Suy nghĩ tích cực có phải là ảo tưởng?

22/09/2018 - 11:16

PNO - Không ít người băn khoăn, do dự khi trong môi trường sống có quá nhiều điều xấu xa, tệ hại. Liệu suy nghĩ tích cực có phải là cố tạo ra những điều tốt đẹp không có thật?

Để hiểu rõ vấn đề này, báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với cô Trish Summerfield - nhà giáo dục, cố vấn chuyên môn của Trung tâm Inner Space (làm giàu thế giới nội tâm) Việt Nam. 

Suy nghi tich cuc co phai la ao tuong?
“Nếu chúng ta thấy bản thân mình đang có khuynh hướng tập trung nhiều hơn vào những điều tiêu cực và giữ nó trong tâm trí, thì chúng ta hoàn toàn có khả năng để tăng cường suy nghĩ tích cực và hình thành thói quen giữ những điều tốt đẹp trong tâm trí. Chúng ta không phải tốn tiền vì điều này, chỉ cần chú ý và có ý thức một chút nhưng kết quả mang lại rất lớn”. Trish Summerfield

Phóng viên: Người suy nghĩ tích cực có ảo tưởng không khi luôn thấy điều tốt đẹp, thưa cô?

Cô Trish Summerfield: Không, chắc chắn là không. Trong bất kỳ thách thức nào, chúng ta có thể có một số chọn lựa dẫn đến những kết quả khác nhau. Khi một thách thức xảy ra khiến chúng ta tức giận, muốn trả thù hay ghen tỵ, điều đó có nghĩa là chúng ta đang chọn những suy nghĩ tiêu cực gây hại cho bản thân và những người khác.

Lựa chọn thứ hai khi đối mặt với những thử thách là tạo ra những suy nghĩ: “tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”, “giá như điều này không xảy ra” hay đổ lỗi cho người khác. Những suy nghĩ như thế là những suy nghĩ lãng phí, nó làm hao mòn năng lượng của chúng ta.

Lựa chọn thứ ba là suy nghĩ tích cực và chấp nhận thách thức, thì ngay lập tức ta có thể tập trung vào việc làm thế nào đáp ứng tốt nhất với thách thức, tìm ra giải pháp để có cái kết tốt đẹp. Điều này không có nghĩa là họ bị ảo tưởng, nhìn cái gì cũng tốt đẹp, mà có nghĩa là họ tập trung vào khả năng của mình để làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

* Cô có thể giải thích vì sao suy nghĩ tiêu cực thường đến dễ dàng hơn, còn suy nghĩ tích cực phải rèn luyện, kiên nhẫn mới có được?

- Theo nghiên cứu của Trường đại học Lowa (Mỹ), mỗi ngày, một đứa trẻ hai tuổi nghe trung bình 432 câu nói tiêu cực như là: “không”, “sai rồi”, “đừng làm điều đó”… và chỉ có 32 câu nói tích cực như là: “phải”, “tốt”, “làm tốt lắm”.

Tỷ lệ xấp xỉ 14 tiêu cực: 1 tích cực. Những điều được nói cho những đứa trẻ bởi những người quan trọng trong cuộc đời của nó, như là cha mẹ, ảnh hưởng đáng kể đến những suy nghĩ của chúng. Điều này có nghĩa là trẻ em thường học tập trung vào những điều tiêu cực thay vì tích cực.

Cha mẹ thường hay nói với con mình câu nào nhiều hơn: “cầm chặt ly nước” hay “đừng làm rớt ly nước”? Câu “đừng làm rớt ly nước” phổ biến hơn câu “cầm chặt ly nước”.

Suy nghi tich cuc co phai la ao tuong?
Một người mẹ tích cực sẽ cho con những nhìn nhận, trải nghiệm tích cực từ ấu thơ. Hình minh họa

Những câu nói như thế đã tập cho đứa trẻ nhìn vào những điều tiêu cực thay vì tích cực, chúng giữ trong tâm trí những điều không muốn làm thay vì những điều muốn làm.

Theo cách này, câu mà chúng thường tự nói với bản thân là: “đừng rớt” thay vì “tập trung tốt và thi đậu”. Hai điều này có thể hình thành thói quen suy nghĩ tiêu cực ở trẻ mà chúng mang theo vào tuổi trưởng thành.

Thay vì như vậy, người lớn nên khích lệ, tập trung vào những điểm mạnh của chúng và những điều mà chúng muốn đạt được. Những đứa trẻ như thế khi lớn lên sẽ có khuynh hướng trở thành những người có suy nghĩ tích cực nhiều hơn. 

* Như vậy, người có suy nghĩ tích cực trong xã hội đầy tiêu cực có bị lọt vào hàng ngũ thiểu số thua thiệt không?

- Nhìn vào những thay đổi quan trọng đã xảy ra trên thế giới, sẽ thấy chúng thường khởi đầu với những cá nhân hay thiểu số đang làm điều gì đó khác với đa số. Vâng, ở trong thiểu số thì cần phải can đảm và đôi khi vào những giai đoạn ban đầu, chúng ta có vẻ như bị “thua thiệt”.

Có thể ở nơi tôi làm việc, người ta có thói quen dùng thời gian để chuyện trò, tán gẫu, chỉ trích, phàn nàn về người khác, còn tôi không muốn sử dụng thời gian của mình theo cách này, thì tôi thuộc về thiểu số. Và cũng có thể ban đầu tôi cảm thấy mình bị bỏ quên một chút và tôi mất đi những mối quan hệ thông qua điều này.

Nhưng nếu tôi bước một bước can đảm này, tôi sẽ sống hòa nhịp với những giá trị của bản thân, điều này sẽ mang lại một ý thức tin cậy vào bản thân, sự bình an nội tâm và cũng có thể tạo cảm hứng cho một số đồng nghiệp của tôi chọn sự tích cực thay vì đàm tiếu, phàn nàn…

Không phải vì đa số mọi người đều làm như thế thì có nghĩa là nó đúng hay là tôi cần phải làm theo. Mặt khác, vào những thời điểm thách thức, những người có thể giữ tầm nhìn tích cực về tương lai rất có ích cho những cơ quan, tổ chức, cộng đồng và thường nhận được sự hỗ trợ cũng như những cơ hội.

Suy nghi tich cuc co phai la ao tuong?
Không phải ai cũng nhìn thấy hoa xinh bướm lượn quanh mình. Hình minh họa

* Theo cô, suy nghĩ tích cực có phụ thuộc vào điều kiện sống của con người không? Nếu ai đó sống trong điều kiện quá thiếu thốn, khổ sở liệu họ có thể suy nghĩ tích cực được không? 

- Một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta có được là sự chọn lựa thái độ và suy nghĩ của mình trong bất cứ tình huống nào. Có lần tôi đã trò chuyện với người bạn vừa trải qua kỳ nghỉ. Anh ta cho rằng, nó thật tuyệt vời, một kỳ nghỉ tốt đẹp nhất chưa từng có.

Một vài ngày sau, vợ anh ta nói với tôi về kỳ nghỉ đó với một loạt lời phàn nàn và rằng cô ghét kỳ nghỉ đó. Cùng một kỳ nghỉ mà hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Tình huống không hề quyết định hạnh phúc của chúng ta. 

Đôi khi người ta có ít vật chất và có những thách thức khổng lồ trong cuộc sống hằng ngày, tuy nhiên gương mặt của họ tỏa sáng với niềm hạnh phúc thật sự, trong khi người dư thừa vật chất lại có gương mặt khó chịu vì không hạnh phúc. 

* Suy nghĩ tích cực có sự lan truyền hay luôn phải được giáo dục và tập luyện khó nhọc mới có?  

- Nó thật là tự nhiên nhưng phải được học. Thường khi còn nhỏ, chúng ta có những suy nghĩ tích cực mạnh mẽ, nhưng rồi lớn lên, trải qua nhiều sự kiện trong cuộc sống, suy nghĩ của chúng ta bị ảnh hưởng, trở nên tiêu cực hơn và giờ đây chúng ta có thể chọn học suy nghĩ tích cực trở lại một lần nữa.

Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI