Tác giả Thu Hà: 'Khi sinh con là bạn quyết định để trái tim mình ngoài cơ thể'

03/06/2019 - 09:33

PNO - “Con nhà người ta...”, “Mẹ muốn con sau này sung sướng...”, “Biết vậy đẻ ra bóp mũi”... đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người lớn với con. Chị Thu Hà đang cố gắng cùng các mẹ dạy dỗ con một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Chị Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim) - tác giả các đầu sách về dạy con như: Con nghĩ đi, mẹ không biết!, Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, Buông tay để con bay... - vốn không xa lạ với các bậc phụ huynh, bởi chị luôn mang tinh thần mới trong cách dạy con, ứng xử với con.

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'
Chị Trần Thu Hà

Trò chuyện với chị, những câu chuyện bình thường quanh việc dạy con, bạn sẽ ngộ ra rằng chúng ta không hẳn hoàn toàn đúng trong cách hành xử với con...

Đừng “chém” con bằng lời nói

Phóng viên: Chúng ta hay có thói quen mang những gì mình được dạy dỗ ngày xưa ra nói với con trẻ. Điều đó có còn đúng? 

Tác giả Trần Thu Hà: Tôi lớn lên bởi những lời dạy của bố. Bố tôi vốn là người khiêm tốn. Thế nên, lúc ấy, tôi thật lòng tin mình xấu xí, kém cỏi, không có giá trị. Theo bạn, chúng ta có nên nhồi nhét vào con những điều làm cho con cảm thấy mình yếu kém? Tôi tin rằng, con tôi xứng đáng được hạnh phúc khi con hiểu đúng giá trị của mình và tin rằng mình xứng đáng được hạnh phúc.

Osho từng nói: “Tôi có thể hiểu được nỗi sợ hãi của bạn, những bậc cha mẹ mà con cái không sống theo hướng mà bạn thích. Nhưng đó là vấn đề của bạn. Còn con cái không phải sinh ra để cho bạn thích hay không thích. Nó phải sống cuộc đời của nó và bạn nên vui vì nó đang sống cuộc đời của nó - cho dù thế nào”. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên thành thật với chính mình, nhìn được điều đúng sai trong hành trình dạy con và tự điều chỉnh mình. 

* “Con nhà người ta...”, “Mày chẳng làm cho ba mẹ hãnh diện...”, “Chỉ là mẹ muốn con sau này sung sướng...”, “Biết vậy đẻ ra bóp mũi mày cho rồi...” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người lớn dành cho con mình.

- Tôi gọi đó là những lời nói sát thương hơn dao chém. Tôi biết nhiều bé đang sống trong những ngôi nhà khang trang, nhìn tưởng ấm êm nhưng từng trầm cảm, cắt cổ tay, bỏ nhà đi... Nhiều trẻ thú nhận mình thực sự đau đớn và luôn cảm thấy sự tồn tại của mình là thừa thãi. Trẻ con luôn sợ bị cha mẹ so sánh với bạn bè.

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'

Tôi nghĩ, khi mắng chửi con, chắc chắn cha mẹ cũng rất đau đớn. Nhưng cha mẹ không có cuốn hướng dẫn sử dụng quyền năng làm cha mẹ. Có chăng, như bạn nói ở trên, chỉ là vô thức sao chép lại cách ông bà dạy ngày xưa.

Có khi nào cha mẹ tự hỏi, tại sao trẻ em Việt Nam lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến, nhút nhát, tự ti, mặc cảm? Tôi nghĩ, nguyên nhân chủ yếu từ việc cha mẹ áp đặt, cấm đoán và bạo hành từ khi trẻ còn nhỏ. Những trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng, mạt sát, so sánh với người khác làm sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin.

Đầu tư cho cha mẹ cũng là đầu tư cho con

* Vậy phải học để làm cha mẹ tốt?

- Năm 2016, Đại học Harvard công bố kết quả một nghiên cứu kéo dài 30 năm với 107 người Mỹ ở nhiều tầng lớp xã hội. Theo đó, ảnh hưởng của cha mẹ tới con cái rất lớn, vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng. Cha mẹ càng giỏi, quan hệ rộng, càng giàu có, hiểu biết thì con càng thành đạt. 

Từ ngày có con, tôi tích cực đi học hơn: học kỹ năng, học tâm lý, học để phát triển bản thân… Từ ngày có con, tôi đọc sách nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, đi du lịch nhiều hơn, chịu khó giao tiếp... vì tôi nhìn rất rõ, một đồng học phí đóng cho tôi thì cả nhà tôi được hưởng lợi. 

Tâm lý của chúng ta thường là đầu tư cho con. Nghiên cứu từ Đại học Harvard chỉ rất rõ, trong gia đình, chính cha mẹ là người đầu tiên cần nỗ lực, dù là để đạt tầm cao mới về vật chất hay tri thức... Khả năng vươn lên trong xã hội giống như một cuộc đua tiếp sức gia đình...

Mình cần trang bị cho bản thân nhiều thứ, trước khi học để trở thành cha mẹ tốt. 

* Và hẳn phải có cả những “bí kíp” dành cho cha mẹ giữa thế giới quá nhiều lo lắng này?

- Khi bạn sinh con, là bạn quyết định để trái tim mình ngoài cơ thể. Làm sao chúng ta tránh được những lo lắng khi xung quanh ngày càng có quá nhiều điều bất an. Có khi tôi nghĩ lẩn thẩn: “Hay là mình nhét ngược con vào lòng”, bởi chỉ có lòng mẹ là an toàn nhất. Nhưng, thực tế không hẳn thế. Trong bào thai, con cũng có thể bị tổn thương mà. Chúng ta nên biết rằng, chẳng có nơi nào an toàn tuyệt đối cho con, ngay cả trong bụng mẹ.

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'
Chị Trần Thu Hà và con gái

* Nhưng vẫn có những việc chúng ta không thể ngăn cấm, che giấu con?

- Đó là chuyện yêu. Quát mắng, cấm, đánh chỉ giống như thử thách mà tình yêu phải vượt qua. Các con luôn tin rằng hy sinh vì người mình yêu là điều vĩ đại nhất, dù có chống lại cả thế giới.

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'

Còn chuyện giới tính, chúng ta không thể giả vờ coi nó không có trên đời này mà trốn tránh. Thay vì che chắn và cấm cản, cha mẹ nên trang bị cho con hiểu biết về giới tính và các kỹ năng.

* Như vậy, cha mẹ nên lắng nghe hay lên tiếng?

- Khi con tâm sự, chưa hẳn là con đã muốn xin lời khuyên. Việc quan trọng nhất ta có thể làm là lắng nghe con. Không phải ngồi nghe con nói mà cha mẹ tay cứ bấm điện thoại. Ta phải gạt hết đi, chăm chú nghe con nói, nhìn vào mắt con để thấy phía sau lời than vãn của con là nhu cầu gì. 

Nhiều người chỉ muốn học cách nói sao cho con vâng lời. Tôi nghĩ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là lắng nghe, lắng nghe được thì mới kết nối được, mới hiểu và thương được.

Con cái thường sẽ biết giải quyết vấn đề theo đúng cách và lứa tuổi của chúng. Cha mẹ phải kiên nhẫn đợi con tự trả học phí cho bài học của con. 

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'

* Lại một mùa khoe giấy khen thành tích bảng điểm rộn ràng khắp nơi. Có gì đó bất nhẫn trong “sở thích” này thì phải?

- Tôi nghĩ công khai bảng điểm là bạo lực học đường. Có người bạn tôi tuyên bố trên Facebook sẽ “hủy kết bạn” với cha mẹ nào đăng điểm của con lên Facebook. Vậy mà, nhiều giáo viên thậm chí còn tung bảng điểm lên Facebook. Điều này thoạt nhìn tưởng chừng vô hại nhưng thật ra lại làm tổn thương con trẻ rất nhiều.

* Nhân nói về “bạo lực học đường” - chị dạy con mình phòng tránh điều đó như thế nào?

- Tôi thấy việc cho phép những học sinh làm cán bộ lớp có quyền đánh các bạn phạm lỗi là vô cùng nguy hiểm. Trẻ được đánh bạn sẽ lớn lên thế nào khi quen nghĩ rằng mình được quyền đánh người khác? Có một nghiên cứu cho thấy, nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với cái ác, đầu tiên bạn thấy ghê tởm nhưng dần dà bạn sẽ thấy bình thường.

Có những học sinh rất ngoan, vâng lời cha mẹ. Khi kẻ xấu kéo đến, trẻ không biết bỏ chạy, chỉ biết lùi dần... Đó là gót chân Asin của những đứa con ngoan. Bản năng chạy trốn là thứ đã cài đặt sẵn trong gen của bất kỳ con vật nào. Thế nhưng trong quá trình dạy dỗ, chúng ta đã làm thui chột bản năng đó, thậm chí những đứa trẻ càng ngoan càng dễ bị thui chột. 

Tac gia Thu Ha: 'Khi sinh con la ban quyet dinh de trai tim minh ngoai co the'

Hãy dạy con cách hóa giải những mâu thuẫn trong nhà khi mới manh nha, cách uyển chuyển tránh né đụng độ, cách không đánh đấm mà vẫn có sức mạnh. Có những vụ đánh nhau tàn nhẫn, bắt đầu chỉ từ việc vô tình giẫm vào chân... 

Riêng tôi, tôi dạy con mình kết giao với nhóm bạn thật tốt, những bạn tự tin và mạnh mẽ. Đừng đợi đòn, đừng giấu giếm nguy hiểm, đừng lùi vào chân tường... 

Tôi nghĩ, con mình cần phải biết tính toán cách bảo vệ bản thân trước khi tính toán phương trình. Con cần biết cách nói ngọt ngào với bạn trước khi viết văn hay. Con cần biết lắng nghe và hiểu những tiếng nói từ bên trong trước khi biết nghe hiểu tiếng Anh.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI