Phụ nữ giữa 'tâm bão' 4.0

04/03/2018 - 13:40

PNO - Phụ nữ cần phải được chuẩn bị ra sao trước các thách thức của CMCN 4.0? Giữa “tâm bão” đó, bất bình đẳng giới có thể ngày càng gia tăng?

Theo xếp hạng 702 ngành nghề khác nhau của nhà kinh tế học Carl Benedikt Frey và chuyên gia Michael Osborne từ Đại học Oxford Martin vào năm 2013, 10 ngành nghề trong tương lai gần dễ bị thay thế bởi máy móc nhất sẽ là: tiếp thị từ xa; chuẩn bị báo cáo thuế (xác suất 99%); thẩm định bảo hiểm xe hơi; trọng tài và các quan chức thể thao; thư ký pháp lý (98%); chủ và người phục vụ trong nhà hàng, quầy bar và quán cà phê; môi giới bất động sản; nhà thầu lao động nông nghiệp (97%); thư ký và trợ lý hành chính ngoài lĩnh vực pháp lý, y khoa và điều hành (96%); bưu chính và báo phát (94%). 

Phu nu giua 'tam bao' 4.0
Ảnh minh họa

Cũng theo báo cáo đó thì 10 ngành nghề ít bị máy móc tự động hóa nhất sẽ bao gồm: nhân viên tư vấn xã hội về sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện (xác suất bị thay thế là 0,31%); biên đạo múa (0,40%); thầy thuốc và nhà phẫu thuật (0,42%); tâm lý học (0,43%); quản trị nguồn nhân lực (0,55%); phân tích hệ thống máy tính (0,65%); nhân chủng học và khảo cổ học (0,77%); kỹ sư hàng hải và công trình sư hải quân (1,00%); quản lý bán hàng (1,30%); giám đốc điều hành (1,50%).

Tuy mọi dự báo đều chỉ có tính chất tham khảo nhưng rõ ràng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thế giới nói chung và phụ nữ nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Phụ nữ cần phải được chuẩn bị ra sao trước các thách thức của CMCN 4.0? Giữa “tâm bão” đó, bất bình đẳng giới có thể ngày càng gia tăng? 

Thật ra, máy móc và các robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dường như chưa thể đảm nhiệm những vai trò vốn dựa vào các đặc điểm, khả năng thuộc về bản chất con người như sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Nhiều đặc điểm và khả năng vốn gắn liền với phụ nữ và nghề nghiệp của nữ giới sẽ còn có nhu cầu nhiều hơn nữa trong thời đại của CMCN 4.0.

Phụ nữ là nhân tố chủ yếu trong nhiều ngành nghề và hẳn sẽ có nhiều ưu thế hơn nam giới trong các ngành: tâm lý học, chuyên gia trị liệu tâm lý, huấn luyện viên, hoạch định sự kiện, điều dưỡng viên... Công nghệ chắc chắn sẽ hỗ trợ phụ nữ thường xuyên nâng cao các kỹ năng cá nhân trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống. Chỉ bằng cách không ngừng nỗ lực vươn lên giữa một xã hội không ngừng phát triển, phụ nữ mới tự mình xóa đi lằn ranh của bất bình đẳng giới. 

Khi xã hội loài người tương lai còn chưa được định hình rõ nét trước sức mạnh của việc tích hợp các công nghệ; khi nhân loại rồi sẽ còn nhiều lúng túng trong việc định danh cá nhân hoặc các phạm trù luân lý, đạo đức thì sự đồng cảm và lòng trắc ẩn sâu sắc, cùng với kết nối liên tục đầy nhân ái từ nữ giới hẳn sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để nhân loại có thể vượt qua những tác động rủi ro do CMCN 4.0 mang lại; tiến đến một thế giới trọn yêu thương hạnh phúc, tri thức nhân văn hơn.

Mặc ai đó bảo gì, chị em nếu không thấy phù hợp thì chẳng nên học lập trình hay nghiên cứu về AI; cũng chả cần quá quan tâm tới các drones hay các thiết bị tự trị tự hành hoặc in 3D hay các vật liệu mới... Tự thân các công nghệ mới nổi sẽ nhanh chóng xâm nhập xã hội với nhiều dịch vụ mới mà phụ nữ có khả năng nắm bắt nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn.

Duy nhất chỉ bằng sức mạnh của tình yêu thương, sự tận tâm, chịu khó, hàng ngàn năm nay, phụ nữ đã cứu rỗi cả thế giới này. Và trong những cơn lốc như vũ bão của CMCN 4.0 hẳn cũng sẽ như vậy. Ngày 8/3 năm nay, thay vì đòi quà, sao phái đẹp chúng ta lại không nhờ công nghệ mà hoàn thiện bản thân để những bông hoa, những món quà sẽ được gửi đến vì nửa kia nhận thấy chúng ta hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh?

Phạm Thanh Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI