Sắp xuống lỗ còn bày đặt tái hôn

03/12/2019 - 15:00

PNO - Bây giờ mỗi sáng có cô vợ mới đi bộ cùng ông, bước chân ông đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Trông ông trẻ ra đến vài tuổi…

Thị trấn chỗ tôi, chuyện hai ông bà trên bảy mươi tuổi tổ chức đám cưới vàng là chuyện lạ. Cũng bánh kem, tháp rượu sâm banh, bong bóng xanh đỏ... ông diện bộ vest, bà mặc áo dài khoác tay nhau đi từng bàn tươi cười cụng ly với khách. Người hể hả chia vui, nói ông bà từng tuổi này còn đầm ấm bên nhau đã là phúc đức. Người cười sau lưng, nói sắp xuống lỗ còn chơi trội, bày đặt làm cô dâu chú rể để khoe mẽ…

Sap xuong lo con bay dat tai hon
Ảnh minh họa

Tôi thuộc nhóm thứ nhất. Dễ có mấy ai bên nhau mặn nồng tới đầu bạc răng long. Vả lại, ông bà tạo được cơ nghiệp hoành tráng, con cái đề huề, vậy thì một buổi lễ kỷ niệm có gì sai trái.

Lúc trước, ông làm thầu xây dựng. Bà ở nhà nuôi con, phụ ông sân sau. Nhờ trời, ông ăn nên làm ra, gầy dựng cho năm đứa con mỗi đứa một căn nhà bề thế. Ông bà ở riêng một căn biệt thự. Tài sản chia đều, con cái chẳng đứa nào làm dâu làm rể nên đại gia đình hòa thuận yên ấm. Ai nhìn vào cũng khen ông bà khéo thu xếp.

Tuổi già thảnh thơi. Sáng, ông bà cùng nhau đi bộ, uống cà phê. Trưa, bà khỏe thì nấu cơm, không thì đặt cơm mang đến. Thỉnh thoảng, vợ chồng lại cùng nhau đi du lịch. Một cuộc sống đáng để nhiều người mơ ước.

Sau lễ cưới vàng không lâu, bà đột ngột ra đi. Mỗi ngày, thấy ông đi bộ một mình, bước chân dường như trĩu nặng hơn ngày thường. Nhà cậu con út ở kề bên, nên hay chạy qua chạy lại ngó chừng ông. Mấy đứa con lớn cũng thường xuyên về thăm. Nhưng khoảng trống bà để lại, đám con cháu sao có thể lấp đầy.

Thỉnh thoảng tôi ngang qua, thấy ông ngồi trước hiên, một chân co, tay gác trên đầu gối, kiểu ngồi khoắc khoải, giết thời gian của người già, chợt thấy xót xa. Tôi hình dung ông ngồi một mình một mâm cơm, một mình trên giường cạnh chiếc gối trống… Ngày của ông hẳn là dài lắm.

Bất ngờ, lối xóm thấy nhà ông xuất hiện một phụ nữ trẻ, kém ông chừng hai mươi tuổi. Nghe kể ông hay uống cà phê ở quán cô ấy, rồi dính luôn. Cô ta từng có hai đời chồng, có con trai còn đang đi học. Bầy con của ông phản đối kịch liệt. Cực chẳng đã, ông trưng ra tờ cam kết hôn nhân giữa ông và cô ấy.

Sap xuong lo con bay dat tai hon
Ảnh minh họa

Hằng tháng ngoài tiền chợ, ông còn chu cấp cho cô ấy một số tiền để chi dùng cho bản thân và nuôi con. Khi ông qua đời, căn biệt thự sẽ chia đều cho năm đứa con, phần cô ấy được hưởng ba trăm triệu để lo cuộc sống sau này. Ngược lại, cô ấy phải có nghĩa vụ chăm sóc, ở cạnh ông tới phút cuối…

Mấy đứa con yên tâm về phần tài sản, nhưng vẫn tiếc của, viện cớ mất mặt để ngăn ông. Thái độ của ông rất kiên quyết, nên về sau đám con lảng dần. Cậu con út còn xây bức tường ngăn khoảng sân giữa hai nhà. 

Bây giờ mỗi sáng có cô vợ mới đi bộ cùng ông, bước chân ông đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi ngang qua, thấy ông và vợ uống cà phê trong sân. Ông cầm tay cô ấy, mắt nhìn âu yếm, đang nói gì đó vui vẻ lắm. Trông ông trẻ ra đến vài tuổi…

Người già đâu chỉ cần những bữa cơm ngon, thuốc thang đủ đầy, mà cần đời sống tinh thần lạc quan vui vẻ. Người ta hay nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Sự ân cần, tinh tế, ngọt ngào người kia mang lại, con cái sao có thể sánh bằng.

Cha mẹ tuổi già, tài sản sau khi phân chia rạch ròi, nên để họ được sống theo ý thích, được tái hôn. Nhìn đâu đó trong những căn nhà cửa đóng kín, bóng cha mẹ đứng bơ vơ bên lan can, khoắc khoải ngó dòng người xuôi ngược, thấy thương quá đỗi. Cả một đời hy sinh vì con cái, tuổi già, cha mẹ được sống cho bản thân thì có gì sai? 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI