Quả thận mang hình trái tim người mẹ

22/07/2016 - 14:38

PNO - Mẹ cả đời ở thôn quê, bỗng nhiên phải về nương chốn thị thành, sống giữa bốn bức tường chật hẹp, ngày ngày lại phải chen chân trong bệnh viện ồn ào đông đúc, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám, kiểm tra sức khỏe.

Qua than mang hinh trai tim nguoi me
Anh Ngô Minh Uy trong một chuyến công tác

Con chạy thận xong ra khỏi phòng cùng mẹ ngồi nghỉ ngơi chốc lát, nhìn dáng vẻ, sắc mặt, vồn vã hỏi han đôi ba câu rồi chia ra hai ngả: con được đưa về nhà, mẹ vào phòng xét nghiệm. Có khi mẹ con cùng đến gặp bác sĩ để tư vấn, lấy mẫu máu, nước tiểu, chụp X quang… Mẹ cả đời ở thôn quê, bỗng nhiên phải về nương chốn thị thành, sống giữa bốn bức tường chật hẹp, ngày ngày lại phải chen chân trong bệnh viện ồn ào đông đúc, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám, kiểm tra sức khỏe. Người mẹ ấy rân rấn nước mắt: “Chừ tôi chỉ sợ bị bệnh gì, sẽ không hiến thận được cho con. Là phải tìm người khác, làm lại từ đầu”. Người con trai nhìn mẹ thật lâu, ánh mắt đong đầy khó tả.

"Sợ có bệnh, không hiến thận được cho con"

Câu chuyện mẹ ruột hiến thận cho chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy lay động trái tim nhiều người. Đã ba tháng nay, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ của anh Minh Uy bỏ quầy bún, bỏ phiên chợ quê ở H.EaSúp, tỉnh Đăk Lăk xuống TP.HCM để chăm sóc con. Cuối năm 2015, thỉnh thoảng anh Uy bị choáng, cao huyết áp, đôi lúc mệt mỏi, uể oải, suy nghĩ không mạch lạc.

Các triệu chứng lặp đi lặp lại, đến tháng 3/2016, anh đến Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo kiểm tra sức khỏe tổng quát thì phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Bác sĩ chỉ định cấp cứu, anh Uy qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải chạy thận nhân tạo cách ngày. Sợ cha mẹ suy sụp, sinh bệnh và đường sá xa xôi cách trở, các em của anh Uy không báo về nhà. Một thời gian ngắn sau đó, hay tin, bà Thanh tức tốc đón xe về với con.

Chạy thận rất tốn kém, ngốn gần 10 triệu đồng mỗi tháng (đã trừ bảo hiểm) và không phải là liệu pháp lâu dài. Khuyến cáo của bác sĩ nên ghép thận, mở ra cho anh Uy cơ hội hồi phục lý tưởng nhất nhưng chi phí trước, trong và sau phẫu thuật đến hơn 500 triệu đồng khiến anh từng có ý nghĩ chấp nhận chạy thận đến hết đời. Suốt gần 20 năm cống hiến theo nghĩa “xả thân” cho ngành tâm lý - giáo dục, anh chỉ tích lũy được số tiền khiêm tốn, cộng với đóng góp từ người thân độ khoảng 100 triệu đồng.

Bên cạnh chi phí điều trị thì tìm người hiến thận cũng là bài toán nan giải. Một sáng, tại BV Chợ Rẫy, đến cùng anh Uy là rất nhiều người thân để xét nghiệm máu tìm người tương thích hiến thận. Bà Thanh thú thật, trước đó mấy ngày, bà luôn khẩn cầu người được chọn là bà hoặc chồng, chứ các anh em Uy tuổi còn trẻ, lại có con nhỏ, lỡ gặp sự cố gì... Cuối cùng, nhóm máu O - nhóm máu của sự cho đi, của vị tha - giúp bà cơ hội thực hiện tâm nguyện “sinh con ra lần nữa”.

Tuổi 59 của bà cũng sát lằn ranh được phép hiến nội tạng - khoảng 60 tuổi. Không ngờ lại có lúc người mẹ quê quanh năm suốt tháng quen với ruộng vườn, với lò than tổ ong, với nồi nước lèo, với tô bún, ổ bánh mì lại phải làm quen và gắn chặt với những thuật ngữ y học lạ lẫm: HLA, đo phản ứng chéo, xạ hình thận, xét nghiệm VG, CMV, EBV…

Ở tuổi đầu bạc, bà Thanh lại phải ăn cơm lường, kiêng khem chất béo, ngọt, tinh bột; con trai chọc mẹ “giữ eo như con gái 18”. Phải giảm xuống 6-7kg nữa mới đủ điều kiện hiến thận - lệnh của bác sĩ được bà thực hiện răm rắp và sau hai tháng đã giảm được 4kg. Điều khó nhất là giảm ăn nhưng lại thường xuyên lấy máu xét nghiệm, lui tới bệnh viện thăm khám, điều trị khiến bà phải cân đối chế độ ăn uống ngủ nghỉ để tránh bị đau dạ dà y, tăng/tụt huyết áp. Nhớ nhà, nhớ ông nhưng bà ít về thăm vì vướng lịch xét nghiệm dày đặc và sợ những bất trắc xảy đến, mọi nỗ lực trước đây của cả nhà đổ sông đổ biển.

Nhìn mẹ, người phụ nữ vốn sợ kim chích vẫn điềm nhiên đưa cánh tay cho y tá lấy mẫu máu, anh Uy ngẫm lại đời mẹ toàn sống cho người khác. Từ bé, anh đã thấy mẹ tảo tần, chăm sóc chu toàn cho bà cố già yếu đến tuổi 102 mới mãn phần và ông nội bị mù, bà nội bị tai biến nằm một chỗ ba năm ròng trước khi mất. Giờ ở tuổi đáng được nghỉ ngơi, được phụng dưỡng, mẹ lại hy sinh một phần cơ thể để con được sống.

Qua than mang hinh trai tim nguoi me
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy và mẹ bên bữa ăn đạm bạc một tuần trước ca phẫu thuật

"Đừng sợ, Uy!"

Chưa bao giờ mẹ con họ lại có cảm giác “là một” như thời điểm này. Uy chia sẻ: “Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực thì giai đoạn bệnh tật này là cơ hội thắt chặt tình cảm, nhất là tình cảm gia đình, mẹ con được gần gũi nhau nhiều. Tôi rời nhà sớm, từ quê Đà Nẵng vào Đăk Lăk trọ học, khi gia đình chuyển vào Đăk Lăk, tôi lại khăn gói vào TP.HCM học đại học rồi sang Thái Lan học thạc sĩ… Ngẫm lại, có lúc tôi về nhà như khách, càng không có thời gian để tâm sự với mẹ”. Giờ thì, suốt ngày Uy được nghe mẹ thủ thỉ, nhắc nhở không khác chi thuở bé. Có điều nội dung toàn xoay quanh: ăn nhạt, ăn rau, nghỉ ngơi. Khi uống nước, bà ý tứ đứng chỗ khuất tầm mắt để con không thèm thuồng vì người bệnh thận hạn chế dung nạp nước vào người.

Ở nhà, ở bệnh viện, mẹ con như hình với bóng. Trong những cuộc chuyện trò miên man, mẹ con nhắc lại những ký ức về giáo xứ quê nhà, những ước mơ bé dại bên luống khoai, về những phiên chợ nghèo, những bước chân độc hành của cậu bé “vào đời sớm” Ngô Minh Uy khởi nghiệp bán quần áo cũ ở lề đường… Rồi mẹ con cùng cười khi cuốn phim ký ức quay đến đoạn những người hàng xóm nhìn thấy con trai trên truyền hình, cứ xuýt xoa: “Bà Thanh bán bánh mì, mà chừ con bà được lên ti vi”. Bà đáp tỉnh bơ: “Nhờ tôi bán bánh mì, nuôi con ăn học, chừ con tôi mới được lên ti vi chứ!”.

Nghe Ngô Minh Uy bệnh, nhiều bạn đến thăm, chuẩn bị tâm lý gặp một người buồn rầu, ủ rũ, tuyệt vọng thì té ngửa khi thấy “Uy vẫn thế”. Ở BV Chợ Rẫy, với quỹ thời gian chạy thận từ bốn giờ đến tám-chín giờ sáng, anh “thả hồn” vào những quyển sách, những tài liệu quý giá mà trước đây do quá bận rộn chưa kịp đọc. Những cái lắc đầu, những tiếng chặc lưỡi, những lời bi quan rằng “chưa đầy 40 tuổi mà lại mang căn bệnh nan y thế này, thôi coi như xong…” đã trở nên lạc điệu khi Uy biến giường bệnh thành bàn cờ tướng để các bệnh nhân giải trí.

Vui nhất là anh nhận được lời đặt hàng của bác sĩ mai này xây dựng một chương trình huấn luyện cho nhân viên bệnh viện để cung cách phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, hay vực dậy tinh thần cho bệnh nhân để họ lạc quan chung sống với bệnh tật, hợp tác hiệu quả trong điều trị. Nếu vào facebook của anh, sẽ thấy vẫn là một Ngô Minh Uy xông xáo, nhập cuộc với những bình luận sắc bén về các vấn đề thời sự xã hội nóng hổi. Bên bản thảo bài báo đang viết dở, anh khiến mình suy kiệt mà càng phấn chấn lên”.

Thái độ an nhiên khi đón nhận một sự kiện đau buồn, có thể gây khủng hoảng mà anh vẫn thường giảng dạy trong vai trò chuyên gia tâm lý, giờ được anh làm tốt ở vai trò người trong cuộc. Lúc nhận kết quả, với nhiều người đấy có thể là “án tử”, anh chỉ hơi buồn và cảm giác ấy qua rất nhanh, càng vững tâm khi nghe lộ trình điều trị. Bước ra cổng bệnh viện, bất giác trong anh vọng lên câu nói: “Đừng sợ, Uy! Mọi thứ đâu đã kết thúc!” và bình thản hòa vào dòng người.

Lúc mới hay tin, vợ chồng bà Thanh ở quê rất sốc, mất ăn mất ngủ, hình dung tình trạng của con thật tệ. Vào đến nơi thấy Uy cười, gọi “mẹ”, bà Thanh mừng chảy nước mắt “vậy là không đến nỗi”. Tư duy tích cực ở con đã lan truyền sang cho bà. Bà Thanh tâm sự: “Hồi xưa, nhà tôi thiếu ăn mà mỗi khi dỡ khoai, ông nhà cứ sai con bê cho hàng xóm. Thật tình, đôi lúc tiếc, nóng ruột, tôi hỏi sao ông không thủ trong nhà, ông nói: thì lúc mình khó, hàng xóm sẽ giúp lại mình”. Giờ anh Uy bệnh, được bạn bè, đồng nghiệp thương lập quỹ “Bạn của Uy”, cầm những đồng tiền, những món quà từ tứ phương hoặc nghe anh đọc những câu chúc lành trên mạng, bà Thanh vô cùng cảm động, nhớ lại câu “giúp đi giúp lại” của ông, thấy đúng y.

Hiện tại hai mẹ con anh Uy đã đến chặng cuối lộ trình, sẵn sàng đáp ứng ca phẫu thuật dự kiến vào tháng Tám này. Bà Thanh sẽ hồi phục sau khoảng nửa tháng nhưng anh Uy có thể mất đến nửa năm để nghỉ dưỡng, phải tiếp tục chống chọi với nguy cơ thải ghép trước khi “chung sống hòa bình”. Câu chuyện của yêu thương, của tương lai và hy vọng ấy luôn cần sự chung tay, góp sức của bao người…

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy từng giảng dạy giáo dục học và tâm lý tại các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Hoa Sen… Anh sáng lập Công ty TNHH dịch vụ tư vấn - giáo dục WELink và Psych Café (mô hình cà phê - sách - tư vấn tâm lý). Hiện anh là Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, đại diện Quỹ Tài năng trẻ tại miền Nam.

Đóng góp, quan tâm, chia sẻ cùng anh Uy, độc giả liên hệ địa chỉ: 539A/14 Bình Thới, P.10, Q.11, TP.HCM, ĐT: 0932115494. Chuyển khoản cho Ngô Minh Uy, số tài khoản: 0721005129075, Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI