Qua châu Âu 'xóc chảo' rồi thành kẻ lừa đảo

02/11/2019 - 10:44

PNO - Năm 1996, Toàn lấy toàn bộ số tiền bán căn hộ ở thủ đô Hà Nội, vay thêm tiền của mẹ, người chỉ ăn vào đồng lãi tiết kiệm của người chồng quá cố, rồi chạy chọt một xuất lao động xuất khẩu tại cộng hòa Séc.

Trước đó một năm, Toàn đã ly dị vợ, bị cô này căm ghét tới nỗi cấm tiệt không cho anh gặp con.

Sang Séc, anh làm việc trong nhà máy sản xuất nước uống Kofola được hai năm thì bỏ ra ngoài làm riêng. Anh thấy làm ở nhà máy tuy ổn định, nhưng đồng lương chỉ vừa đủ ăn, đóng các loại bảo hiểm, thuê nhà, rượu, thuốc, chẳng dư dật được là bao. Hơn nữa, giờ giấc làm việc lại quá chặt chẽ, nên anh khó tranh thủ tạt qua tạt lại thăm anh em bè bạn người Việt Nam.

Toàn đến Ostrava, vùng biên giới giữa Séc và Ba Lan, để làm ăn. Anh bắt đầu với việc nấu ăn trong một quán ăn Việt Nam tại đây. Việc đứng nấu ăn khá vất vả, anh phải đứng bên cái chảo lớn, chế các món mỳ xào, phở xào, rau xào… tóc tai, quần áo, da thịt lúc nào cũng nặng mùi khói mỡ.

Được cái, anh học nghề nhanh, và trở thành một tay đầu bếp cừ. Mức thu nhập cũng cao hơn so với hồi làm việc ở nhà máy. Tuy nhiên, trong thâm tâm, Toàn không mấy hài lòng với vị trí đầu bếp, anh tự coi mình chỉ là một người xóc chảo.

Qua chau Au 'xoc chao' roi thanh ke lua dao
Ảnh minh họa

Đứng xóc chảo thêm hai năm nữa, thì Toàn đủ tiền cưới vợ mới, và gom tiền cùng vợ mua trả góp một căn hộ chung cư. Họ sớm có hai mặt con với nhau. Toàn sau năm năm đứng xóc chảo, đã đủ tiền hùn vốn với chủ quán ăn, để mở thêm một quán ăn nữa. Công việc phát triển tới nỗi, cứ sau nửa năm, họ lại mở thêm một quán ăn, tạo thành chuỗi quán ăn Việt Nam khá có tiếng tại Ostrava và một số vùng lân cận.

Lúc này, Toàn không đứng xóc chảo nữa. Anh đổi đời từ “thằng xóc chảo”, lên vị trí ông chủ đầu tư. Anh bắt đầu chạy xe đi khắp các siêu thị, đàm phán thuê mặt bằng để mở quán ăn, nối dài chuỗi kinh doanh ẩm thực của mình. Điện thoại liên miên, đồng tiền luân chuyển, Toàn mơ tới ngày anh và đối tác cứ việc thực hiện franchise thương hiệu mà kiếm lời.

Qua chau Au 'xoc chao' roi thanh ke lua dao
Ảnh minh họa

Nhưng cũng chính lúc làm ăn phất lên như diều, thì Toàn rơi vào cái bẫy khác. Thấy anh bắt đầu “có máu mặt”, nhóm những người kinh doanh vốn bắt đầu chiêu dụ anh. Họ gom vốn cho vay, với lãi suất lên tới 5%/tháng. Toàn chơi một ít ban đầu, thấy họ trả lãi sòng phẳng, bắt đầu ham, và anh dần nghiêng về phi vụ “ép tiền đẻ nhanh”.

Anh dồn hết tiền của nhà mình, vay thêm mẹ vợ, anh em bạn hữu để tung vào trò chơi tài chính mạo hiểm. Qua gần năm, trò chơi thắng lợi, Toàn thấy tiền bỗng dưng đến quá dễ, anh càng chơi bời táo tợn, du hý, bạn gái, casino, hút hít… không trò nào anh không nếm thử. Vợ anh biết nhưng cũng đành ngậm miệng, bởi nỗi sợ đồng tiền, chị mà làm căng, anh sẽ bê tiền đi hết.

Mà Toàn bê tiền đi thật sự, anh chơi một cú cực lớn, gom tiền từ khắp các chỗ mà anh có thể nghĩ ra. Anh bay về Việt Nam, vét nốt số tiền mẹ vừa bán ngôi nhà cũ ở thành phố để về quê ở. Anh vay thêm người quen ở Việt Nam, với lời hứa trả lãi cao, hứa đưa con cái họ sang Séc làm ăn, anh hứa bất cứ điều gì anh thấy là mình có thể thực hiện, hứa cả những điều không thể, miễn là ôm gom càng nhiều tiền càng tốt để mang sang Séc. Anh dùng dịch vụ chuyển tiền đen để đưa đi số tiền lên tới gần ba trăm ngàn đô la.

Nhưng phi vụ cuối lại là phi vụ chết. Ngay sau khi tiền Toàn gom được chuyển cho nhóm tài chính, thì họ không chuyển tiền lãi như đã hẹn. Họ bắt đầu nêu khó khăn, đòi hỏi anh nạp thêm tiền để giải quyết. Toàn lo lắng, nhưng vẫn tìm cách đi vét tiền chuyển cho nhóm, cho đến khi hiểu ra rằng, mình đã vướng vào một đường dây lừa đảo.

Khi các chủ nợ tới tìm Toàn, thì anh trốn. Mặc vợ anh phải đối đáp, ra mặt. Anh còn bận đi tìm những người quen cũ, để tiếp tục lừa tiền. Thói ăn chơi nhiễm vào máu mất rồi, anh tiếp tục cần tiền để ăn chơi, sẵn sàng bán nhân tâm, phẩm giá, hay bất cứ gì có thể.

Kiều Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI