạn…

Bạn có thấy một chuỗi những thay đổi không ngừng của tiến trình tàn phá và tái tạo không? Bạn có nhìn ra manh mối tại sao, chúng ta, những con người, lại có thể dễ dàng trì trệ và thường xuyên mất hứng thú và động lực không?

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự sáng tạo phi thường nhất lịch sử loài người, nhưng lại tụt hậu trong việc đổi mới và tái tạo cho tâm hồn của chính mình. Chúng ta sẵn sàng tham gia mọi sự kiện, nhằm cải tiến chất lượng đời sống của mình, nhưng không giống với tự nhiên, chúng ta khó nhận ra nhu cầu cần tàn phá thứ gì đó ở bên trong vốn đã cũ, lỗi thời, méo mó, vặn vẹo, không lành mạnh và tiêu cực, là cần thiết.

Điều này không liên quan gì đến cơ thể hay não bộ, mà với tâm trí và tâm hồn. Chúng ta hiếm khi thách thức niềm tin của chúng ta, ngay cả khi nó là vô lý và gây hại. Chúng ta hiếm khi nỗ lực nghi vấn lại sự hiểu biết của mình, ngay cả khi chúng ta biết nó đang bóp méo sự diễn giải về thực tế.

Chúng ta hiếm khi dành thời gian và năng lượng để tàn phá những thói quen cũ, dẫu biết rằng nó đang phản tác dụng. Nhìn vào trong, bạn có thấy điều đã cũ, lỗi thời và hiển nhiên đang làm bạn mắc kẹt? Và bạn có sẵn sàng tàn phá hoặc chuyển hóa nó thành một điều khác hay không? 

Tai sao chung ta mat hung thu?
Ảnh minh họa

Hẳn chẳng dễ dàng gì, bởi vùng thoải mái của chúng ta đang bị đe dọa nếu chúng ta làm như vậy. Tàn phá điều đã cũ, là phải đi ngược dòng thủy triều hoặc trái ngược với một nhóm đồng đẳng, thậm chí là xã hội. Bạn có dám tự giải phóng mình khỏi nhu cầu được thừa nhận không? Có lẽ là khó, bởi chúng ta vẫn chưa chắc chắn thay thế cho cái cũ bằng cái gì?

Chúng ta chưa đủ sáng tạo, do đó, chưa sẵn sàng và tự nguyện tàn phá điều vô dụng đối với mình. Sức mạnh tàn phá luôn hợp tác với chúng ta bằng sức mạnh của sự sáng tạo, không cho tự nhiên, vì đó không phải là phần việc của chúng ta, cũng chẳng phải tàn phá gì đó trong xã hội, vì đó cũng không phải là việc của chúng ta. Việc của chúng ta là nhìn ra và tàn phá điều không còn hữu ích trong tâm hồn cho sự đổi mới và an lành của chúng ta.

Nếu khả năng tàn phá này không đi cùng sự sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng, mất lòng tin và lo sợ. Do vậy, đau khổ ở một hình thức nào đó, trở thành khách viếng thăm tâm trí và cơ thể bạn, để nhắc nhớ rằng bạn đã không chịu tàn phá hoặc đốt bỏ mớ rác rưởi của ảo tưởng, niềm tin hoặc thói quen trái với hạt giống bản chất thật sự của chính bạn, đó là bình an và yêu thương. Chẳng dễ nhận ra và sống cuộc đời sáng tạo cho đến khi sự phân rã thật sự diễn ra. Tự nhiên đang vận hành theo đúng quy luật - tàn phá và tái tạo. 

Còn chúng ta thì sao? Câu hỏi: tại sao sự tàn phá lại là cần thiết cho sự sáng tạo? Suy ngẫm: gần đây, bạn đã tàn phá gì bên trong bạn để làm mới hoặc tái tạo cho một số lĩnh vực của đời sống? Hành động: trong suốt tuần tới, hãy xác định và giải phóng một niềm tin lỗi thời, một nhận thức sai lầm, và một thói quen cũ mà bạn biết là phản tác dụng. 

 Phạm Thy Sen 
(Trung tâm InnerSpace)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI