Phó mặc cho điện thoại, mẹ biến con thành đứa trẻ vô hồn

14/06/2019 - 06:00

PNO - Nhìn hai đứa trẻ hàng xóm ôm điện thoại ngồi sofa, còn bà ngoại chúng còng lưng làm việc nhà, chị nhớ tới đứa con khờ khạo của mình và vô cùng hối hận...

Mới đây, bộ ảnh Những đôi mắt đang chết dần thu hút sự chú ý của các ông bố bà mẹ. Những đôi mắt của trẻ trong bộ ảnh đều chảy máu - hình ảnh thật ám ảnh - như đó có lẽ cũng là một lời cảnh báo. Dạy con bằng thiết bị công nghệ, tivi, máy tính... khiến trẻ không những bị ảnh hưởng thị lực mà còn trong tâm hồn. 

Con gái chị đồng nghiệp của tôi vừa học xong lớp Một. Bé nhút nhát trong giao tiếp một cách kỳ lạ. Cô giáo kể trong lớp bé thường chơi một mình, bị bạn bè bắt nạt cũng im lặng, đau lắm mới khóc. Khi về nhà, bé chỉ nói chuyện với ba mẹ, người khác đến nhà dù cố trêu đùa đến mấy bé cũng không đáp lời. Vài lần chị dẫn con tới công ty tôi chơi, bé luôn giữ khuôn mặt không vui không buồn, cứ ngồi im lặng một góc vậy thôi.

"Hồi đó mình bận rộn, cứ thả cho con cái điện thoại, mở mấy chương trình con thích lên rồi bỏ con tự chơi, lo công việc nhà. Lúc ấy thấy khỏe vì không bị bé quấy khóc, làm phiền. Nhưng giờ nghĩ lại hối hận vô cùng. Giá mà vợ chồng mình đã dành nhiều thời gian hơn với con. Việc cơ quan, việc nhà có khi nào mà ngớt" - chị buồn bã. 

Pho mac cho dien thoai, me bien con thanh dua tre vo hon
Con chị vô cảm và nhút nhát, dù chị luôn nhắc bé phải giao tiếp với đồng nghiệp của mẹ. Hình minh họa.

Chị đưa về dự đám cưới người họ hàng ở quê, các bé khác làm thân nhau rất nhanh. Chúng đùa nghịch vui vẻ ngoài vườn thì con chị ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế ngoài sân, im lặng. Không phải là tự kỷ, mà bé nói ít, người lạ phải thật kiên nhẫn ngồi bên làm quen, trò chuyện, kể chuyện, đùa giỡn một lúc rất lâu bé mới bắt quen. 

Giờ thì chị không còn cho con cầm điện thoại, Ipad, chị dành thời gian dẫn con đi công viên, đi bơi, đi ăn, xem phim, sở thú... Nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Có lần chị phát hoảng ở khu du lịch, mới vừa quay người trả tiền que kem, con bé đã biến mất. Chị gọi tìm đến phát khóc. Hỏi thì không mấy ai để ý, mà gần đó cũng không ai thấy có người lạ bế trẻ con đi ngang. 

Rồi tình cờ người bán kem cúi xuống nhặt tiền rơi, mới thấy con bé ngồi co ro ăn kem trong góc hàng đã bị tấm bạt che chắn. Chị không mắng con mà tự nhiên chảy nước mắt tự trách mình, có phải con thích rút lui vào các góc do lỗi của chị đã nhiều năm bỏ mặc con với chiếc điện thoại vô tri?

Pho mac cho dien thoai, me bien con thanh dua tre vo hon
Trẻ cần vui chơi hoạt động giữa thiên nhiên để phát triển các kỹ năng. Hình minh họa.

Chồng chị có ý định mua đất ở vùng ngoại ô sinh sống, hai vợ chồng chịu khó đi làm xa hơn nhưng đổi lại, con gái sẽ có không gian sống xanh hơn. Đất ngoại ô có thể làm vườn rau, vườn hoa, nuôi con chó, con mèo; rồi những mối quan hệ láng giềng cũng sẽ gần gũi hơn cuộc sống ở chung cư phố. 

"Chị sắp xếp tiền bạc và thời gian, vợ chồng đưa con đi chơi nhiều hơn, về quê về với thiên nhiên. Cho con biết thế nào là vườn rau cây lúa, con nào là con cào cào con nào là con dế. Trẻ con lớn lên trong thành phố thấy sao mà ngột ngạt quá" - có lần chị nói vậy, sau một chuyến về đồng, nhìn thấy sự dạn dĩ, lanh lợi của những đứa trẻ miền quê. 

"Cố gắng vì con để mọi thứ chưa phải là quá muộn. Thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điều mới lạ như vậy mà thế giới của con lẽ nào chỉ có trên màn hình điện thoại thôi sao?" - chị ngậm ngùi. 

Pho mac cho dien thoai, me bien con thanh dua tre vo hon
Một bức ảnh trong bộ ảnh Những đôi mắt chết dần

Ai cũng biết, mọi đứa trẻ đều cần được khám phá thế giới tự nhiên, lớn lên bằng những đôi mắt nhìn vào không gian sống thực tế quanh mình, chứ không phải là màn hình điện thoại.

Cuộc sống bận rộn cho chúng ta những cái cớ để giao con cho thiết bị công nghệ. Những đôi mắt trẻ thơ gắn vào các màn hình cũng có một thế giới hình ảnh và kiến thức sống động, nhưng không thể nào bù đắp đổi những mất mát về tâm hồn.

Lục Diệp

Nguồn nuôi con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI