Quá vô tư, mẹ thành kẻ vô tâm

24/08/2019 - 14:00

PNO - Có lúc, đang nhập viện vì động thai, thấy má gọi, Thương như vơ được chiếc phao cứu sinh vì má có kinh nghiệm năm lần vượt cạn. Nhưng, cuộc gọi ráo hoảnh khi bên kia chẳng cần mào đầu...

Đứa nhỏ mới ba ngày tuổi khóc ngằn ngặt trên tay, Thương vừa vụng về dỗ con, vừa quay qua nói với người phụ nữ đang chờ ở cửa: “Má làm ơn nói má về quê có việc gấp. Chứ con cháu còn non nớt thế này mà má bỏ đi chơi hoài thì ba mẹ chồng con cười cho”.

Má Thương tần ngần một chút, rồi nói: “Má biết rồi!”. Nghe tiếng cánh cửa khép lại, Thương ôm ghì đứa con đang gắt ngủ mà trong đầu chỉ mường tượng những bước chân xuống cầu thang đang nhỏ dần, khuất dần. 

Vậy là xong một chuyến thăm ba ngày. Má từ Quảng Ngãi vào TP.HCM, xuống thẳng bệnh viện phụ sản quốc tế Thương đang nằm, nựng cháu, chụp hình đăng Facebook, xong ngơ ngác hỏi sui gia: “Trưa nay nó ăn gì?”. Mẹ chồng Thương lúng túng: “Nghe nói bệnh viện có nấu cơm, cả nhà ăn chung”. Má ờ, đỡ quá hen! 

Qua vo tu, me thanh ke vo tam
Hình minh họa

Phòng lưu viện hạng VIP của bệnh viện đắt đỏ nhất thành phố cũng trở nên chật chội. Chỉ có chồng Thương chăm con. Má Thương hồn nhiên… chụp hình từng góc một. Thỉnh thoảng, gặp món đồ lạ quá, má cầm lên hỏi: “Cái này để làm gì hén?”. Mẹ chồng trả lời rồi cắm cúi soạn đồ cho cháu nội, bóp chân cho con dâu. Thương tránh nhìn má. Thương sợ điều đó sẽ là cơ hội thuận lợi cho một câu hỏi nào nữa. Gần sáu mươi năm, sự vô tư của má đã hàng trăm lần quật Thương ngã quỵ. 

Không đợi đến giờ cơm trưa, má “xin phép chị sui tui đi thăm bạn. Mấy khi được vô Sài Gòn”. Chị sui vui vẻ động viên: “Bà cứ đi đi”. Má từ chối lời đề nghị đưa đi của con rể: “Má xuống cổng kêu chiếc taxi rồi đi đâu chẳng tới. Con ở lại đây chăm con Thương, nó mới đẻ xong mệt lắm!”.

Ở bệnh viện, người đến thăm cứ hỏi: “Mẹ ruột em đâu?”. Có người còn mào đầu: “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Mẹ chồng hiền queo, nhưng hễ nghe ai hỏi vô tư quá cũng tằng hắng một cái, nói: “Nhà ngoại xa xôi, là tui giữ nó trong đây đặng có điều kiện sanh đẻ cho tốt. Mẹ nào chẳng là mẹ”. 

Bữa đó, chồng Thương vào viện trễ vì phải “dọn nhà”. Thương thấy lạ. Người đàn ông mê con đến thế mà hôm nay cứ nấn ná không chịu vào viện. Bị hỏi dồn, chồng mới ngập ngừng: “Tối qua má đi thăm bạn về say quá trời, ói từ dưới nhà lên tới phòng. Chị giúp việc dìu má về phòng xong, tuyên bố không dọn, biểu để má tỉnh rượu rồi tự dọn lấy”.

Thương “dạ”, lòng chỉ ước mình không vướng cảnh mới sanh để chạy ù về nhà, lay má dậy, kêu má về quê mà ăn chơi cho đỡ lụy phiền người khác.

Ngày Thương xuất viện, mẹ chồng Thương cứ giục: “Hay con gọi má con vô, biết đâu má con ngại?”. Tiện lúc đang bận bịu thay tã cho con, Thương làm lơ. Lát sau, bị vợ bắt gặp đang bấm số gọi má, chồng Thương ngập ngừng nói: “Thiếu má, người ta cứ hỏi rồi em lại tủi”. Thương nói tỉnh rụi: “Không sao đâu, không thấy má người ta sẽ nghĩ em mồ côi”. 

Lâu lắm rồi, Thương hay tự phủi lấp mình trong cái danh xưng “mồ côi” mỗi lần phải một mình đối diện với đám đông. Từ nhỏ Thương đã chẳng có “phụ huynh” để đi họp cuối mỗi học kỳ.

Thương nhớ, hồi lớp Bảy, có lần tan trường đã thấy má đứng gần đó với chiếc xe đạp quen thuộc. Mừng quá, Thương chạy lại hỏi: “Má đón con hả má?”, rồi leo tót lên yên sau ngồi. Má có vẻ ngập ngừng, rồi cũng nặng nhọc đạp xe đi. Đi được một chút, má đột ngột thắng xe lại, dáo dác trước sau rồi sai Thương “qua bên kia đường lượm cái vỏ lon cho má”. Thương lớ ngớ. Cái vỏ lon nước tăng lực lượm về sẽ bán được hai trăm đồng.

Đường lộ buổi chiều xe lớn xe nhỏ lao vun vút. Kinh nhất là đám bạn học của Thương cũng đang đạp xe gần đó. Lúc này mà qua tận bên kia đường để lượm cái vỏ lon thì vừa sợ xe, vừa… quê. Nhưng không có nỗi sợ nào bằng sợ má. Thương lầm lũi qua đường, vừa lượm cái vỏ lon, vừa nghĩ không biết đám bạn bên kia đường có nhận ra mình không. Lúc Thương ngước lên, má đã biến mất.

Nhìn trước ngó sau một hồi, Thương nhận ra má đang đứng cách một đoạn xa. Cầm cái lon chạy gần đến nơi, Thương mới thấy má không đứng một mình. Người đàn ông râu ria hay dấm dúi trong nhà mỗi lần cha đi vắng giờ đang ngồi trên chiếc xe máy đậu sát rạt chiếc xe đạp của má. Thấy Thương, má nghiêm giọng nói: “Về nhà cơm nước nhanh lên!”. Sau nỗi ngơ ngác vì bất ngờ, Thương cắm đầu chạy một mạch về nhà.

Qua vo tu, me thanh ke vo tam
Hình minh họa

Những buổi chiều trời sập tối ngay trước ngõ khi Thương vừa từ trường về đến nhà, nếu không có bóng người đàn ông râu ria vụng trộm ầm ĩ trong buồng, thì cũng có người cha say rượu, vừa chửi vừa quơ quào đập phá đồ đạc. 

Bị chửi oan suốt chục năm trời mà Thương không ghét cha. Có điều, tình phụ tử đã chuyển thành lòng thương hại. Lúc Thương được học bổng du học Mỹ, rồi cả lúc Thương đính hôn với “tấm chồng đàng hoàng”, là những lúc hiếm hoi cha không giấu được cái phần “người cha” trong mình. Những lúc đó, ông hay nói: “Nhìn con vầy, đời cha có nát cũng bõ!”. 

Cha không đợi được đến ngày Thương làm đám cưới. Bác sĩ trả cha về, giải thích: “Nội tạng ổng nát hết rồi, giờ sống ngày nào thì đau đớn ngày đó”. Má thành “bà quả phụ”, một mình đưa con gái lấy chồng thành phố. 

Trong bữa cơm gia đình do nhà chồng Thương tổ chức ngay trước ngày cưới để đãi má, má xuất hiện trước cổng với một người đàn ông lạ. Người đàn ông đi khuất, má mới quay sang cười chào họ hàng thông gia. Từ trong nhà, Thương điếng người khi thấy má ruột trong chiếc quần sọt ngắn cũn, áo thun bó sát, cổ khoét đến nửa ngực.

Suốt bữa tiệc, ba mẹ chồng Thương vẫn giữ ý, chu đáo từng chút với sui gia. Thỉnh thoảng, có những người bà con kéo Thương xuống dưới nhà, khuyên “dắt má mày đi mua mấy bộ đồ kín kín đặng mần sui coi cho được”.

Qua vo tu, me thanh ke vo tam

Hình minh họa

Từ đợt đám cưới, má hay chủ động gọi điện cho Thương… mượn tiền. Ngoài quê, đại lý bia nho nhỏ má mở gần chục năm nay làm ăn cũng khá. Có điều, cứ nửa tháng, má lại “cho bạn mượn tiền mà không trả”, hay “thấy cô hàng xóm kia khó khăn quá, má muốn giúp”... Vợ chồng Thương không thiếu tiền. Mỗi lần được gửi tiền giúp má, hay sắm sửa, mua bảo hiểm, tạo tài khoản tiết kiệm cho má, Thương còn vui vì cảm giác mình còn… “có mẹ”, “có gia đình”.

Nhưng đến lúc có bầu, bị thai hành tơi tả, lại được má gọi hằng tuần chỉ để xin tiền, Thương như bị tra tấn. Có lúc, đang nhập viện vì động thai, thấy má gọi, Thương như vơ được chiếc phao cứu sinh vì má có kinh nghiệm năm lần vượt cạn. Nhưng, cuộc gọi ráo hoảnh khi bên kia chẳng cần mào đầu: “Chuyển má mượn năm triệu”. Sau cuộc gọi của má, hàng chục người tiếp tục gọi cho vợ chồng Thương để… đòi nợ. “Má gán số điện thoại của hai đứa cho bên chủ nợ”. 

Lần đó, Thương khóc quằn quại trên giường bệnh. Ngày Thương xuất viện, chồng Thương bay về quê, hẹn gặp các em Thương để tính chuyện dàn xếp nợ nần cho má. Mấy đứa em gặp được anh rể, khóc như mưa. 

Bấy nay thương chị hai xa nhà, rồi bầu bì, đứa nào cũng giấu. Cả bốn đứa đi làm công nhân, má lên gặp chủ, ứng hết tiền lương. Chủ nợ của má gọi tụi nó mỗi ngày. Vậy chứ hễ đứa nào trách móc nửa lời, má lại đòi chết.

Từ chuyến đi đó của chồng cho đến ngày sinh con, Thương mới gặp lại má trong cuộc thăm nom ở bệnh viện. Và lần nữa, là trong buổi sáng này, trước khi má chào cả nhà, theo xe con rể “ra bến xe”. Nhưng má không ra bến xe. Ở nửa trước của cuộc đối thoại, má hớn hở hỏi Thương: “Đường Lê Hồng Phong có gần đây không? Bạn má rủ đi hát karaoke”.  

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI